Có hai nội dung do VCCI tập hợp từ đề cử của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp do Bộ LĐ-TB&XH chủ trì soạn thảo về thời gian làm thêm và trang bị bảo hộ lao động là tồi.
Về việc này, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng về thời giờ làm thêm, xu hướng giảm giờ làm là xu hướng tiến bộ của loài người trên cơ sở sự phát triển của lực lượng sản xuất, đảm bảo tăng năng suất lao động, phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp nhưng duy trì được sức khỏe, khả năng tái tạo sức lao động cũng như có thời gian chăm sóc sức khỏe gia đình và các điều kiện xã hội của người lao động.
Tuy nhiên, trong điều kiện của Việt Nam hiện nay, xuất phát điểm thấp, năng suất lao động chưa cao và qua điều tra, khảo sát thực tiễn của Bộ LĐ-TB&XH, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, nhiều doanh nghiệp đề xuất mở rộng thời giờ làm thêm cho phù hợp.
VCCI xếp quy định pháp luật về thời gian làm thêm là tồi.
Vì vậy, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục nghiên cứu, phân tích trên cơ sở yêu cầu phát triển bền vững của doanh nghiệp cũng như đảm bảo sức khỏe, sự phát triển về thể chất, tinh thần của người lao động Việt Nam hiện nay và mai sau, để đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành quy định cho phù hợp.
Về quy định trang bị bảo hộ lao động, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng trong quá trình xây dựng văn bản hướng dẫn Bộ luật Lao động, Bộ đã đề xuất Chính phủ, Quốc hội cho phép quy định chi tiết các nội dung Bộ luật Lao động chưa quy định cụ thể hoặc còn nhiều cách hiểu khác nhau để tạo điều kiện thuận lợi trong tổ chức thực hiện. Vì vậy, Nghị định số 05/2015 đã cơ bản giải quyết các nội dung trên. Tuy nhiên, khi triển khai, một số doanh nghiệp gặp khó khăn do quy định chưa đảm bảo tính linh hoạt.
Vì vậy, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi trên cơ sở điều kiện cụ thể của từng doanh nghiệp nhưng đảm bảo nguyên tắc an toàn lao động đối với người lao động và thực tiễn của doanh nghiệp, có sự tham gia, thống nhất của đại diện người lao động tại doanh nghiệp.
Do đó, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất hai nội dung trên là hai nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau, không nên đề cử là quy định tồi.