Niềm hy vọng cho những cặp vợ chồng hiếm muộn

Bé gái chào đời ở tuần thai thứ 38, nặng 3,6 kg, được chính GS-TS Nguyễn Viết Tiến  (Thứ trưởng Bộ Y tế) mổ lấy thai. Người mang thai hộ là cô họ của bé, năm nay 46 tuổi, bắt đầu thụ thai từ tháng 3-2015.

Hạnh phúc ngọt ngào sau 18 năm chờ đợi

Mẹ của cháu bé cho biết anh chị đã cưới nhau 18 năm, chờ đợi được lên chức cha mẹ từ 16 năm nay nhưng không thể được, bởi chị bị dị tật tử cung nhỏ, không thể mang thai. Dù mọi vấn đề về sức khỏe sinh sản, sinh lý của vợ chồng chị hoàn toàn bình thường.

“Chúng tôi chờ đợi đứa con này từ rất lâu rồi. Đây là niềm vui lớn nhất trong đời, cảm xúc của tôi rất khó tả” - chị vợ bật khóc sau khi đón con từ tay của Thứ trưởng Tiến.

Cha cháu bé cho biết đã phải mất hơn một tháng để hoàn thành thủ tục và hồ sơ mang thai hộ. Anh cho biết rất may mắn vì không có nhiều khó khăn trong quá trình làm hồ sơ.

Cha mẹ cháu bé hạnh phúc khi bế trên tay đứa con của mình. Ảnh: kenh14 

GS-TS Nguyễn Viết Tiến, cho biết ông rất xúc động bởi chính sách mang thai hộ nhân đạo đã tạo ra cơ hội làm cha, làm mẹ của những cặp vợ chồng những tưởng không bao giờ có thể có con bởi các bệnh lý liên quan đến sinh sản.

“Nếu không có quy định sửa đổi này, chúng ta sẽ không bao giờ chứng kiến được thời khắc hạnh phúc của các cặp cha mẹ sau hơn chục năm đằng đẵng đã có thể bế trên tay đứa con máu mủ của mình” – ông Tiến nói

Tuy nhiên theo ông Tiến, để hoàn thành hồ sơ mang thai hộ cần rất nhiều loại giấy tờ. Một hồ sơ hoàn thành phải có đầy đủ 14 dấu pháp lý xác định. “Cái khó nhất của mang thai hộ chính là nhờ người mang thai hộ”.

Ông Tiến cũng khuyên chỉ những trường hợp không có tử cung, dị tật tử cung… không thể mang thai mới nên nghĩ đến phương pháp mang thai hộ.


  GS-TS Nguyễn Viết Tiến - Thứ trưởng Bộ Y tế (bên trái) thông tin về ca mổ. Ảnh: kenh14

Ca sinh đi vào lịch sử ngành y tế
Chiều 22-1, sau khi rời hội trường Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đến thăm và tặng quà ca mang thai hộ thành công đầu tiên cũng như chúc mừng tập thể bác sĩ BV Phụ sản Hà Nội, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản quốc gia.
Bà Tiến cho biết ngành y tế rất vui mừng vì đã thực hiện thành công ca mang thai hộ đầu tiên, đến nay đã có hàng trăm trường hợp làm hồ sơ nhờ mang thai hộ, hàng chục trường hợp đã có thai, điều đó chứng tỏ Nghị định về mang thai hộ đã đi vào cuộc sống.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đến thăm và tặng quà ca mang thai hộ  thành công đầu tiên. Ảnh: Huy Hà

Bà Tiến cho biết khi xây dựng Luật Hôn nhân và gia đình có nhiều ý kiến khác nhau về mang thai hộ. Tuy nhiên Bộ Y tế luôn giữ quan điểm cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Bởi nhiều cặp vợ chồng vì một lý do nào đó mà không thể có con, trong chức năng sinh sản vẫn bình thường, kỹ thuật y học có thể giúp đỡ họ có con.

“Ca mang thai hộ đầu tiên này đã đi vào lịch sử ngành y tế Việt Nam. Đây cũng là tin vui cho những gia đình hiếm muộn” – bà Tiến nói.

Được biết hiện nay số người Việt Nam ra nước ngoài nhờ mang thai hộ không ít, gây phiền toái và rất tốn kém. Việt Nam làm chủ được kỹ thuật này sẽ mang lại cơ hội làm cha mẹ cho rất nhiều cặp vợ chồng.

Được biết hiện Trung tâm Hỗ trợ sinh sản (BV Phụ sản trung ương) có khoảng 60 hồ sơ được duyệt, trong đó đã có hơn 50 trường hợp mang thai. Từ giờ đến tháng 3, sẽ có thêm nhiều em bé nữa như vậy chào đời trong niềm hạnh phúc vô bờ của các cặp vợ chồng hiếm muộn. 

Mở rộng các trường hợp được phép mang thai hộ

GS-TS Nguyễn Viết Tiến (Thứ trưởng Bộ Y tế) cũng hy vọng sau một thời gian thực hiện, nghị định có thể được điều chỉnh để thêm cơ hội được làm mẹ cho nhiều người. Ví dụ như với trường hợp sinh con một nhưng bị tai biến sản khoa, người mẹ bị cắt tử cung hoặc vì lý do gì đó không thể sinh thêm được con, đứa con lại chịu di chứng gì đó (không phải di truyền), người mẹ vẫn có thể được nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Vì chính khi lớn lên em bé này sẽ là chỗ dựa cho người anh (chị) không may bị dị tật khi cha mẹ già yếu. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới