Mới đây, một trang báo của Nga có đưa tin nghi vấn về chiếc máy bay MH370 của hãng hàng không Malaysia mất tích từ hôm 8/3 vẫn còn sống sót và đang bị giam tại Afghanistan.
Thông tin này được nhật báo Moskovskiy Komsomoles (Nga) dẫn nguồn tin mật, được một người giấu tên của cơ quan an ninh nói với MK. Theo đó, chiếc máy bay số hiệu MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines đã bị những kẻ khủng bố khống chế và hiện đang ở khu vực Đông Nam thành phố Kandahar (Afghanistan), gần biên giới với Pakistan.
Tất cả các hành khách trên máy bay đều còn sống, họ bị chia thành 7 nhóm khác nhau với tình trạng sức khỏe "không tốt". Nhật báo Moskovskiy Komsomoles còn dẫn lời nguồn tin cho hay, chiếc máy bay đang nằm tại một con đường nhỏ ở Afghanistan, với một cánh bị gãy có thể là do một cú hạ cánh gấp nguy hiểm.
Thông tin về MH 370 trên nhật báo Moskovskiy Komsomoles.
Nhiều người đặt nghi vấn rất có thể, đây chỉ là thông tin của ngày "Cá tháng Tư" bởi cho đến nay, đã tròn một tháng kể từ ngày chiếc máy bay MH370 bị mất tích. Đó là quãng thời gian không quá dài, nhưng cũng đủ để các cơ quan tìm ra chút ít manh mối về sự biến mất bí ẩn này.
Cùng với đó, theo những nguồn tin chính thống thì việc tìm kiếm chuyến bay MH370 mất tích tại Nam Ấn Độ Dương đến nay đã có tín hiệu lạc quan sau khi liên tục có tin nói tàu của Australia và Trung Quốc bắt được tín hiệu có thể từ hộp đen của máy bay.
Nếu như thông tin của nhật báo Nga là chính xác, đó sẽ là một tin tốt cho thân nhân của những người có mặt trên chuyến bay định mệnh MH370 này, bởi một tháng nay, họ vẫn luôn cầu nguyện mong rằng phép màu sẽ hiện ra. Tuy vậy, cho tới thời điểm hiện tại, chưa có cơ quan thẩm quyền nào đưa ra bình luận về thông tin "gây shock" này.
Giờ thì cùng điểm lại một vài những vụ bắt cóc không tặc nổi tiếng trong lịch sử qua bài viết dưới đây.
1. Chuyến bay 814 của Indian Airlines
Vào ngày 24/12/1999, chuyến bay 814 của hãng Indian Airlines trên đường từ sân bay quốc tế Tribhuvan, Kathmandu (Nepal) đến sân bay quốc tế Indira Gandhi ở Delhi (Ấn Độ) đã bị bắt cóc và thủ phạm được cho là một nhóm khủng bố đóng trụ sở tại Pakistan.
Những kẻ bắt cóc có vũ trang đe dọa sẽ cho nổ chiếc máy bay không lâu sau khi nó bay vào không phận Ấn Độ và ra lệnh cho cơ trưởng chuyển hướng bay tới một số địa điểm như Amritsar, Lahore, Dubai. Cuối cùng, những kẻ bắt cóc đã buộc chiếc máy bay hạ xuống Kandahar, Afghanistan.
Yêu cầu của nhóm không tặc này là yêu cầu nhà chức trách thả 35 nhân vật Hồi giáo đang bị giam ở Ấn Độ kèm theo khoản tiền mặt 200 triệu USD (khoảng 4.100 tỷ VND theo tỷ giá hiện tại). Tuy nhiên, đoàn thương thuyết của Ấn Độ đã thuyết phục được chúng giảm yêu cầu xuống chỉ thả ba tù nhân.
Sau khi ba người này tới Kandahar, các con tin trên máy bay được trả tự do và được đưa về Ấn Độ trên một chiếc máy bay khác. Trước đó, bọn bắt cóc đã thả 27 trong 176 hành khách ở Dubai, nhưng một người đã bị đâm chết và nhiều người khác bị thương.
2. Chuyến bay 426 của hãng El Al
Hãng hàng không El Al Airlines có trụ sở ở Israel được coi là mục tiêu của bọn bắt cóc. Bởi vậy mà hãng El Al Airlines luôn tiến hành các biện pháp an ninh chặt chẽ nhằm bảo đảm an toàn cho mỗi hành khách.
Tuy nhiên, dù luôn cẩn trọng thì hãng hàng không này vẫn bị "bắt cóc". Điển hình là vụ bắt cóc máy bay vào ngày 23/7/1968 với chuyến bay mang số hiệu 436 của hãng El Al Airlines đang trên đường từ London Heathrow (Anh) đến Leonardo da Vinci-Fiumicino (Ý).
Chiếc máy bay đã bị ba thành viên của Mặt trận giải phóng Palestine (PFLP) khống chế, bắt đổi hướng bay sang Algiers - nước tuyên chiến với Israel một năm trước đó.
Tất cả hành khách không phải người Israel được thả ra; 12 hành khách người Israel (gồm 10 phụ nữ và các trẻ em Israel sau đó cũng được thả); 10 thành viên phi hành đoàn trở thành con tin. Phải mất tới 40 ngày thương lượng, các bên mới đạt được thỏa thuận. Sau khi 16 kẻ khủng bố người Arab bị kết án được thả, những người còn lại trên máy bay mới được tự do.
3. Thảm họa hàng không Lockerbie
Vào ngày 21/12/1988, thế giới bàng hoàng bởi vụ đánh bom máy bay trên bầu trời Lockerbie (Scotland), khiến 270 người thiệt mạng. Chiếc máy bay mang số hiệu 103 của hãng hàng không Pan Am đã phát nổ sau 30 phút cất cánh trong hành trình từ sân bay London Heathrow (Anh) tới sân bay quốc tế John F. Kennedy (Mỹ).
Toàn bộ 243 hành khách, cùng 16 thành viên phi hành đoàn hầu hết là công dân Mỹ và 11 người trên mặt đất đã thiệt mạng khi các mảnh vỡ rơi xuống nhà của họ tại thị trấn Lockerbie. Đây được xem là vụ tấn công khủng bố đẫm máu nhất tại Anh và là vụ tấn công có nhiều người Mỹ thiệt mạng nhất sau vụ 11/9/2001.
Theo tài liệu của cơ quan điều tra, một lượng thuốc nổ từ 340 - 450g đã được bọn khủng bố cho phát nổ trong khoang chứa hàng. Điều này khiến phía bụng bên trái của máy bay bị thủng và kéo theo sự phá hủy hàng loạt các bộ phận khác khi gió lùa vào. Đầu và thân máy bay thậm chí còn bị tách rời trước khi tất cả cùng rơi xuống từ độ cao khoảng 9.400m.
Tên khủng bố duy nhất bị kết tội trong vụ này là một nhân viên tình báo người Libya, Abdelbaset Ali Mohmed al Megrahi. Tuy nhiên, vào tháng 8/2009, hắn được ân xá khỏi một nhà tù Scotland do bị ung thư tuyến tiền liệt và mất vào năm 2012.
4. Chuyến bay 139 của Air France
Vào năm 1976, hai thành viên của PFLP và hai thành viên của Tổ chức Cách mạng Đức tấn công chuyến bay 139 của Hãng hàng không Pháp - Air France trên đường từ Athens đi Paris đã chuyển hướng chuyến bay sang Benghai, Libya.
Những hành khách trên chuyến bay Air France 139 vui mừng sau khi được giải thoát.
Sau khi thả một con tin nữ giả vờ vừa bị sảy thai, bọn bắt cóc đưa 247 hành khách và phi hành đoàn gồm 12 người tới phi trường Entebbe ở Uganda, nơi có thêm bốn người nữa gia nhập phe bắt cóc. Nhóm khủng bố yêu cầu đòi thả 40 người Palestine đang bị Israel giam giữ và 13 người nữa ở các nước khác, nếu không, họ sẽ sát hại các con tin.
Một chiến dịch cứu hộ được mở ra ngay lập tức và 100 lính đặc nhiệm từ Israel đã tới hiện trường, tấn công máy bay để giải cứu con tin. Sau màn đọ súng, ba con tin, một lính đặc nhiệm Israel và 45 binh sĩ Uganda thiệt mạng. Một con tin khác chết ở bệnh viện. Rất may, 105 con tin khác đã được giải cứu an toàn.
5. Chuyến bay 648 của hàng không Ai Cập
Đây được coi là một trong những vụ bắt cóc máy bay đẫm máu nhất lịch sử. Vào ngày 23/11/1985, sau khi ba thành viên của Tổ chức Abu Nidal kiểm soát chiếc máy bay đang đi từ Athens tới Cairo, một thành viên của lực lượng an ninh Ai Cập trên máy bay đã nổ súng, giết chết một tên bắt cóc.
Nhưng ngay sau đó, nhân viên này cũng bị bắn chết. Tình hình trên máy bay trở nên rất căng thẳng. Chiếc máy bay cạn dần năng lượng và phải hạ cánh ở Malta bất chấp việc nhà chức trách Malta không đồng ý.
Tình trạng bế tắc kéo dài trong không khí vô cùng căng thẳng và nguy hiểm. 11 hành khách và hai tiếp viên bị thương được thả nhưng lập trường cứng rắn của chính quyền Malta đã góp phần khiến cho những kẻ bắt cóc "điên loạn", tiếp tục sát hại thêm hai hành khách người Mỹ.
Lực lượng đặc nhiệm Ai Cập sau đó đã mở cuộc tấn công, gây ra tình trạng hỗn loạn, khiến 56 trong 88 hành khách còn lại thiệt mạng. Theo thống kê cuối cùng, 60 trong 92 hành khách trên máy bay đã thiệt mạng.
* Bài viết sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn: Criminal Justice Degrees Guide, Mirror, Wikipedia...
Theo kenh14