Nhiều năm nay, quốc lộ (QL) 1 vẫn được xem là con đường độc đạo nối TP.HCM đến các tỉnh miền Tây. Cũng chính vị trí độc đạo này đã gây cho người dân nỗi ám ảnh mang tên “kẹt xe” mỗi dịp cuối tuần, lễ, tết.
Ngao ngán vì kẹt xe
Nhớ lại những chuyến về quê vào dịp lễ, tết, chị Nguyễn Thị Chính (quê quận Ô Môn, TP Cần Thơ) ngán ngẩm: “Rút kinh nghiệm từ những chuyến xe đò kẹt hàng vài tiếng, nhiều lần vợ chồng tôi quyết định đi xe máy cho dễ di chuyển hơn nhưng nào ngờ xe máy cũng kẹt cứng, không nhúc nhích được, có khi phải hít bụi 6 tiếng mới về tới nhà. Có đường nào khác để đi không chứ nghĩ tới tết nào cũng kẹt xe mà rợn cả người”.
Hầu như lễ, tết nào cũng vậy, giao thông từ TP.HCM đi miền Tây luôn trong trạng thái tê liệt. Đồng thời giao thông từ các tỉnh miền Tây đổ về TP.HCM, nhất là đoạn từ Vĩnh Long đến Tiền Giang (khu vực cầu Mỹ Thuận), Long An luôn bị tắc nghẽn. Từng đoàn xe chen chúc, nối đuôi nhau dày đặc, phương tiện chỉ nhích từng chút một, có lúc cao điểm kẹt cứng, người dân đành chịu trận đứng chờ.
Chị Nguyễn Thị Kiều Chinh, sống ở Cần Thơ, cho biết quê chị ở Long An nhưng mỗi lần về quê phải mất đến 4 tiếng vì kẹt xe khiến cả gia đình vô cùng ám ảnh. Theo chị, mang tiếng QL 1 nhưng hạ tầng giao thông chưa tương xứng với QL, nếu so sánh với giao thông khoảng chục năm trước thì có cải thiện nhưng chỉ khoảng 30%-40% thôi.
“Đoạn qua Cai Lậy (Tiền Giang) như một nút thắt cổ chai, mỗi lần đi đến đó là kẹt, bình thường kẹt ít nhưng có tai nạn hay mỗi dịp lễ, tết là tê liệt luôn. Đi tránh qua các tuyến đường khác cũng bị kẹt, ngồi chờ hàng tiếng đồng hồ đến mức con tôi không dám về quê thăm ngoại nữa mặc dù rất nhớ” - chị Chinh than.
Còn hướng Vĩnh Long đi Bến Tre để lên TP.HCM cũng luôn tắc nghẽn ở phà Đình Khao và cầu Rạch Miễu. Hễ cứ lễ, tết là dòng người và phương tiện ùn ùn trở lại TP.HCM khiến giao thông trên tuyến QL60 và cầu Rạch Miễu bị ùn ứ nghiêm trọng.
“Nhà tôi ở Vũng Liêm (Vĩnh Long), đi đường phà đình khao qua TP Bến Tre để lên TP.HCM làm thì gần hơn mấy chục cây. Nhưng phà Đình Khao kẹt, xong đến cầu Rạch Miễu thì bị chôn chân luôn, thành ra đi lâu hơn” - anh Trần Nam Thanh chia sẻ.
Kẹt xe ở quốc lộ 1 khu vực miền Tây mỗi dịp lễ, tết. Ảnh: HẢI DƯƠNG
Quốc lộ 1 hiện vẫn là con đường độc đạo kết nối TP.HCM và miền Tây. Ảnh: HẢI DƯƠNG
Không lối thoát, doanh nghiệp khóc ròng
Tránh tuyến độc đạo, các xe từ Rạch Giá, Châu Đốc, Long Xuyên qua cầu Vàm Cống về Sài Gòn cũng thường xuyên bị tắc ở tuyến N2.
Ông Châu Việt Long, Giám đốc Công ty TNHH Châu Việt Long, chủ đầu tư chợ đầu mối hải sản TP Long Xuyên, cho biết từ khi có cầu Vàm Cống thì không còn bị kẹt phà. Từ An Giang đi TP.HCM trước giờ cánh tài xế đi tuyến Vàm Cống qua đoạn N2 là thuận tiện nhất. Tuy nhiên, cầu Vàm Cống đưa vào sử dụng thì lượng phương tiện tăng đột biến khiến đoạn N2 xuống cấp, cộng thêm đường nhỏ nên cũng bị kẹt luôn.
“Do đó, hiện các anh em đi hướng cầu Vàm Cống qua QL30 nhập vào QL1 (ở cầu Mỹ Thuận) nhưng đoạn này trước giờ lại tiếp tục vướng kẹt ở đoạn Cai Lậy. Không cần lễ, tết, chỉ cần có vụ tai nạn là kẹt vài tiếng. Thiết nghĩ ngành chức năng nghiên cứu sớm làm tuyến N2 để chia lửa bớt cho QL1.
“Chợ chúng tôi có hàng trăm xe vận chuyển chủ yếu là cá đồng tươi sống cho các chợ đầu mối ở TP.HCM, kẹt nhiều giờ thì mức độ rủi ro cao, cá chết là không bán được nữa, ái ngại lắm. Còn nói về cao tốc Trung Lương - TP.HCM hiện tại cũng là một vấn đề bức xúc cần có phương pháp giải quyết. Không thu phí nữa nên tất cả xe đều đổ xô vào đây, chạy loạn xạ hết nên tai nạn liên miên, mà đa số là tai nạn liên hoàn rất nguy hiểm” - ông Long phản ánh.
Anh Đỗ Tấn Đạt (từng là trưởng Phòng kinh doanh Công ty TNHH Chuyển phát nhanh Kerry Express Chi nhánh Cần Thơ, quản lý 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long) kể: Công tác vận chuyển hàng hóa đường bộ khá khó khăn do hạ tầng giao thông của khu vực miền Tây còn hạn chế, thường xuyên kẹt xe dẫn đến chậm trễ thời gian giao hàng, gây thiệt hại cho doanh nghiệp. “Kẹt xe, trễ giờ, khách hàng điện thoại phàn nàn, thậm chí chửi bới um xùm. Ví dụ như từ Hà Nội vào Cần Thơ, cam kết với khách hàng 48 giờ giao hàng nhưng kẹt xe dẫn đến quá thời gian, rất mất uy tín của doanh nghiệp” - anh Đạt chia sẻ.
Tương tự, anh Trịnh Quốc Hậu (Giám đốc Công ty TNHH MTV TMDV Vận tải sửa chữa ô tô Phúc Hoàng Nhân) và nhiều chủ doanh nghiệp khác chỉ biết kêu trời vì vấn nạn kẹt xe. “Mỗi lần tới lễ, tết là tôi rầu thúi ruột vì kẹt xe. Từ Cần Thơ - TP.HCM và ngược lại bình thường mất khoảng 4 tiếng nhưng tới lễ, tết là bị kẹt xe nhiều khi chờ 4-5 tiếng vẫn chưa qua được cầu Mỹ Thuận” - anh Hậu nói
Theo anh Hậu, xe máy hay ô tô con có thể tránh qua các đường nhỏ nhưng xe container thì phải chịu trận, chỉ có con đường duy nhất là QL 1. Chưa kể khi vào TP.HCM tiếp tục bị kẹt đoạn Cát Lái, thế là trễ chuyến hàng. “Hàng xuất khẩu mỗi lần trễ bị phạt phải đợi tới 7 đến 15 ngày mới xuất được, phải tốn thêm chi phí bảo quản, lưu container cũng 30 triệu đồng” - anh Hậu cho hay.
Từ đó cho thấy giao thông miền Tây rơi vào thế bí, đi hướng nào cũng bị nghẽn không lối thoát. Nói về nguyên nhân dẫn đến kẹt xe trầm trọng như hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng đường hẹp, cầu nhỏ, không đáp ứng đủ lượng xe tăng cao, chưa có nhiều tuyến đường giảm tải cũng như chưa xóa bỏ được vị trí độc đạo của QL 1. Với tình hình này thì dịp nghỉ tết Canh Tý sắp tới tình trạng kẹt xe là không thể tránh khỏi. Do đó, người dân mong muốn đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến cao tốc mới, mở rộng và làm thêm cầu, đường.
Các dự án quan trọng, cấp bách đang và chuẩn bị triển khai Mới đây, thông tin từ Ban quản lý dự án 7, Bộ GTVT, giữa tháng 12-2019 sẽ khởi công gói thầu đường dẫn cầu Mỹ Thuận 2 phía tỉnh Tiền Giang có chiều dài gần 4,8 km. Đến quý II-2020 sẽ khởi công gói thầu xây dựng cầu chính (cầu dây văng) Mỹ Thuận 2 dài 1,9 km và dự kiến hoàn thành vào năm 2023. Theo Bộ GTVT, cầu Mỹ Thuận 2 là dự án trọng điểm, là một mắt xích quan trọng kết nối giữa cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ với mức đầu tư 5.100 tỉ đồng. Sau khi hoàn thành, cầu sẽ kết nối hai cao tốc trên để hoàn thiện toàn tuyến cao tốc từ TP.HCM đi Cần Thơ. Theo quy hoạch, cầu sẽ tạo mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, kết nối các đường trục chính đang được đầu tư xây dựng, góp phần giảm áp lực cho cầu Mỹ Thuận hiện hữu và QL 1. Còn dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có tổng chiều dài 51,1 km, là một trong những tuyến đường huyết mạch, giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong kết nối vùng ĐBSCL với TP.HCM và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Dự án có điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (nối tiếp đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương) và điểm cuối giao với QL 30 tại nút giao An Thái Trung (Tiền Giang). Trước đó, tại buổi kiểm tra trực tiếp tại công trường dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận hồi cuối tháng 9, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đơn vị phải thông tuyến vào cuối năm 2020 và khánh thành đưa vào sử dụng vào ngày 30-4-2021. Sau khi hoàn thành, cao tốc này sẽ góp phần giảm ùn tắc, tai nạn giao thông trên QL 1, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực ĐBSCL. Một trong những tuyến đường giúp giảm tải cho QL 1 hiện tại là tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp (đi xuyên tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau), rút ngắn quãng đường từ Cần Thơ đến Cà Mau khoảng 50 km. Tuy nhiên, sau 10 năm đưa vào khai thác sử dụng, chưa được nâng cấp cải tạo, hiện tuyến không còn đáp ứng được lượng vận tải lớn như hiện nay, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Do đó, vào tháng 3-2019, Bộ GTVT cũng đã phê duyệt đầu tư dự án cải tạo nâng cấp mặt đường tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp với tổng kinh phí đầu tư là 900 tỉ đồng. Dự kiến trong quý IV-2019, ban quản lý dự án sẽ tiến hành khởi công xây dựng và hoàn thành trong năm 2020… |
______________________
Kỳ tới: Về miền Tây: Điểm nghẽn đường bộ - thủy - không.