Ninh Thuận sẽ thành lập khu kinh tế trọng điểm phía Nam rộng gần 40.000 ha

Ninh Thuận sẽ thành lập khu kinh tế trọng điểm phía Nam rộng gần 40.000 ha

(PLO)- Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với quan điểm phát triển nền kinh tế số, kinh tế xanh. 

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có quan điểm phát triển nhanh gắn liền với đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển nền kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon hướng tới đưa phát thảo ròng bằng 0.

Ưu tiên ngành công nghiệp xanh

Tỉnh Ninh Thuận đặt chỉ tiêu đến năm 2030 tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP bình quân đạt 10-11%/ năm, GRDP bình quân đầu người đạt 200 triệu đồng. Tỉnh cũng đặt mục tiêu phấn đấu kinh tế số chiếm 30% GRDP vào năm 2030.

ninh thuận.jpg
Quy hoạch Ninh Thuận giai đoạn 2021-2030 hướng tới phát triển xanh. Ảnh: H.H
cang-ca-2.jpg
Kinh tế biển sẽ đóng góp trên 55% tổng sản phẩm quốc nội của Ninh Thuận. Ảnh: H.H

Tỉnh Ninh Thuận sẽ tập trung phát triển năm ngành quan trọng gồm năng lượng, năng lượng tái tạo; du lịch chất lượng cao; công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và xây dựng, thị trường bất động sản.

dien gio 8.jpg
Ninh Thuận tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển năng lượng tái tạo. Ảnh: H.H

Trong đó, ngành năng lượng, năng lượng tái tạo phấn đấu đến năm 2030 chiếm khoảng 12% GRDP. Tập trung khai thác các tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên nắng, gió để phát triển điện mặt trời, điện gió, điện gió ven bờ và ngoài khơi, điện khí LNG, nguồn năng lượng mới…

Quy mô công suất điện gió đã được phê duyệt bổ sung quy hoạch giai đoạn giai đoạn 2021-2030 là 15.454 MW, trong đó điện gió trên bờ 3.454 MW, điện gió ngoài khơi là 12.000 MW.

Tỉnh ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với khu vực cảng biển, trung tâm logistic theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường và tăng trưởng xanh. Tỉnh phấn đấu đến năm 2030 tỉ trọng ngành công nghiệp chiếm 40% giá trị GRDP, trong đó tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 25-30%.

nui-chua.jpg
Các khu vực dọc theo dải biển sẽ là động lực phát triển du lịch chất lượng cao. Ảnh: H.H

Ninh Thuận cũng tập trung khai thác các khu vực dọc theo dải biển làm động lực phát triển du lịch chất lượng cao. Bên cạnh đó, ưu tiên các khu vực đặc thù như cồn cát, đồng muối làm du lịch theo hướng mới lạ, độc đáo, khác biệt. Đặc biệt tạo dựng các liên kết phát triển du lịch nội vùng và liên vùng như liên kết giữa Nha Trang – Đà Lạt – Ninh Thuận.

Thành lập khu kinh tế trọng điểm phía nam rộng 43.900 ha

Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 sẽ tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội theo bốn vùng lãnh thổ gồm: vùng trung tâm là TP Phan Rang – Tháp Chàm và phụ cận; vùng phía bắc là huyện Thuận Bắc, Ninh Hải; vùng phía tây là huyện Ninh Sơn, Bác Ái và vùng phía nam là huyện Ninh Phước, Thuận Nam.

1.jpg
Ninh Thuận sẽ thành lập khu kinh tế trọng điểm phía Nam rộng 43.900 ha. Ảnh: H.H
ninh thuận.jpg
Một dự án điện mặt trời tại huyện Thuận Nam. Ảnh: H.H

Bên cạnh đó, tỉnh tổ chức ba vùng động lực phát triển. Trong đó, vùng kinh tế trọng điểm phía nam dự kiến thành lập khu kinh tế ven biển phía nam với quy mô 43.900 ha nằm dọc huyện Ninh Hải và huyện Ninh Phước.

Khu kinh tế ven biển phía Nam là động lực tăng trưởng kinh tế mới của tỉnh với các dự án có quy mô lớn như: cảng và dịch vụ cảng, logictis, năng lượng, năng lượng tái tạo, các ngành công nghiệp nặng, các khu đô thị hiện đại và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Ngoài ra, Ninh Thuận tổ chức vùng đô thị động lực Phan Rang – Tháp Chàm bao gồm không gian thành phố và các huyện Thuận Bắc, Ninh Hải, Ninh Phước. Đây là vùng phát triển tổng hợp đa ngành với đô thị Phan Rang – Tháp Chàm là trung tâm và các đô thị vệ tinh.

ninh sơn.jpg
Huyện Ninh Sơn sẽ là vùng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: H.H
dua luoi.jpg
Dưa lưới trồng trong nhà màng tại Ninh Thuận. Ảnh: H.H

Vùng phát triển phía tây bao gồm không gian huyện Ninh Sơn, Bác Ái là vùng phát triển thương mại, dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng, du lịch.

Đọc thêm