Hôm nay (14-10), Đoàn đại biểu Quốc hội (QH) TP.HCM tổ chức hội thảo góp ý cho dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp, sẽ được QH cho ý kiến vào kỳ họp thứ 8.
Bà Văn Thị Bạch Tuyết (Thành ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu QH TP.HCM) chủ trì hội thảo.
Bà Văn Thị Bạch Tuyết chủ trì hội thảo. Ảnh: YC
Tại hội thảo, ông Trần Văn Nghiệp (Phòng Kỹ thuật hình sự Công an TP.HCM) nêu trên TP có hơn 500.000 yêu cầu giám định, trong đó nhu cầu về kỹ thuật hình sự hơn 350.000, pháp y là khoảng hơn 100.000, còn lại các giám định khác. Số lượng vụ việc phần lớn là giám định kỹ thuật hình sự.
Theo ông Nghiệp, cần quy định rõ hơn về tiêu chuẩn bổ nhiệm giám định viên, thời hạn giám định trong trường hợp BLTTHS chưa quy định. Về vấn đề phân cấp, hiện nay lĩnh vực giám định thương tích chỉ có ở phân cấp trung ương, tức Viện Khoa học hình sự thực hiện. Trong khi lực lượng pháp y công an nhân dân tại các tỉnh đã "trưởng thành" nên theo ông Nghiệp, nên phân cấp thêm lĩnh vực này cho pháp y nhân dân ở các tỉnh để kết hợp làm cho nhanh chóng, kịp thời.
Ông Nghiệp phát biểu tại hội thảo. Ảnh: YC
Ông Hoàng Tiến Thanh (đại diện VKS quân sự, Quân khu 7) cho rằng việc quy định thời hạn giám định có thể được gia hạn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kết luận điều tra. Vì một số vụ án căn cứ duy nhất để khởi tố vụ án, khởi tố bị can liên quan đến kết luận giám định. BLTTHS quy định rất cụ thể thời hạn điều tra, không cho phép kéo dài hơn được nữa như vậy nếu cơ quan giám định vì một lý do gì đó gia hạn giám định sẽ ảnh hưởng rất lớn đến điều tra vụ án.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: YC
Đại diện Sở Tư pháp TP.HCM góp ý về việc cấp thẻ giám định viên tư pháp, đây là quy định mới. Tuy nhiên, chưa có quy định chuyển tiếp là những giám định mới sẽ được cấp hay toàn bộ (bao gồm những giám định viên cũ) sẽ được cấp. Về phân tuyến, phân cấp giám định cần có đánh giá cụ thể hơn để tránh trường hợp giao cho cấp huyện nhưng lại không đủ điều kiện giám định.
Ông Nguyễn Ngọc Quang (Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực TP.HCM) vấn đề pháp y tâm thần rất phức tạp khi tội phạm tại TP.HCM ngày càng tăng. Tuy nhiên, trung tâm còn khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực còn thiếu.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Nhật Nam (Phó Viện trưởng VKSND TP.HCM) cho rằng khoản 2 Điều 33a về đánh giá, sử dụng kết luận giám định tư pháp có quy định trong trường hợp có nhiều kết luận giám định khác nhau về cùng nội dung thì cơ quan, người tiến hành tố tụng có thẩm quyền căn cứ vào sự đáp ứng theo các tiêu chí: Trình độ chuyên môn, khả năng nghiệp vụ của người giám định; phương pháp quy trình thực hiện giám định; trang thiết bị, phương tiện sử dụng thực hiện giám định… để đánh giá tính khách quan, chính xác của kết luận. Đây là quy định không khả thi. Bởi cơ quan người tiến hành tố tụng không có chức năng và khả năng để kiểm chứng trình độ, khả năng nghiệp vụ, phương pháp quy trình của người giám định.
Ông Nam nêu một vụ việc kết luận giám định lần đầu 15% bị khiếu nại gay gắt và khi giám định lại thì lần thứ hai kết quả là 0%, vậy cơ quan tố tụng phải dựa trên kết luận nào? Theo ông Nam, điều đó rất là khó vì như đã nói cơ quan người tiến hành tố tụng không có khả năng, trình độ chuyên môn để đánh giá.
Ông Nguyễn Nhật Nam (Phó Viện trưởng VKSND TP.HCM tại hội thảo). Ảnh: YC
Cạnh đó, theo ông Nam, hiện nay việc tạm đình chỉ giải quyết tin báo 80% là do chưa có kết luận giám định. Vì vậy, cần bổ sung thời hạn giám định trong cả thời gian thụ lý giải quyết tin tố giác chứ không chỉ trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử. Và trên thực tế hiện nay có những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, xã hội đen, băng nhóm tội phạm xử lý với nhau, người bị thương không hợp tác trong khi Sở Y tế quy định không được giám định chỉ qua hồ sơ. Ông Nam kiến nghị việc bổ sung nội dung tiến hành giám định thương tật qua hồ sơ bệnh án để tránh bỏ lọt tội phạm.
Cung theo ông Nam, cần sửa đổi, mở rộng quyền tự yêu cầu giám định của người tham gia tố tụng để đảm bảo điều kiện, phương tiện tìm kiếm chứng cứ. Vì hiện nay có rất nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em, mà theo quy định thì sau bảy ngày mà cơ quan có thẩm quyền không trưng cầu giám định thì cá nhân, tổ chức mới được yêu cầu giám định là không hợp lý. Đối với những vụ án này nếu chúng ta không giám định ngay thì sẽ làm mất đi dấu vết, vật chứng, chứng cứ quan trọng trong giải quyết vụ án. Vì vậy, theo ông Nam, nên quy định chỉ sau ba ngày (thay vì bảy ngày) nếu cơ quan có thẩm quyền không trưng cầu giám định thì cơ quan, tổ chức được quyền yêu cầu.