Theo đó, nhãn hàng hóa phải được nhận biết được dễ dàng, đầy đủ các nội dung quy định của nhãn mà không phải tháo rời các chi tiết, các phần của hàng hóa.
Trong trường hợp tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa yêu cầu tổ chức, cá nhân khác thực hiện việc ghi nhãn thì tổ chức, cá nhân đó vẫn phải chịu trách nhiệm về nhãn hàng hóa của mình.
Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà nhãn gốc không phù hợp với quy định của Nghị định này thì tổ chức, cá nhân nhập khẩu phải ghi nhãn phụ khi đưa ra lưu thông và phải giữ nguyên nhãn gốc.
Nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa:Tên hàng hóa; Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm; Xuất xứ và các nội dung khác theo tính chất hàng hóa.
Nghị định cũng nêu rõ, tên hàng hóa phải ở vị trí dễ thấy, dễ đọc trên nhãn hàng hóa. Chữ viết tên hàng hóa phải là chữ có kích thước lớn nhất so với các nội dung bắt buộc khác trên nhãn hàng hóa.
Tên hàng hóa không được làm hiểu sai lệch về bản chất, công dụng và thành phần của hàng hóa.
Trường hợp tên của thành phần được sử dụng làm tên hay một phần của tên hàng hóa thì thành phần đó bắt buộc phải ghi định lượng.
Hàng hóa có nhãn đúng quy định đã được sản xuất, nhập khẩu, lưu thông, sử dụng trước ngày 1-6 thì được tiếp tục lưu thông, sử dụng cho đến hết hạn sử dụng ghi trên nhãn hàng hóa đó.
Nhãn hàng hóa, bao bì thương phẩm gắn nhãn hàng hóa đúng quy định đã được sản xuất, in ấn trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực (ngày 1-6) được tiếp tục sử dụng, nhưng không quá 2 năm kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.