Ngày 28-2, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã công bố kết quả cuộc bình chọn những quy định tốt, kém. Thay vì bình chọn 10 quy định tốt, 10 quy định kém như kế hoạch ban đầu, hội đồng chuyên gia đã quyết định bỏ phiếu chọn 30 quy định tốt và 30 quy định kém (danh mục cụ thể xin mời bạn đọc theo dõi trên báo điện tử plo.vn).
Bảo đảm quyền tiếp cận công lý của doanh nghiệp
Tại buổi công bố này, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, cho hay: Ý tưởng xây dựng báo cáo này sinh ra từ những đánh giá về môi trường kinh doanh của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp (DN). Bởi lẽ môi trường kinh doanh hiện nay không chỉ phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng, lao động… mà còn phụ thuộc vào tính rủi ro của pháp luật.
Theo ông Tuấn, có nhiều quy định tốt trong đề cử lần này dựa trên tính cần thiết là khi nhà làm luật lựa chọn đúng những vấn đề bức thiết của xã hội để giải quyết.
“Ví dụ, quy định “tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng” trong BLDS 2015 và BLTTDS 2015 được rất nhiều người đánh giá cao” - ông Tuấn nói.
Báo cáo của VCCI đánh giá: Nhà làm luật đã nhìn thấy vấn đề xã hội khi người dân và DN muốn tìm đến tòa án để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình thì có thể bị từ chối chỉ vì lý do hệ thống văn bản pháp luật chưa hoàn thiện. Mục tiêu chính sách ở đây rất rõ ràng: Bảo đảm quyền tiếp cận công lý của người dân và DN kể cả khi điều này có thể gây ra khó khăn, tăng thêm trách nhiệm cho tòa án.
Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn đang trình bày báo cáo về cuộc bình chọn các quy định tốt và kém. Ảnh: C.LUẬN
“Quy định nâng thời hạn giao đất nông nghiệp từ 20 năm lên 50 năm tại Điều 126 và Điều 127 của Luật Đất đai 2013 cũng đã thể hiện việc nắm bắt nhu cầu của xã hội của nhà làm luật” - ông Tuấn nhận định.
Bởi lẽ thời hạn giao đất nông nghiệp quá ngắn sẽ khiến người dân gặp khó khăn trong việc đầu tư trên mảnh đất của mình, nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi thời hạn giao đất nông nghiệp sắp hết. Việc kéo dài thời hạn giao đất sẽ loại bỏ rào cản cho hoạt động đầu tư kinh doanh tiềm năng này, khuyến khích các hoạt động đầu tư bài bản và dài hạn vào nông nghiệp.
Việc bỏ tội kinh doanh trái phép trong BLHS 2015 cũng được xếp vào danh mục những quy định tốt. Bởi điều này sẽ giúp mở rộng quyền tự do kinh doanh của DN. Đồng thời góp phần giải quyết được tình trạng ban hành không được kiểm soát các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, đồng thời hạn chế việc tạo rào cản gia nhập thị trường, từ đó làm giảm cạnh tranh, giảm hiệu quả của hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Nhiều quy định vô lý, kìm hãm
Báo cáo của VCCI chỉ ra rằng: Cơ quan nhà nước đôi khi “cường điệu hóa” nguy cơ đối với xã hội để ban hành quy định cấm. Ví dụ, quy định cấm đặt tên DN trùng với tên danh nhân tại Điều 2 của Thông tư 10/2014 của Bộ VH-TT&DL được suy đoán là nhằm tránh những trường hợp DN có tên danh nhân thực hiện các hành vi như lừa đảo, trốn thuế. Tuy nhiên, trên thực tế, khi DN lựa chọn tên danh nhân thì cũng đều nhằm hướng đến các giá trị tinh thần tốt đẹp chứ không ai có dụng ý đưa ra các thông điệp phản cảm như vậy.
Danh sách các quy định kém cũng nêu ra nhiều vấn đề được công luận lên tiếng từ lâu. Chẳng hạn, yêu cầu trang bị phương tiện PCCC trên ô tô tại Thông tư 57/2015 của Bộ Công an. Quy định này gần như không đạt được mục tiêu chính sách, khiến người sử dụng phương tiện không biết đặt bình cứu hỏa ở đâu trong xe, điều này sẽ gây bất tiện, thậm chí là mất an toàn khi sử dụng phương tiện. Đặc biệt, chi phí tuân thủ của quy định này khá cao. Ước tính với 3,5 triệu ô tô, mỗi ô tô phải trang bị bình chữa cháy và bình có hạn sử dụng năm năm thì chi phí xã hội phải bỏ ra lớn hơn nhiều so với lợi ích thu lại được.
Luật DN 2014 dù được đánh giá là một luật tiến bộ nhưng cũng có những quy định được đánh giá là kém. Chẳng hạn, quy định “Giấy vàng - Giấy trắng” trong đăng ký DN, sự thiếu rõ ràng tạo ra gánh nặng về thủ tục hành chính và đi ngược lại tinh thần cải cách thể hiện trong Luật DN 2014.
“Cuộc bầu chọn nhiều sóng gió” Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, một trong những thành viên hội đồng chuyên gia của cuộc bình chọn, nhận định rằng: Đây là một cuộc bình chọn có nhiều sóng gió. “Có ý kiến còn cho rằng chỉ nên đưa các quy định tốt, không công khai bình chọn những quy định kém, chỉ thông báo nội bộ” - bà Lan kể. Tuy nhiên, bà Lan cho rằng chỉ đưa ra quy định kém để bình chọn. Bởi các quy định tốt là trách nhiệm đương nhiên của Chính phủ, các bộ và địa phương. Bà Lan cho rằng các cơ quan nhà nước phải cố gắng đừng để các quy định xấu tồn tại trong lĩnh vực của mình, đừng để tình trạng luật thì tốt nhưng thông tư thì kém, gây hiệu ứng xấu, giết chết hàng loạt DN như thời gian vừa qua. Đồng tình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung nói: Việc bình chọn các quy định kém hầu hết các nước đều làm và điều này tạo ra hiệu ứng tích cực. “Chỉ nên đánh giá, bình chọn các quy định kém nhất, xấu nhất định kỳ sáu tháng/lần” - TS Cung đề nghị. Trước đề nghị này, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nói: “Có thể đánh giá “online” luôn. Thấy các quy định bất hợp lý là cộng đồng phải nói. Tất nhiên, chúng ta cũng phải khen ngợi những cái hợp lý để vừa tôn vinh những sáng kiến mở đường và cảnh báo những quy định chưa tốt” - ông Lộc kiến nghị. Đồng thời, ông Lộc cũng cho rằng cần phải có thể chế bảo vệ những cán bộ dũng cảm khi soạn thảo những quy định tiến bộ, những cách làm xé rào như thời cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ai cho ra những quy định dung dưỡng cho lợi ích nhóm? Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng cần phải nâng cao trách nhiệm giải trình để tìm ra những chủ thể ban hành các quy định gây khó khăn cho người dân, DN và dung dưỡng cho tham nhũng, lợi ích nhóm. |