Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng: “Báo cáo của Chính phủ đã dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, không né tránh, khi đề cập tới những vấn đề lớn của đất nước và của nền kinh tế”.
Nợ xấu chưa được sang tên đổi chủ bằng "tiền tươi thóc thật"
Theo ông Lộc, Thủ tướng đã khẳng định: Nợ công cao, áp lực trả nợ lớn, nợ chính phủ đã vượt trần; xử lý nợ xấu còn chưa thực chất và gặp nhiều khó khăn.
“Lần đầu tiên chúng ta được thông tin chính thức từ Chính phủ như vậy vì xưa nay chúng ta vẫn nghĩ: Có vẻ như việc xử lý nợ công, nợ xấu đang trong một lộ trình suôn sẻ” - ông Lộc nói.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc: "Chính phủ đã nói thật về nợ công, nợ xấu". Ảnh: QH
Chủ tịch VCCI cho rằng đây là tiền đề cho những quyết tâm và giải pháp có thể giải quyết một cách thực chất các vấn đề đặt ra cho nền kinh tế đất nước.
Về tình hình kinh tế chưa thoát ra khỏi được tình trạng trì trệ và phục hồi rất chậm, theo ông Lộc, là do chưa giải quyết được một cách thực chất những vấn đề lớn của nền kinh tế còn tồn đọng. Chính phủ chưa cắt giảm chi tiêu đáng kể, thâm hụt ngân sách cao vẫn tiếp diễn, thậm chí còn vượt quá mức 5% theo dự toán mà Quốc hội thông qua.
“Nợ công vẫn tiếp tục gia tăng và có khả năng vượt trần ngay trong năm nay. Nợ xấu mới chỉ được chuyển sang cho VAMC chứ chưa được mua-bán, sang tên đổi chủ bằng “tiền tươi thóc thật” - ông Lộc nhận định.
Không ít cán bộ, công chức đã quên mất chữ "đồng"
Nhận định về môi trường kinh doanh, ông Lộc nói: “Nhiều giải pháp đúng nhưng chúng ta triển khai chậm trễ và không đến nơi đến chốn, nên môi trường kinh doanh vẫn chưa được cải thiện nhiều như kỳ vọng. Những rào cản đối với hoạt động đầu tư kinh doanh còn nhiều, thanh tra kiểm tra còn chồng chéo. Trên con đường “đồng hành” cùng người dân và doanh nghiệp, không ít công chức đã bỏ quên mất chữ “đồng”" - ông Lộc nói.
Đặc biệt, ông Lộc cho rằng: Việc triển khai soạn thảo các nghị định thực hiện Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư đã ban hành từ năm 2014 nhưng suốt cả năm 2015 và quý I-2016, các bộ, ngành vẫn “đủng đỉnh” và không tránh khỏi thiếu sót.
Và mặc dù gần 50 nghị định hướng dẫn đã được thông qua đúng theo kế hoạch nhưng việc xóa bỏ các điều kiện kinh doanh và giấy phép con bất hợp lý đã chưa được giải quyết dứt điểm ở thời điểm 1-7. Kỷ luật thực thi không nghiêm đã vô hiệu hóa nhiều nỗ lực cải cách thể chế của Chính phủ.
Dù vậy, ông Lộc cho rằng niềm tin đã trở lại và nhấn mạnh: “Người dân và doanh nghiệp đã “ứng trước” niềm tin cho Chính phủ và Chính phủ không thể phụ niềm tin này”.