Từ 1-1-2025, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của chín luật về tài chính là Chứng khoán, Kế toán, Kiểm toán độc lập, Ngân sách Nhà nước, Quản lý, sử dụng tài sản công, Quản lý thuế, Thuế thu nhập cá nhân, Dự trữ quốc gia và Xử lý vi phạm hành chính (một luật sửa chín luật) sẽ có hiệu lực thi hành.
Lazada, Shopee, Tiktok... sắp phải nộp thuế thay người bán hàng
Luật Quản lý thuế đã sửa đổi bổ sung một số khoản của Điều 42 về nguyên tắc khai thuế, tính thuế.
Cụ thể, Quốc hội bổ sung quy định yêu cầu nhà cung cấp ở nước ngoài có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số (Facebook, Lazada, Tiktok...) và các dịch vụ khác phải có nghĩa vụ trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Đối với hộ, cá nhân có hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, nền tảng số thì tổ chức là nhà quản lý sàn giao dịch thương mại điện tử, nhà quản lý nền tảng số có chức năng thanh toán (bao gồm cả tổ chức trong nước và nước ngoài) và các tổ chức có hoạt động kinh tế số khác theo quy định của Chính phủ thực hiện khấu trừ, nộp thuế thay, kê khai số thuế đã khấu trừ cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.
Trường hợp hộ, cá nhân kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, nền tảng số không thuộc đối tượng được khấu trừ, nộp thuế thay thì có nghĩa vụ trực tiếp đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế.
Chính phủ được giao quy định chi tiết phạm vi trách nhiệm và cách thức các tổ chức quản lý sàn giao dịch thương mại điện tử, quản lý nền tảng số và các tổ chức có hoạt động kinh tế số khác thực hiện khấu trừ, nộp thuế thay, kê khai số thuế đã khấu trừ đối với các giao dịch kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, nền tảng số của các hộ, cá nhân.
Đồng thời quy định chi tiết về hồ sơ, thủ tục khai thuế, nộp thuế và hoàn thuế của các hộ, cá nhân có hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, nền tảng số.
Theo Bộ Tài chính, việc sửa đổi bỏ cụm từ “không có cơ sở thường trú tại Việt Nam” của các nhà cung cấp nước ngoài có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử hoặc trên cơ sở nền tảng số, so với quy định hiện hành là phù hợp với xu hướng quốc tế, đảm bảo việc quản lý thuế công bằng giữa các quốc gia.
Việc này cũng tạo cơ sở, hành lang pháp lý để cơ quan thuế đôn đốc các nhà cung cấp ở nước ngoài “có cơ sở thường trú” đăng ký, khai, nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử dành cho Nhà cung cấp ở nước ngoài, chống thất thu thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số.
Đây là điểm mới bởi hiện nay các sàn online chỉ có nghĩa vụ cung cấp thông tin cho cơ quan thuế, còn người bán trên sàn thương mại điện tử như Lazada, Shopee, Tiktok Shop... phải tự kê khai, nộp thuế và chịu trách nhiệm.
Trường hợp nào bị tạm hoãn xuất cảnh
Luật này cũng sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 66 quy định về hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp xuất cảnh.
Theo đó, cá nhân kinh doanh, chủ hộ kinh doanh, cá nhân là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thuộc trường hợp bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, cá nhân là người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài trước khi xuất cảnh từ Việt Nam phải hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
Trường hợp chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế đối với số tiền thuế nợ và thời gian nợ theo ngưỡng do Chính phủ quy định thì bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh. Cơ quan quản lý thuế thông báo trước cho người nộp thuế về việc áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh. Đây là những điểm mới so với quy định hiện hành.
Luật hiện hành quy định người nộp thuế và người đại diện theo pháp luật của người nộp thuế thuộc trường hợp bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh không phụ thuộc vào số tiền thuế nợ và thời gian nợ. Đồng thời cũng không thông báo trước cho người nộp thuế về việc áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh.