Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2-2024 của Mỹ vừa được công bố tăng 3,2%, cao hơn so với dự báo (3,1%), và tăng 0,4% so với tháng trước, trong khi lạm phát lõi (không bao gồm giá năng lượng và lương thực) tăng 3,8%, cao hơn mức dự báo 3,7%.
Thông tin này lập tức khiến cho giá vàng thế giới giảm mạnh đến hơn 1,18% trong phiên giao dịch mới nhất trên thị trường New York.
Việc lạm phát Mỹ cao hơn so với kỳ vọng ảnh hưởng ra sao đến diễn biến điều chỉnh chính sách tiền tệ của Mỹ cũng như các ngân hàng trung ương lớn khác trên thế giới; ảnh hưởng đến giá vàng và tỉ giá đồng USD tại Việt Nam và khuyến nghị chính sách là những chủ đề chính trong cuộc trao đổi mới nhất của phóng viên PLO với PGS.TS. Phạm Thế Anh, Trưởng Khoa Kinh tế học Trường Đại học Kinh tế quốc dân (NEU) và ông Phan Lê Thành Long – CEO quỹ AFA Capital.
Dư địa lãi suất của các nền kinh tế toàn cầu đều giảm
Nhận định về bối cảnh thế giới, ông Phạm Thế Anh chỉ ra hiện tại, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đang tương đối thận trọng với việc đưa ra cam kết chính sách về việc hạ hay giữ nguyên lãi suất.
Quá trình hạ lãi suất sẽ bị trì hoãn cho đến khi lạm phát chắc chắn trở lại vòng kiểm soát. Mức lạm phát hiện tại đang ở trên 3% vẫn xa so với mức mục tiêu dài hạn 2% của FED.
Cũng theo ông Thế Anh, khi mà FED chưa hạ lãi suất, dư địa hạ lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn khác trên thế giới kể cả ngân hàng trung ương châu Âu hay Anh, Nhật đều sẽ hạn chế.
Lãi suất tại các nền kinh tế lớn đều liên thông với nhau, sức chi phối của lãi suất Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, sẽ ảnh hưởng đến lãi suất tại các nền kinh tế khác, đặc biệt là vấn đề tỉ giá.
Nếu như các nước không muốn đồng tiền nước họ mất giá quá nhiều so với đồng USD Mỹ thì họ phải tiếp tục thận trọng trong hạ lãi suất, vì nếu FED không hạ lãi suất mà các nước khác hạ lãi suất, đồng tiền của các ngân hàng trung ương khác sẽ bị mất giá.
Như vậy, đương nhiên tín hiệu lạm phát ở Mỹ cao hơn so với kỳ vọng, quá trình hạ lãi suất của FED sẽ chậm lại so với tính toán trước đó của thị trường tài chính, đồng thời làm chậm quá trình hạ lãi suất của các ngân hàng trung ương khác trên thế giới, ông Thế Anh phân tích.
Áp lực lên giá vàng thế giới và trong nước
Theo ông Phan Lê Thành Long, CEO của AFA Capital, giới đầu tư đang đặt kỳ vọng vào việc FED sẽ giảm lãi suất điều hành lần đầu vào kỳ họp Uỷ ban thị trường mở (FOMC) ngày 12-6 với 57% bình chọn. Mục tiêu của FED vẫn là giảm bớt nhiệt của nền kinh tế, đưa lạm phát về mục tiêu dưới 2%.
Do lạm phát tăng mạnh hơn dự báo nên việc Fed giảm lãi suất vào kỳ họp tháng 6 này sẽ không chắc chắn. FED cần chờ thêm diễn biến sắp tới về các chỉ số phản ánh lạm phát, tăng trưởng GDP quý I/2024 và độ nóng của thị trường việc làm để có thể tính đến hành động cắt giảm lãi suất điều hành.
Trong bối cảnh lạm phát Mỹ cao hơn dự báo, sức mạnh của đồng USD sẽ được tăng cường, từ đó tạo ra áp lực bán trên thị trường vàng thế giới. "Giá vàng có thể phản ứng giảm ngay tức thì trong ngắn hạn với tin tức về CPI Mỹ này, và tất nhiên sẽ có tác động đến giá vàng vật chất tại Việt Nam" - ông Long phân tích.
Còn theo ông Phạm Thế Anh, giá vàng trong nước cũng chịu ảnh hưởng bởi vấn đề chênh lệch lãi suất giữa thế giới và trong nước, ngoài vấn đề về tỉ giá còn liên quan đến đầu cơ tài sản.
Thông thường, khi lãi suất nội địa giữ ở ngưỡng quá thấp, tiền chưa vào nền kinh tế được nhiều, cầu tiêu dùng, xuất khẩu chưa tăng mạnh thì tiền sẽ chảy vào các thị trường tài sản.
Đặc biệt như hiện nay, vấn đề quản lí giá vàng của Việt Nam cũng có những bất cập dẫn đến giá vàng trong nước chênh lệch quá lớn với giá vàng thế giới, tạo điều kiện cho hoạt động gom USD buôn lậu vàng.
Kết quả là có hai tỉ giá, tỉ giá trên thị trường tự do và tỉ giá liên ngân hàng.
Khuyến nghị chính sách với Ngân hàng Nhà nước
Theo phân tích của ông Phạm Thế Anh, khi mà chính sách tiền tệ của FED vẫn thắt chặt, dư địa hạ lãi suất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ giảm đi. Đồng nghĩa với việc dư địa thực hiện nới lỏng chính sách tiền tệ của Việt Nam sẽ khó khăn hơn. Vậy việc có duy trì được mức lãi suất thấp như hiện nay hay không tùy thuộc vào một số yếu tố.
Thứ nhất, tùy thuộc vào tình hình lạm phát của Việt Nam. Do việc kiểm soát lạm phát trong nước tùy thuộc vào lãi suất thế giới, trong đó đặc biệt là lãi suất của đồng USD ở Mỹ.
Do vậy khi mà FED chậm hạ lãi suất, khả năng duy trì được lãi suất ở Việt Nam lại càng trở nên khó khăn hơn. Nếu như Việt Nam vẫn duy trì lãi suất thấp ở mức như hiện nay, chắc chắn vấn đề tỉ giá sẽ chịu ảnh hưởng.
Nhìn chung muốn ổn định tỉ giá thì ngoài việc cán cân thương mại, cán cân thanh toán phải duy trì ở mức cân bằng hoặc thặng dư thì lãi suất của nước đó phải duy trì ở ngưỡng tương đương, phù hợp với lãi suất của thế giới. Còn nếu lãi suất trong nước quá thấp thì dòng vốn sẽ chảy ra ngoài, dẫn đến hiện tượng đầu cơ tiền tệ, đầu cơ tỉ giá.
CEO của AFA Capital, ông Phan Lê Thành Long, trong khi đó nhận xét Ngân hàng Nhà nước đã có những quyết sách rất nhanh nhạy. Ngân hàng Nhà nước đã phát hành tín phiếu hút tiền khoảng 30 ngàn tỉ trong 2 ngày gần đây. Mục tiêu của việc hút tiền lần này là để kiểm soát và ổn định tỉ giá VND/USD trong bối cảnh tỉ giá trên thị trường tự do đang tăng mạnh.
Một trong những lý do quan trọng tác động tăng tỷ giá lần này là giá vàng tăng cao, chênh lệch giữa giá vàng Việt Nam và thế giới rất cao, gây sức ép lên tỷ giá VND/USD.
Lạm phát Mỹ tăng vượt dự báo sẽ tạo ra hai chiều tác động đối với tỷ giá. Thứ nhất, như phần trên đã nói, giá vàng sẽ chịu tác động bán khiến giảm ngắn hạn, sẽ giảm bớt áp lực từ giá vàng đối với tỷ giá. Thứ hai, ở chiều ngược lại, lãi suất của FED có thể chưa giảm như kỳ vọng khiến đồng USD Mỹ có thể mạnh lên, gây sức ép lên đồng VND.