|
Phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2015 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Cùng dự và chủ trì phiên họp báo có Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son, đại diện lãnh đạo các Bộ: Tài chính, Công Thương, Giao thông vận tải, Nội vụ, LĐTB&XH và Ngân hàng Nhà nước.
Thưa Bộ trưởng, đã khoảng 1 tháng từ khi Hà Nội có báo cáo vụ nhà 8B Lê Trực, sau đấy có báo cáo của Bộ Xây dựng. Vậy Thủ tướng đã có kết luận về vụ việc này chưa?
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên: Vụ việc tòa nhà số 8B Lê Trực đã xảy ra hơn 1 tháng. UBND TP. Hà Nội và các cơ quan chức năng đã tập trung chỉ đạo xử lý. Ngày 26/10 vừa qua, Thường trực Chính phủ dưới sự chủ trì Thủ tướng Chính phủ cũng đã mời Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, Bộ Xây dựng và các bộ,ngành có liên quan báo cáo, bàn và đi đến thống nhất và đã có kết luận. Toàn văn Kết luận này chúng tôi sẽ đăng đầy đủ trên Cổng TTĐT Chính phủ để các bạn tiện theo dõi. Hôm nay, tôi chỉ thông báo tinh thần kết luận của Thủ tướng về những vấn đề chính. Sau khi nghe báo cáo, Thủ tướng kết luận như sau:
Nói gì thì nói, để một tòa nhà to, xây dựng ở một vị trí trung tâm Thành phố như thế mà chúng ta mới phát hiện vi phạm để xử lý thì thấy rằng hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước ở đây là yếu kém, cần phải sớm có biện pháp khắc phục.
Thứ hai, Thủ tướng kết luận sau khi xem xét thủ tục cấp giấy phép và ý kiến của cơ quan chức năng đối với toà nhà này, thấy rằng UBND TP. Hà Nội và Bộ Xây dựng đã có nghiên cứu kỹ, chặt chẽ, đúng chức năng, đúng thẩm quyền, đúng quy định pháp luật trong việc cấp phép.
Thứ ba, chủ đầu tư đã cố tình vi phạm pháp luật, tính chất vi phạm nghiêm trọng, cần phải xử lý nghiêm minh.
Thứ tư là đình chỉ ngay các hoạt động xây dựng. Chủ đầu tư phải có phương án khắc phục sai phạm. UBND TP. Hà Nội duyệt phương án này một cách chặt chẽ và theo dõi việc khắc phục, trong đó phải theo đúng giấy phép khắc phục nhưng chú ý đến an toàn, kiến trúc, an ninh và một số vấn đề có liên quan khác.
Thứ năm, UBND TP. Hà Nội tiếp tục chỉ đạo thanh tra trách nhiệm đối với những tổ chức, cá nhân có liên quan nếu có phát hiện vi phạm thì cũng xử lý nghiêm minh.
|
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên chủ trì họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2015 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Phóng viên báo Tuổi trẻ: Người dân rất quan tâm đến vấn đề nợ công của Việt Nam. Xin hỏi con số tuyệt đối về nợ công của Việt Nam đến 2015 hiện nay là bao nhiêu? Thứ hai, liên quan đến thu chi ngân sách, Bộ Tài chính cho biết thu khá, nhưng chi đang gặp khó khăn. Vậy để bù đắp bội chi ngân sách, những khoản chi dự toán đã duyệt, được biết, từ đầu năm đến giờ chúng ta đã vay một số khoản, vậy cụ thể vay các nguồn là bao nhiêu, kế hoạch sắp tới thì sẽ vay từ nguồn cụ thể nào, đơn vị nào để bù đắp bội chi?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Hôm nay, cuộc họp cũng nghe Bộ Tài chính báo cáo và thảo luận rất sôi nổi về ngân sách Nhà nước năm 2016 và nhiều vấn đề liên quan đến tài chính, đến cân đối ngân sách. Thực tế thì ngân sách Nhà nước đang có khó khăn, như các bạn biết, Quốc hội cũng đã đặt ra, Thủ tướng cũng đã báo cáo với Quốc hội về việc này. Tuy nhiên, đến giờ này còn nhiều vấn đề mà nhân dân, công luận cũng như dư luận quan tâm và muốn biết sự thật khó khăn như thế nào.
PV Minh Đức (báo Người tiêu dùng): Trong thời gian gần đây, khi Bộ Công Thương có trình lên Ban Thi đua Khen thưởng về việc xét tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho Tập đoàn Điện lực (EVN). Sau khi Ban Thi đua Khen thưởng xin ý kiến của nhân dân cũng như các bộ, ngành liên quan khác để đưa ra quyết định, Ban Thi đua Khen thưởng đã rút EVN ra khỏi danh sách xét tặng. Tuy nhiên, chúng tôi được biết, Bộ Công Thương tiếp tục trình phương án EVN được xét tặng Huân chương Hồ Chí Minh. Đề nghị Bộ Công Thương xác nhận thông tin đó và cơ sở nào khiến Bộ Công Thương tiếp tục trình phương án cho EVN được xét tặng trong khi nhân dân đã có ý kiến phản hồi là trong giai đoạn này, đặc biệt trong năm nay, không nên xét tặng cho EVN bởi EVN có sai phạm mà nhân dân không đồng ý?
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải: Trước hết, nói về việc nào đó, khi xem xét chúng ta phải dựa trên tổng thể. Liên quan đến Tập đoàn Điện lực Việt Nam đề xuất được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, chúng ta cũng phải nhìn nhận toàn diện. Ngay cả thông tin phóng viên nói rằng “nhân dân”, chúng ta cũng phải làm rõ, phải có con số chính xác và chi tiết, chứ nói chung chung là “nhân dân” thì chúng tôi khẳng định cũng không phải hoàn toàn ý kiến của nhân dân.
Thế nhưng, chúng ta nhìn nhận trên góc độ những đóng góp của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Trước kia, đất nước ta còn rất thiếu điện, thậm chí luôn luôn bị mất điện, một ngày có thể rất nhiều lần mất điện, sản xuất rất khó khăn. Đến nay, chúng ta có thể nói là đạt được đến hơn 90% toàn bộ lãnh thổ Việt Nam đã có điện để sử dụng, chúng ta đã đạt được ước mơ, mong muốn của Hồ Chủ tịch là đưa điện ra đảo Cô Tô, đưa điện ra tất cả các đảo còn khó khăn, những vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo… Đó là đóng góp của ngành điện lực. Có thể các bạn chưa biết, nhưng có rất nhiều công nhân của ngành điện đã hy sinh anh dũng trong thời chiến tranh cũng như trong thời bình. Có rất nhiều công nhân bị thương, bị mất cả cuộc sống của mình cho đường lưới điện của đất nước, phục vụ sản xuất kinh doanh cũng như quyền lợi của người dân và người tiêu dùng.
Còn việc theo đề xuất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng như ý kiến của Hội đồng Thi đua Khen thưởng, theo như chúng tôi biết, trước mắt theo một lãnh đạo của Hội đồng có nói là tạm thời những doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân nào trước mắt có đơn khiếu nại thì chưa xét. Còn việc sau này quyết định như thế nào thì Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, Ban Thi đua Khen thưởng Trung ương và các cấp, các ngành sẽ đánh giá chuẩn xác xem Tập đoàn Điện lực Việt Nam có được khen thưởng hay không và mức độ như thế nào.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải muốn đề cập đến việc khi phán xét vấn đề gì chúng ta phải hết sức khách quan, công bằng và xác đáng, nhìn nhận vấn đề, dù là khen thưởng hay kỷ luật đều cần chúng ta quan tâm chú ý. Xin mời Thứ trưởng Bộ Tài chính trả lời câu hỏi thứ hai.
PV báo Nông nghiệp Việt Nam: Tôi có câu hỏi liên quan đến việc của huyện Can Lộc (Hà Tĩnh). Tôi có bằng chứng để khẳng định rằng sau 2 lần Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chỉ đạo thì tại huyện Can Lộc (Hà Tĩnh), các xã vẫn tiến hành thu các khoản trái với quy định của pháp luật. Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng là trả lại tiền cho nhân dân, tổ chức kiểm điểm, kỷ luật các tổ chức cá nhân theo quy định của Nhà nước. Tuy nhiên đến nay không có chuyển biến và vẫn tiếp tục thu. Tôi cho rằng trả lại tiền và kỷ luật thì rất khó khả thi nhưng việc để các xã của huyện Can Lộc tiếp tục thu thì tôi không hiểu cách quản lý hiện nay như thế nào. Đề nghị Bộ trưởng trực tiếp báo cáo Chính phủ và Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh về vụ việc này để chấm dứt, không nên tạo ra gánh nặng cho Can Lộc với những khoản thu bất hợp lý. Nhân đây tôi xin hỏi quan điểm của Người phát ngôn Chính phủ thế nào khi cấp dưới không chấp hành chỉ đạo của cấp trên?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Xin cảm ơn câu hỏi của bạn. Đây là vấn đề rất cụ thể. Lần trước chúng tôi đã tham mưu cho Phó Thủ tướng chỉ đạo và đến nay chưa có thông tin đầy đủ về việc chấp hành, thực hiện chỉ đạo đến đâu. Chúng tôi xin được nợ câu trả lời để chúng tôi sau khi nắm thông tin xác đáng sẽ trả lời sau. Tuy nhiên, mọi sai phạm đều cần được phát hiện, làm rõ và xử lý nghiêm tùy theo tính chất, mức độ lúc đó sẽ xem xét. Khi xem xét cấp thẩm quyền xử lý họ hiện đã có quy định theo công tác chỉ đạo điều hành của Đảng và Nhà nước.