Những ứng xử tối kỵ trong nghề dạy học

Trẻ con cũng cần sĩ diện

Cô Hoàng Hoa, một giáo viên dạy lâu năm ở cấp tiểu học cho biết, trong ứng xử với trẻ con, phải đặc biệt chú ý rằng đứa trẻ nào cũng sợ phê bình trước mặt người khác. Đứa trẻ sẽ cảm thấy tổn thương hơn nếu bị phê bình trước lớp hay trước toàn trường.

Những ứng xử tối kỵ trong nghề dạy học ảnh 1
Học trò luôn mong muốn được đối xử công bằng. (Ảnh minh hoạ: internet)
Đó mới chỉ là phê bình, còn nếu cấp độ cao hơn là mắng mỏ, hay chửi học trò khiến chúng bị xúc phạm, bị tổn thương thì tác hại còn nặng nề hơn nữa. Khi đứa trẻ bị đối xử như vậy trước mặt bạn bè cùng lớp, dĩ nhiên, đứa trẻ đó sẽ cảm thấy xấu hổ với bạn bè, tự ti trước bạn bè và dẫn đến cảm giác bị cô độc. Nếu đến trường mà cô độc giữa mọi người thì việc đi học còn ý nghĩa gì nữa? Nhà tâm lý, thám tử Hoàng Nhân chia sẻ: Chúng tôi đã phải xử lý hậu quả nghiêm trọng từ việc những cô bé, cậu bé, nhất là học cấp hai, cấp ba, lứa tuổi “nổi loạn” và “cực nhạy cảm” khi bị người khác mắng chửi. Có cô bé học xong lớp 12, thi trược ĐH, bị cha tát có một cái mà bỏ nhà ra đi, mua thuốc ngủ uống để tự tử, may mà được bạn bè kịp đưa đến bệnh viện rửa ruột kịp thời. Tuổi mới lớn không bị đánh nữa, nhưng việc gây tổn thương bằng lời nói cũng gây ra hậu quả đau lòng không kém việc đánh đập. Đó là bởi, người lớn đã quên mất rằng, đứa trẻ cũng cần có sĩ diện như người lớn. Hạ thấp vai trò của chúng trước mặt người khác không một đứa trẻ nào mong muốn. Bà Đinh Kim Phượng, hiệu trưởng Trường tiểu học Chính Nghĩa, quận 5, TP.HCM cho biết: Có lần nghe phụ huynh góp ý, tôi phê bình một cô giáo mới vào nghề. Tôi gọi riêng cô ra phê bình nhẹ nhàng nhưng cương quyết, chứ không phê bình trước tập thể. Tôi làm như vậy để cô không phải xấu hổ với đồng nghiệp. Tôi cho rằng, nếu mình có ứng xử tốt với lỗi lầm của giáo viên, thì cô giáo cũng sẽ ứng xử như vậy với học trò. Nếu mình làm không đúng, thì dĩ nhiên cô sẽ trút tức giận vào học trò, vậy là sẽ phản tác dụng. Vì vậy, người lớn đối xử với người lớn phải chuẩn mực đã. Một Việt kiều ở Pháp cho biết, nếu để ý kỹ nền giáo dục phương Tây, chúng ta sẽ thấy họ luôn khen học sinh rất nhiều ở trường. Mỗi khi học trò làm tốt một việc, bao giờ họ cũng khen ngay lập tức, do vậy đứa trẻ trở nên rất tự tin. Nếu phê bình, họ gọi riêng ra một nơi, phân tích cho đứa trẻ điều gì nên làm và không nên làm chứ không bao giờ mắng mỏ chúng để các HS khác nghe thấy. Nhiều giáo viên ở Việt Nam đã không hề biết đến khái niệm “kỷ luật tích cực”, tức là tìm cách kỷ luật để trẻ con trở nên tiến bộ chứ không phải là cho chúng bị cảm thấy “đáng đời” hay bị hành hạ. Hình thức chép phạt là một ví dụ về kỷ luật không tích cực. Dễ mất công bằngỞ thành phố, do phân hoá về mức độ giàu nghèo cao đã ảnh hưởng rất nhiều môi trường giáo dục. Những phụ huynh “nhà giàu” thường “phong bì” cho giáo viên “nặng đô” hơn để con mình được quan tâm. Một chuyên gia giáo dục cho biết, rất ít giáo viên vì tiền mà đối xử không tốt với học sinh mà cha mẹ chúng không biếu quà, tuy nhiên, giáo viên chắc chắn sẽ tỏ ra ưu ái những đứa trẻ mà cha mẹ nhà giàu gửi gắm. Sự ưu ái này có khi chỉ bộc lộ qua thái độ, cử chỉ. Tuy nhiên, phải nhớ rằng, đứa trẻ cực kỳ nhạy cảm, chúng biết hết! Đó là chưa kể, trong lớp chỉ có một số em đi học thêm thầy cô giáo dạy chúng. Đương nhiên, thầy cô đó sẽ tỏ ra quan tâm hơn đến những học trò có học thêm mình. Và tất nhiên, những đứa trẻ còn lại vẫn nhận ra điều đó. Bất cứ hành động gì không công bằng của người giáo viên đó, đứa trẻ khác sẽ kết luận rằng do chúng không đi học thêm nên mới bị đối xử phân biệt. Một chuyên gia giáo dục nhận định: Quan sát nhiều câu chuyện đau lòng xảy ra trong trường học, tôi thấy, tất cả đều do lương giáo viên thấp mà ra. Vì lương thấp nên người ta mới tìm đủ mọi cách để cho trò học thêm, vì lương thấp mà cha mẹ mới phải quà cáp, phong bì cho thầy cô giáo. Thử tưởng tượng, đời sống giáo viên được đảm bảo, lúc đó mối quan hệ thầy trò chỉ đơn giản ở việc dạy-học. Người thầy sẽ có đầy đủ các điều kiện để trau dồi cách ứng xử và nâng cao chất lượng dạy học.
Theo Tú Uyên (VNN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm