Ít nhất tám người chết và hơn 100 người bị thương khi Nhà máy nhiệt điện NTPC ở thị trấn Unchahar, bang Uttar Pradesh (Bắc Ấn Độ) phát nổ ngày 1-11, Hindustan Times dẫn nguồn tin quan chức địa phương.
Quan chức cảnh sát cấp cao địa phương Aditya Mishra cho biết một đường ống chuyên chở muội than sau cháy tại một đơn vị nồi hơi của Nhà máy NTPC đã phát nổ. Nồi hơi này có công suất 500 megawatt, mới được lắp đặt, đang hoạt động thử nghiệm. Vụ nổ đã xé toạc nồi hơi.
Theo ông Mishra, số người chết sẽ còn tăng vì hàng chục công nhân đang bị bỏng nặng và còn nhiều người bị kẹt bên trong.
Đây là một trong những thảm họa công nghiệp tồi tệ nhất Ấn Độ. Trước đây Ấn Độ cũng đã từng xảy ra một số thảm họa công nghiệp lớn, đó là thảm họa nổ khí gas ở TP Bhopal (bang Madhya Pradesh) năm 1984.
Đầu ngày 3-12-1984, khoảng 40 tấn khí methyl isocyanate bị rò rỉ từ một nhà máy phân bón của công ty đa quốc gia Union Carbide Corp (có trụ sở chính ở Mỹ). Lượng khí này nhanh chóng lan theo gió ra khắp một vùng rộng lớn, bao quanh các khu nhà ổ chuột xung quanh.
Nhà máy phân bón - nơi rò rỉ khí gas làm hàng ngàn người chết năm 1984. Ảnh: HINDUSTAN TIMES
Con số người chết chính thức theo công bố của chính phủ là 5.295 người. Tuy nhiên, con số không chính thức của các nhà hoạt động xã hội là 20.000-25.000 người, chưa kể số người bị ảnh hưởng.
Dưới đây là một số thảm họa kinh khủng ở Ấn Độ:
. Nổ bãi tàu ở Bombay (giờ là Mumbai) năm 1944. Hai vụ nổ làm tan hoang bãi tàu Victoria ở Bombay vào tháng 4-1944, khi một tàu chở vàng, đạn dược cùng một số loại hàng hóa khác bắt lửa. Các tàu khác đang đậu trong bãi cũng phát nổ theo vì bị ảnh hưởng. Số người chết chính thức theo thông báo của chính phủ Ấn Độ trong vụ này là 800 người.
. Thảm họa nổ hầm mỏ Chasnala ở bang Jharkhand năm 1975 là một trong những thảm họa hầm mỏ kinh khủng nhất Ấn Độ với 372 người chết.
. Sập ống khói ở TP Korba (bang Chhattisgarh) năm 2009, 45 người chết. Ống khói này có độ cao 240 m đang được xây dựng tại một nhà máy điện, ngã đè lên hơn 100 công nhân.