Giá vàng liên tiếp phá kỷ lục, Việt Nam có nên chi ngoại tệ để nhập khẩu vàng lúc này?

(PLO)- Nhiều ý kiến đề xuất cho phép nhập khẩu vàng để thu hẹp chênh lệch giá vàng thế giới và trong nước đang ngày càng giãn cách rộng ra.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Việt Nam là một quốc gia không sản xuất vàng, mà chủ yếu là nhập khẩu vàng. Đây cũng là điều đã được Hội đồng vàng thế giới (WGC) khẳng định.

Gần đây, có nhiều ý kiến đề xuất cho phép nhập khẩu vàng để thu hẹp chênh lệch giá vàng thế giới và trong nước đang ngày càng giãn cách rộng ra.

Ý kiến trên dựa vào việc kể từ khi ra đời Nghị định 24/2012, Nhà nước đã không cấp phép nhập khẩu vàng. Nguồn nguyên liệu vàng hiện có trước đó đã được sử dụng xoay vòng phục vụ cho sản xuất nữ trang, xuất khẩu và các loại vàng nhẫn.

Khi nguồn vàng nguyên liệu bị tiêu hao, mà không có nguồn vàng thay thế đã dẫn đến việc giá vàng trong nước ngày càng tăng cao và cách xa vàng thế giới lên đến hàng chục triệu đồng, trước nhu cầu vàng ngày càng lớn của người tiêu dùng.

Hệ quả nguồn ngoại tệ có thể được thu gom trong nước chuyển qua biên giới để nhập lậu vàng nhằm hưởng chênh lệch trên. Điều này được minh chứng qua việc tỉ giá tự do thường tăng vượt mức so với tỉ giá liên ngân hàng.

Để giảm chênh lệch vàng trong nước và thế giới chỉ còn cách dùng ngoại tệ mua vàng. Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cũng đề xuất cho nhập lượng vàng nguyên liệu có giá trị khoảng 100 triệu USD vừa đảm bảo các doanh nghiệp có nguồn vàng để sản xuất nữ trang, vừa không tác động đến tỉ giá.

Thế nhưng ngay cả khi tung ra nguồn cung vàng để thu hẹp khoảng cách giá vàng cũng chưa chắc hiệu quả. Vì theo World Bank, khi thu nhập bình quân đầu người của một nước lên 4.000 USD thì mọi người có xu hướng mua tài sản trong đó có vàng để tích luỹ. Bình quân đầu người của Việt Nam hiện đã vượt hơn con số 4.000 USD.

Hiện giá vàng trong nước tăng cao nhưng cầu vẫn có. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay nhiều kênh đầu tư vẫn chưa có sức hấp dẫn, lãi suất tiền gửi tiết kiệm thấp. Do đó, khi giá vàng trong nước thu hẹp nhờ bỏ ngoại tệ mua vàng nguyên liệu để gia tăng nguồn cung có khả năng kích thích lực mua lớn hơn. Và câu chuyện tiếp theo, giá vàng lại tiếp tục đẩy lên cao khi cung cầu không cân bằng.

Ngoài ra, một nguồn ngoại tệ chảy ra sẽ gây áp lực lên đồng nội tệ và khi đó khiến tình trạng vàng hoá quay trở lại, tác động tiêu cực đến tỉ giá, lãi suất, an toàn tài chính quốc gia.

Còn nhớ từ giữa năm 2023, với việc Mỹ liên tục tăng lãi suất đã gây áp lực rất lớn lên tiền đồng, Ngân hàng Nhà nước phải áp dụng một loạt các biện pháp tổng thế, để ổn định tỉ giá nhằm hướng tới mục tiêu tổng thể ổn định kinh tế vĩ mô.

Hiện nay, bối cảnh kinh tế quốc tế còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, còn trong nước vẫn còn đó nhiều vấn đề còn tồn đọng chưa giải quyết hết như tổng cầu yếu, lãi suất xuống thấp nhưng tín dụng không tăng trưởng, thị trường trái phiếu và bất động sản chưa phục hồi, đầu tư công còn nhiều vướng mắc.

Do đó, Nhà nước khó có thể sẵn sàng bỏ những nguồn lực ngoại tệ quý giá để nhập vàng chỉ nhằm phục vụ vấn đề kéo giá vàng trong nước về sát giá vàng quốc tế.

Theo giới phân tích, Việt Nam phải tiếp tục thực hiện các giải pháp quyết liệt để tăng trưởng kinh tế, gia tăng sức mạnh đồng nội tệ, tăng tính ổn định thị trường bất động sản, tài chính và tạo lập nhiều kênh đầu tư hấp dẫn sẽ khiến người dân sẽ ít bỏ tiền vào vàng để cất trữ. Khi đó, cung cầu cân bằng, giá vàng trong nước sẽ tự có điểm cân bằng hợp lý.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm