Ngày 24-9, UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết đã có hai quyết định phê duyệt đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ninh Sơn và Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn liên hồ Sông Sắt – Sông Trâu giai đoạn 2021-2030.
Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, các đề án có mục tiêu bảo tồn, phát huy các giá trị cảnh quan thiên nhiên, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về đa dạng sinh học của rừng tại Ninh Thuận.
Qua đó, tuyên truyền người dân và du khách nâng cao bảo vệ tài nguyên rừng và môi trường, bảo tồn văn hóa cộng đồng địa phương. Đồng thời, phát triển du lịch nhằm tạo ra việc làm, thu nhập, nâng cao đời sống người dân địa phương. Cùng với đó nâng cao năng lực quản lý của đơn vị quản lý rừng. Tạo nguồn thu từ hoạt động kinh doanh du lịch và cho thuê môi trường rừng để từng bước tự chủ, giảm bớt kinh phí nhà nước đầu tư cho hoạt động quản lý, bảo vệ, phát triển rừng.
Với lợi thế về diện tích và sự đa dạng của rừng, các sản phẩm du lịch sẽ được phát triển như: sinh thái, nghĩ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, khám phá thiên nhiên....và được bố trí dưới tán rừng, trên cây, trên các lòng hồ. Bên cạnh đó, xây dựng các khu dịch vụ tổ chức hội nghị, hội thảo, tổ chức sự kiện.
Triển khai các sản phẩm du lịch mới lạ như: du thuyền trên các hồ lớn Sông Than, Sông Sắt, Sông Trâu, sản phẩm du lịch cộng đồng như theo các mô hình homestay.
Tại khu vực liên hồ Sông Sắt – Sông Trâu, địa phương sẽ hình thành 20 điểm du lịch sinh thái tại các tiểu khu rừng và sáu tuyến du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí dọc các suối, hồ, đồi…Khu vực Ninh Sơn sẽ có sáu điểm du lịch sinh thái và hai tuyến du lịch.
UBND tỉnh Ninh Thuận giao Công ty Lâm nghiệp Ninh Sơn và Ban quản lý liên hồ Sông Sắt – Sông Trâu xây dựng bộ tiêu chí kỹ thuật để lựa chọn tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng đảm bảo đúng quy định.
Bên cạnh đó, tỉnh yêu cầu các công trình xây dựng phục vụ du lịch bảo đảm không làm ảnh hưởng đến chức năng phòng hộ và cảnh quan tự nhiên của rừng, phù hợp với đề án đã được phê duyệt.
Đặc biệt, khi xây dựng công trình không được chặt phá phá rừng, phá vỡ cảnh quan môi trường và chỉ xây dựng ở những nơi đất trống, trảng cỏ. Công trình phải dựa vào thiên nhiên, hài hòa với cảnh quan môi trường và chịu sự giám sát của chủ rừng.
Đề án phát triển du lịch sinh thái của Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn liên hồ Sông Sắt – Sông Trâu có tổng vốn đầu tư hơn 1.800 tỉ đồng. Đề án phát triển du lịch sinh thái tại Công ty Lâm nghiệp Ninh Sơn tổng vốn đầu tư hơn 376 tỉ đồng.