Ninh Thuận lại gồng mình đón hạn

Đó cũng là nhận định đầy lo lắng của các ông Ka Tơ Niếu - Phó Chủ tịch xã Phước Thành, huyện Bác Ái; ông Ja Ghe Hoàng Thọ - Trưởng thôn Tà Dương, xã Phước Thái, huyện Ninh Phước.

Đàn bò của xã Phước Thành, huyện Bác Ái kiếm ăn dưới lòng hồ Sông Sắt khô cằn. Ảnh: HOÀNG TÂM

Cây trồng thiếu nước, dê cừu đói cỏ

Mới giữa tháng Giêng mà trời đã nắng như đổ lửa. Trên cánh đồng của thôn Vụ Bổn, xã Phước Ninh, những đàn cừu vẫn đang cố tìm vài ngọn cỏ còn sót lại từ những trận mưa năm ngoái. Còn ông Đàng Trung Nhân, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp Vụ Bổn, thì bảo rằng: “May mà năm ngoái có mấy trận mưa nên dân Vụ Bổn tui còn làm được vụ mùa, kiếm ít gạo ăn. Còn như năm nay nghe trên bảo hạn sẽ ghê gớm hơn năm ngoái, nếu thiệt thế thì dân đói, thiếu ăn là cầm chắc anh ơi!”.

Tổng diện tích gieo trồng của thôn Vụ Bổn là 434 ha, trong đó lúa hai vụ là 334 ha, còn lại là đất trồng hoa màu. Thế nhưng do mực nước của hồ thủy lợi Tân Giang quá thấp nên huyện chỉ đạo cho xã Phước Ninh ngừng gieo trồng lúa trên toàn xã. “Ở trên có chỉ đạo là chuyển sang trồng đậu xanh trên đất lúa để tiết kiệm nước. Thế nhưng có trồng gì đi nữa cũng phải có nước chứ trời không mưa thì lấy gì mà ăn” - ông Thiên Sanh Phương, Phó Chủ tịch xã Phước Ninh, nói. Đó mới chỉ là nỗi lo nước tưới, còn với đàn gia súc lên đến 7.308 con gồm bò, dê, cừu thì chuyện lo thức ăn, nước uống cho chúng cũng gian nan không kém.

Để chuẩn bị đối phó với “đại hạn”, chính quyền địa phương ngay từ đầu năm đã khuyến cáo người dân nên chủ động dự trữ thức ăn cho đàn gia súc. Toàn bộ rơm rạ sau khi thu hoạch vụ mùa đã được người dân gom lại, chất thành cây để dành cho mùa nắng hạn. Người dân còn chủ động di dời đàn gia súc của mình đến những vùng đồi núi ven sông suối mà theo họ thì vẫn còn cỏ cho chúng ăn.

Hai thanh niên thôn Vụ Bổn phải chạy xe máy gần chục cây số mới kiếm được hai bao cỏ về cho đàn cừu của mình. Ảnh: HOÀNG TÂM

Anh Danh Quốc Dũng ở thôn Vụ Bổn, chủ của đàn cừu hơn 20 con, cho biết hằng ngày anh phải chạy xe máy gần chục cây số lên tận những vùng đồi núi ven sông suối để cắt cỏ đem về cho mấy con dê, con cừu mới đẻ ăn. “Năm ngoái do thiếu thức ăn mà cừu của nhà mình chết gần chục con đó. Tiếc đứt cả ruột” - anh Dũng cho biết. Còn ông Trượng Thanh Quy, Trưởng thôn Vụ Bổn, nhắc lại: “Năm ngoái, nếu không có mấy đợt gạo hỗ trợ của Nhà nước thì dân tụi tui gay to”.

Trồng rẫy dưới lòng hồ cũng thiếu nước

Ngược lên xã Phước Thành, huyện miền núi Bác Ái, người dân nơi đây bên cạnh nỗi lo thiếu đói còn có nỗi lo đàn bò, đàn dê của mình chết đói như năm ngoái. Đối với người dân tộc Raglai thì con bò, con dê là cả một tài sản vô cùng lớn. Vì thế bên cạnh việc phải di dời đàn gia súc đến nơi có thức ăn, nhiều hộ đã phải mua rơm từ dưới huyện Ninh Sơn chở lên.

 Một xe máy cày rơm (chừng 2 khối) có giá từ 1,5 đến 2 triệu đồng nhưng với đàn bò 16 con của anh Dương Quang Minh ở thôn Ma Dú, xã Phước Thành thì: “Nếu ăn tiện tặn thì cũng chỉ trong ba ngày là hết. Vì thế nên ngày nào tui cũng chạy xe máy xuống tận xã Phước Chiến, huyện Thuận Bắc để cắt cỏ về cho mấy con bò có chửa ăn chứ rơm không chịu sao thấu”. Xã Phước Thành có năm thôn thì tất cả đều gặp khó khăn. Một địa phương mà hết 90% là người dân tộc thiểu số Raglai, quanh năm sống nhờ vào nương rẫy, núi rừng ăn nước trời. “Trời mà không có mưa thì chuyện thiếu đói không có gì đáng ngạc nhiên cả” - ông Ka Tơ Niếu, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thành, nói như thế.

Anh Danh Quốc Dũng hằng ngày phải đi xa gần chục cây số tìm cỏ để cắt về cho bầy cừu mới đẻ. Ảnh: HOÀNG TÂM

Và để tự cứu mình, người dân xã Phước Thành đã tìm đến lòng hồ Sông Sắt, tìm những khoảnh đất lòng hồ cạn nước nhưng vẫn còn độ ẩm để trồng bắp, trồng đậu lấy cái ăn cho người và có thức ăn cho gia súc. Dù biết việc xâm chiếm đất ở lòng hồ là vi phạm pháp luật nhưng họ không còn cách nào khác để có cái ăn, để chống chọi với hạn hán. “Mình phải chấp nhận vi phạm thôi, không xuống đây trồng bắp thì đói, cũng nhờ mấy đám bắp này mà năm ngoái đàn dê nhà mình không bị chết đó” - ông Pi Năng Xuân, một người dân thôn Suối Lỡ, xã Phước Thành, đã nói như thế.

Thế nhưng bây giờ, ngay những đám rẫy được gieo trồng dưới lòng hồ Sông Sắt cũng không trụ nổi dưới cái nắng gay gắt. Nhìn những người phụ nữ Raglai đang lom khom thu hoạch đậu ván trồng xen trong những đám bắp còi cọc dưới cái nắng chang chang mà không khỏi chạnh lòng.

Xuôi về xã Phước Thái, huyện Ninh Phước, ông Nguyễn Ngọc Trường - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Trong tám thôn của xã, nhiều thôn nhờ có những cánh đồng nằm dọc theo con kênh Nam nên cũng không đến nỗi nào. Duy chỉ có thôn Tà Dương với 100% là người dân tộc Raglai là thôn đặc biệt khó khăn của huyện Ninh Phước. Thôn chỉ có 138 hộ nhưng đã có đến 67 hộ nghèo. Để có lương thực, ngoài một số ít ruộng lúa nước, người dân thôn phải lên vùng núi Bà Bèo phát nương làm rẫy, thế nhưng trời lại không mưa nên thiếu ăn vẫn hoàn thiếu ăn. “Người dân thôn tui gặp lúc nắng hạn thế này đều đi làm xa hết rồi” - anh Ja Ghe Hoàng Thọ, Trưởng thôn Tà Dương, cho biết.

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương thì hạn hán năm 2016 sẽ khốc liệt hơn năm 2015 rất nhiều, mà Ninh Thuận là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Theo số liệu của ngành nông nghiệp, ngay trong vụ đông xuân 2016 Ninh Thuận phải dừng gieo trồng trên tổng diện tích 5.775 ha vì lượng nước của 20 hồ chứa của địa phương chỉ còn khoảng 35% trên tổng dung tích 192 triệu m3. Vì thế từ nay đến tháng 6 nếu trời không mưa thì thiếu lương thực là điều chắc chắn đối với các địa phương trên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm