Đó là phát biểu của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh tại Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam - VDPF 2015 với chủ đề “Hướng tới cạnh tranh, tăng trưởng toàn diện và bền vững” diễn ra hôm nay 5-12.
Theo Bộ Trưởng Bùi Quang Vinh, năm 2015 là năm Việt Nam chủ động đẩy mạnh hội nhập quốc tế với việc tham gia Cộng đồng ASEAN, ký các hiệp định thương mại tự do quan trọng. Đây sẽ là các yếu tố tác động nhiều mặt đến phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam trong thời gian tới với những cơ hội và thách thức đan xen. Bộ trưởng đề nghị các đối tác, đại biểu góp ý thảo luận những mục tiêu, giải pháp cho giai đoạn tới để bổ sung, cập nhật vào chiến lược, kế hoạch năm năm tới.
Bộ trưởng Vinh cũng chỉ ra những hạn chế của Việt Nam là chất lượng tăng trưởng thấp, tăng trưởng dựa vào vốn và lao động còn lớn. Năng xuất lao động có tăng nhưng còn thấp, đây là một trong những vấn đề lớn của nền kinh tế Việt Nam khi hội nhập cạnh tranh. Tái cơ cấu nền kinh tế với ba bước đột phá chiến lược cũng mới chỉ đạt được những kết quả bước đầu. Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn hạn chế, tỉ lệ nợ xấu trong hệ thông tín dụng mặc dù đã giảm nhưng vẫn ở mức rủi ro.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam năm 2015 và có bài phát biểu quan trọng tại diễn dàn. Ảnh: Đức Thanh
Giám đốc WB tại Việt Nam Victoria Kwakwa cho rằng Việt Nam đã đạt được thành công năm năm đầu tiên trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội năm năm 2011-2020. Tuy nhiên theo bà Kwakwa, Việt Nam cần năng suất lao động, vấn đề môi trường và tăng trưởng, giảm nghèo và phúc lợi xã hội, năng lực và trách nhiệm giải trình của Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ.
Cũng theo bà Kwakwa, Việt Nam cần tăng cường huy động hơn nữa nguồn thu nội địa, tiết kiệm chi tiêu sẽ là yếu tố quan trọng giúp hoàn thành các mục tiêu phát triển mà không chịu rủi ro mất bền vững nợ. Bà Kwakwa cũng đề nghị Việt Nam cần sử dụng nguồn vốn ODA hiệu quả hơn nhằm thu hút vốn đầu tư từ khu vực tư nhân.