Nhượng quyền thương mại: Đấu trí tóe lửa mới thương lượng được

Hôm qua, Hội thảo Kinh doanh nhượng quyền (franchise) do Cleverlearn, Royal Education, Hội Marketing Việt Nam, tạp chí Marketing Việt Nam, nhóm FT-Pathfinder Consulting tổ chức đã diễn ra tại TP.HCM. Hội thảo cho thấy mô hình nhượng quyền kinh doanh đang phát triển ngày càng mạnh mẽ đã tạo nên xu hướng kinh doanh mới ở Việt Nam, đặc biệt là tại TP.HCM. Tại hội thảo này, nhiều chủ thương hiệu cũng như các doanh nhân quan tâm đến hình thức kinh doanh này đã đến tìm hiểu thêm thông tin và tìm kiếm cơ hội franchise.

Thương hiệu càng mạnh, franchise càng sướng

Theo ông Trần Anh Tuấn, đối tác điều hành nhóm FT-Pathfinder Consulting, để franchise hoạt động hiệu quả, một doanh nghiệp cần phải xây dựng thương hiệu thật vững trước khi tiến hành nhượng quyền. Vì như vậy việc kinh doanh mới có thể phát triển lâu dài, đảm bảo uy tín cho cả bên nhượng quyền lẫn bên nhận quyền. Ông Tuấn cũng lấy nhãn hiệu G7 của Trung Nguyên như một điển hình về việc vội vã trong nhượng quyền.

Theo ông Tuấn, G7 là một thương hiệu mới toanh trên thị trường của Trung Nguyên. Thế nhưng, tiếc là hãng này đã không đầu tư phát triển thương hiệu đó mà lại dựa vào danh tiếng của Trung Nguyên gốc. Thời gian quá ngắn để có thể tạo niềm tin đối với khách hàng. Như vậy, G7 sẽ là một thách thức lớn đối với sự phát triển của Trung Nguyên.

Bàn về việc lựa chọn thương hiệu nhượng quyền, ông Lý Quý Trung, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Nam An - Phở 24, cho biết để thành công trong nhận quyền kinh doanh thương hiệu, người nhận quyền cần phải tìm hiểu sâu về thương hiệu trước, nhất là cách thức tổ chức, điều hành kinh doanh của chủ thương hiệu. Đồng thời, cũng cần xem xét chủ thương hiệu có linh động hay không. Thông thường chủ thương hiệu khá cứng nhắc trong việc thương lượng nhượng quyền. Họ thường muốn giữ nguyên xi, không chút thay đổi mô hình kinh doanh của mình, bất chấp cách làm đó có phù hợp với hoàn cảnh kinh doanh của người nhận quyền hay không.

Ông Trung cho biết khi ông thương lượng mua lại nhãn hiệu cà phê Gloria Jean Coffee (Úc), chủ thương hiệu đã buộc ông phải chấp hành thật nghiêm túc những điều kiện mà họ đặt ra như cấm hút thuốc, cấm trồng cây xanh trong quán, không cho phục vụ tại bàn... Nếu không ưng thuận thì họ sẽ không chuyển nhượng. Sau thời gian điều đình không thành công, ông đã phải chấp nhận những yêu cầu đó.

Tuy nhiên, với trường hợp nhượng quyền thương hiệu Phở 24 cho một đối tác Hàn Quốc thì những điều kiện mà phía ông Trung đặt ra lại không khả thi cho người mua... Trong khi quy định của Phở 24 là phải bán sáng, trưa, chiều, tối nhưng người Hàn Quốc không có thói quen ăn phở buổi tối như người Việt Nam. Vì vậy, ngoài phở, bên nhận quyền yêu cầu được bán thêm những loại thức ăn khác vào buổi tối. Trước yêu cầu chính đáng này, ông Trung đã phải thỏa thuận lại để thay đổi cho phù hợp.

Đã có luật nhưng quy định chưa sâu

Ông Lý Quý Trung cũng cho rằng trước khi tiến hành đàm phán nhượng quyền kinh doanh, dù là người mua hay người bán cũng phải thông qua sự tư vấn của luật sư.

Hiện nay Việt Nam cũng đã có nhiều văn bản pháp lý quy định rõ về hoạt động nhượng quyền thương mại, cụ thể là Thông tư 09 hướng dẫn đăng ký hoạt động franchise, Nghị định 35 hướng dẫn thi hành luật thương mại cũng có nói về hình thức franchise. Điều này giúp các doanh nghiệp trong và ngoài nước thực hiện nhượng quyền kinh doanh ở Việt Nam khá dễ dàng.

Theo luật sư Lê Công Định, Trưởng văn phòng luật sư DC Lawyer, hiện tại hệ thống pháp lý về franchise của Việt Nam đã tương đối đầy đủ, thế nhưng nội dung quy định lại rất chung chung chứ không đi vào cụ thể. Thế nên mỗi khi xảy ra tranh chấp, vụ việc thường không được giải quyết một cách thỏa đáng.

Luật sư Định giải thích, khi đàm phán nhượng quyền kinh doanh thì thường các chủ thương hiệu vẫn luôn chiếm ưu thế và có vẻ là nắm đằng cán. Họ thường buộc người nhận quyền phải chịu rất nhiều chi phí như phí đào tạo, phí gia hạn hợp đồng, phí thiết bị... và ép được họ ký kết chấp nhận mọi điều kiện đưa ra. Tuy nhiên, thực tế cho thấy người nhượng quyền lại chịu nhiều rủi ro hơn người nhận quyền. Ví dụ, theo thỏa thuận, nếu người mua không thực hiện đúng cam kết thì chủ thương hiệu có quyền mua lại phần vốn của người nhận quyền để làm chủ chính thức cửa hàng đó. Thế nhưng đến khi người nhận quyền “trở chứng” bỏ hợp đồng, nếu chủ thương hiệu kiện ra tòa thì tòa án thường xử huề vì theo luật “người ta đã không chịu bán thì làm sao ép được”.

Theo đại diện Công ty TNHH Thành Hội, sắp tới công ty cũng sẽ hoàn thiện hệ thống các cửa hàng của mình để tiến hành franchise đối với thương hiệu Bún bò Huế. Hiện tại công ty đã có bảy cửa hàng nhưng đều do tự công ty xây dựng. Đến nay, công ty muốn mở rộng hệ thống kinh doanh nên muốn “làm quen” với franchise.

HOÀNG TÚ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm