Tuy nhiên, nếu đội tuyển Việt Nam không đủ bản lĩnh và không xác định chỗ đứng lẫn đẳng cấp của mình ở cấp độ đội tuyển, điều đấy sẽ trở thành yếu tố chống lại đội tuyển Việt Nam.
Một mình đại diện cho Đông Nam Á, thành công ở giải trẻ cấp châu lục càng khiến các đối thủ trong khu vực như Malaysia, Indonesia, Thái Lan… nhìn và “soi” kỹ chân đế của bóng đá Việt Nam. Với mô hình “2 trong 1”, có thể nói đội tuyển Việt Nam sẽ vẫn dựa vào bộ khung như ở giải U-23 và Asiad. Ngay cả lối chơi ở hai giải qua cũng không có nhiều khác biệt khi dựa vào một hàng thủ “cố định”, còn tuyến trên thì xoay người với chủ đích tiêu diệt đối thủ ở hiệp 2.
Đội tuyển Việt Nam sẽ không khác nhiều đội Olympic và nhân vật sáng nhất bổ sung là Đinh Thanh Trung. Ảnh: QUANG THẮNG
Các đối thủ cùng bảng như Malaysia, Myanmar khẳng định đã nhận ra lối chơi và con người của đội tuyển Việt Nam. HLV Tan Cheng Hoe của Malaysia nói ông đã nghiên cứu kỹ về đội tuyển Việt Nam qua hai giải trẻ U-23 và Asiad, đồng thời tuyên bố có cách để cạnh tranh ngôi đầu bảng A với đội tuyển Việt Nam. Cũng cần nhớ là ở vòng bảng, mỗi đội đá bốn trận thì Việt Nam có hai trận sân nhà tiếp Campuchia và Malaysia. Sân Mỹ Đình khi đội tuyển Việt Nam tiếp Malaysia gần đây không còn là kỷ niệm đẹp cho người hâm mộ. Còn nhớ bán kết AFF Cup 2014, lượt đi dù thắng Malaysia 2-1 ở Shah Alam nhưng lượt về đội tuyển Việt Nam thua thảm tại Mỹ Đình và bị loại. Malaysia mỗi khi gặp Việt Nam luôn chọn thế kèo dưới và chơi một thứ bóng đá khô khốc, nặng tính chiến thuật và cả thể lực. Lối đá mà Việt Nam hay dùng để trị các đối thủ lớn ở hai giải trẻ vừa qua.
Myanmar ít được đánh giá cao nhưng phải chơi trên sân của họ là một khó khăn không nhỏ, nhất là họ đá kiểu kèo dưới.
Theo tính toán của giới chuyên môn, bảng còn lại sẽ khó thoát khỏi hai cái tên Thái Lan và Indonesia. Gặp một trong hai ở bán kết đều có những khó khăn riêng. Indonesia và Thái Lan khác hẳn với thành phần ở Asiad, còn với Việt Nam thì bộ khung chính là Asiad, có thể cộng thêm Văn Lâm, Thanh Trung hoặc Quế Ngọc Hải dù HLV Park Hang-seo rất ít khi thay đổi con người ở hàng thủ.
Yếu tố đội tuyển Việt Nam giờ đá AFF Cup dù là thành phần Olympic nhưng luôn được coi là “kèo trên”. Mà bóng đá Việt Nam khi đá với vị thế kèo trên luôn gặp nhiều khó khăn. Bài học xương máu mà HLV Calisto chia sẻ cho thấy rất rõ điểm này. Ông nói: “2008 chúng ta đá với tư thế dè chừng, thận trọng với từng đối thủ và lên ngôi vô địch, còn năm 2010 chúng ta không thể đá thứ bóng đá rình rập được nữa vì ở tư thế nhà vô địch và đã bị loại ở bán kết”.