Tinh gọn bộ máy: Tránh một việc giao nhiều cấp, xung đột trách nhiệm

(PLO)- Nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Phương Thảo cho rằng việc tinh gọn bộ máy cần gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với tinh thần cấp nào làm tốt thì giao cấp đó, tránh tình trạng một việc giao nhiều cấp, xung đột trách nhiệm.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 22-11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.

Các đại biểu tham dự đã có những góp ý trong việc tinh gọn bộ máy của TP.HCM hiện nay và đồng tình quá trình này cần gắn với nhiệm vụ chuyển đổi số.

tinh-gon-bo-may-tphcm (2).jpg
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM Nguyễn Phước Lộc chủ trì hội nghị. Ảnh: THUẬN

Tránh một việc giao nhiều cấp, xung đột trách nhiệm

Góp ý, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Phương Thảo chia sẻ sau kỷ nguyên giành độc lập và kỷ nguyên đổi mới thì đất nước bước vào kỷ nguyên thứ 3 - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Với nội dung về cách thức triển khai nghị quyết, bà Phạm Phương Thảo nhấn mạnh không nên triển khai một chiều, tổ chức trực tiếp hoặc trực tuyến một ngày coi như xong bởi cách làm này nhanh nhưng không thấm sâu.

Tinh gọn bộ máy cần tránh một việc giao nhiều cấp, xung đột trách nhiệm-Tinh gọn bộ máy (6).jpg
Nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Phương Thảo Cần cho rằng làm rõ việc nào của TP, của quận, của phường, tránh tình trạng nặng nề một cấp. Ảnh: THUẬN VĂN

Bà cũng cho rằng thực hiện nghị quyết cần gắn với những việc tập trung, trọng tâm, trọng điểm tạo tác động lan tỏa. Khi triển khai sẽ thấy thực tế chuyển biến, nơi nào có kết quả thì nhân rộng, nơi nào khó khăn thì tháo gỡ.

Bà cũng nhắc lại nhà lãnh đạo kiệt xuất là cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt rất giỏi chỉ đạo thực tiễn thông qua mô hình tiên tiến, tháo gỡ khó khăn.

Về sắp xếp tổ chức tinh gọn bộ máy, bà Phạm Phương Thảo đồng tình việc cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với tinh thần cấp nào làm tốt thì giao cấp đó, tránh tình trạng một việc giao nhiều cấp, xung đột trách nhiệm.

"Cần làm rõ những việc nào của TP, của quận, của phường, tránh tình trạng nặng nề một cấp" - bà nói.

Lãnh đạo một số địa phương tham dự cũng đồng tình với việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền về cho cơ sở. Họ cũng cho rằng việc phân quyền phải triệt để, tránh tình trạng giao quyền cho quận rồi nhưng vẫn phải hỏi sở, ngành. Đồng thời, phải gắn liền với phân bổ nguồn lực tài chính, nhân lực để địa phương chủ động giải quyết việc phát sinh từ thực tiễn.

TP.HCM cần bước đi mạnh mẽ trong tinh gọn bộ máy

Tham dự hội nghị, PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng, Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia khu vực II, cho rằng đây là các vấn đề rất thời sự trong bối cảnh hiện nay. Việc sáp nhập bộ máy còn ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm của cán bộ.

“Đây là cuộc cách mạng về mặt tổ chức sắp tới” - PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng đánh giá.

Ở thời điểm chuẩn bị cho đại hội đảng các cấp, PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng cho rằng việc soi rọi, đánh giá lại những kết quả mà TP đạt được trong xây dựng hệ thống chính trị tinh, gọn, hiệu quả, hiệu lực và phương thức cầm quyền của Đảng tại TP cũng như công tác cán bộ là rất cần thiết.

Tinh gọn bộ máy cần tránh một việc giao nhiều cấp, xung đột trách nhiệm-Tinh gọn bộ máy (3).jpg
PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng chỉ ra một số mâu thuẫn lớn mà TP.HCM và cả nước đang đối mặt và cho rằng chuyển đổi số là bước đi quan trọng với TP.HCM. Ảnh: THUẬN

Nhấn mạnh vai trò của việc nhận thức bản chất các hiện tượng, mối quan hệ, mâu thuẫn trong quá trình phát triển, PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng nhìn nhận đây là cơ sở để giải quyết những thách thức trong lãnh đạo, quản lý hiện nay.

Ông Dũng cũng đã chỉ ra một số mâu thuẫn lớn mà TP.HCM và cả nước đang đối mặt trong quá trình lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Đó là về năng lực của bộ máy chưa theo kịp các yêu cầu mới, đặc biệt trong bối cảnh quốc tế phức tạp và xu hướng chuyển đổi số.

Trong chủ trương của Đảng và thể chế hóa của Nhà nước, sự chậm trễ và thiếu đồng bộ trong việc cụ thể hóa các nghị quyết, đặc biệt ở cấp địa phương, làm giảm hiệu quả thực thi.

Bên cạnh đó còn có các vấn đề trong trách nhiệm và quyền hạn của người đứng đầu. Trong khi trách nhiệm của lãnh đạo ngày càng cao, quyền hạn thực tế lại bị hạn chế, gây khó khăn trong việc giải quyết các vấn đề cấp bách.

Việc đổi mới cần sự đột phá nhưng lại bị ràng buộc bởi các cơ chế bảo thủ, thiếu linh hoạt. Một số cán bộ, đảng viên chưa thể hiện được khát vọng, lý tưởng cách mạng đủ mạnh mẽ để làm gương cho thế hệ trẻ.

Nêu giải pháp, PGS-TS Nguyễn Quốc Dũng nói cần có những bước đi mạnh mẽ trong tinh gọn bộ máy theo hướng đẩy mạnh chuyển đổi số.

TP.HCM phải đi đầu trong ứng dụng công nghệ vào quản lý, giải quyết các vấn đề phức tạp về dân cư, hành chính. Thí điểm những cách làm mới, chưa có tiền lệ nhằm thúc đẩy sáng tạo, giải quyết vấn đề cụ thể và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm.

Sắp tới, bộ máy Nhà nước, bộ máy trong Đảng được tinh gọn thì phải chuyển đổi mới quản lý nổi một địa phương dân số đông, mật độ cao, công việc nhiều như TP.HCM. "Chuyển đổi số phải làm tới nơi tới chốn" - PGS-TS Nguyễn Quốc Dũng nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm