Sáng 10-11, gần 450 đại biểu có mặt tại hội trường đã ấn nút tán thành thông qua Nghị quyết về kinh tế-xã hội năm 2016. Theo đó, trong năm 2016, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,7%, tỉ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu dưới 5%. Tốc độ tăng giá tiêu dùng dưới 5%.
Quốc hội thông qua nghị quyết về kinh tế -xã hội năm 2016.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng năm 2012: GDP tăng 5,25%; năm 2013: GDP tăng 5,42%; năm 2014: GDP tăng 5,98%; năm 2015 GDP dự kiến tăng trên 6,5% cho thấy xu hướng tốc độ tăng trưởng GDP tăng dần. Đồng thời, căn cứ vào dự báo tình hình quốc tế, trong nước và cân đối các nguồn lực thì việc đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2016 khoảng 6,7% là khả thi.
Một số ý kiến băn khoăn về chỉ tiêu tăng chỉ số giá tiêu dùng 2016 là dưới 5% trong khi chỉ số giá tiêu dùng năm 2015 dự báo chỉ tăng khoảng 2%. Ông Giàu cho rằng năm 2015 giá hàng hóa một số mặt hàng cơ bản trên thế giới như giá năng lượng, giá nông sản, giá lương thực; giá nguyên liệu thô và giá kim loại đều giảm sâu so với năm 2014 là một trong những nguyên nhân khiến chỉ số giá tiêu dùng chỉ ở mức thấp.
Tuy nhiên, theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, giá hàng hóa thế giới sẽ hồi phục nhẹ trong năm 2016 cùng với việc tiếp tục điều chỉnh giá một số dịch vụ công sẽ tác động chỉ số giá tiêu dùng của nước ta tăng cao hơn mức 2015, đồng thời cân đối với các chỉ tiêu khác thì mục tiêu tốc độ tăng giá tiêu dùng dưới 5% là phù hợp.
Về ý kiến cho rằng Quốc hội thành lập Ủy ban giám sát đặc biệt đối với việc tái cơ cấu ngân hàng, trong đó có việc xử lý các ngân hàng yếu kém và việc Ngân hàng Nhà nước mua lại các ngân hàng thua lỗ với giá 0 đồng, nghị quyết Quốc hội nêu rõ: Tăng cường công tác giám sát việc chuyển đổi sở hữu và quản lý các tổ chức tín dụng yếu kém; thường xuyên thanh tra, giám sát, xử lý kịp thời, nghiêm minh theo pháp luật đối với các sai phạm; bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng thương mại và giao nhiệm vụ cho các cơ quan của Quốc hội tăng cường giám sát việc thực hiện tái cơ cấu và xử lý các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém.
Nghị quyết Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ điều hành linh hoạt, hiệu quả chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác để đạt và vượt các chỉ tiêu Quốc hội thông qua. Điều hành lãi suất, tỉ giá, tăng trưởng tín dụng phù hợp, xử lý nợ xấu có hiệu quả. Kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn theo nghị quyết của Quốc hội, nâng cao hiệu quả sử dụng, tăng cường kiểm tra, giám sát việc vay, sử dụng vốn vay và trả nợ, nhất là các khoản vay mới, vay có bảo lãnh của Chính phủ, tiếp tục cơ cấu lại các khoản vay theo hướng tăng tỉ trọng vay trung, dài hạn với lãi suất phù hợp.
Tiếp tục cơ cấu lại thu, chi ngân sách nhà nước bảo đảm tỉ lệ hợp lý giữa chi đầu tư, chi thường xuyên và chi trả nợ; xử lý cơ bản nợ đọng xây dựng cơ bản, không để phát sinh thêm nợ mới, kiên quyết xử lý và thu hồi nợ đọng thuế, quản lý chặt chẽ việc ứng trước dự toán và chi chuyển nguồn, triệt để thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên,...