Hôm 10-12, Hội An vừa trở thành địa phương đầu tiên trên cả nước ký kết hợp tác với tổ chức Four Paws về việc không tiêu thụ thịt chó, mèo.
“Hội An sẽ làm được!”
Bà Julie Sanders, Giám đốc phụ trách vật nuôi của Four Paws (tổ chức phi lợi nhuận vì phúc lợi động vật), cho biết hằng năm tại Việt Nam có hơn 5 triệu con chó và 1 triệu con mèo bị buôn bán, giết lấy thịt, gây nguy hại đến quyền lợi động vật cũng như sức khỏe cộng đồng. “Việc ký kết lần này là một hoạt động quan trọng, mang tính khởi phát ở Việt Nam. Hội An tiên phong thực hiện để các địa phương khác trên cả nước nối tiếp”.
Tôi hỏi ông Nguyễn Sự: “Hội An nói không với thịt chó, anh nghĩ có làm được không?”. Ông Sự nói: “Được chớ, răng không?”.
Chân dung ông Nguyễn Sự
Dù sao vẫn là món “khoái khẩu” của nhiều người. Trên mạng, người ta vẫn cãi nhau chan chát, lên án, công kích nhau chuyện ăn hay không ăn thịt chó, mèo. Luật cũng không cấm buôn bán, giết mổ, kinh doanh thịt chó, mèo nhưng lợi nhuận là thật. Vậy nếu chỉ vận động khơi khơi thì ai bán và ăn, sẽ tiếp tục; ai lâu nay không ăn, sẽ vẫn không ăn. Làm sao Hội An có thể nói không với thịt chó, mèo?
Ông Sự nói ở đâu thì ông không biết nhưng Hội An thì ông tin sẽ làm được. Vì trong đó có lợi ích của mỗi người, có tình cảm của mọi người, không chỉ là câu chuyện mồi nhậu.
Cái thuận lợi đầu tiên, người Hội An hiền hòa. Ở xứ này xưa giờ người ta ít ăn thịt chó, mèo. Nhà nào cũng nuôi con chó, con mèo như bạn, như một thành viên trong gia đình. Nó quấn quýt, nó quây quần, khi nó ốm họ cũng lo như người thân ốm. Vì thế mỗi khi ăn thịt chó, mèo lại nghĩ đến con vật nuôi thân thiết của mình, họ không muốn ăn, bán cho người ta giết thịt càng không. Vùng quanh đây, khi bị bắt trộm chó, mèo là người ta phẫn nộ lắm, họ tổ chức phục bắt, can không kịp là lớn chuyện.
Hội An nuôi chó, mèo nhưng không có đội bắt chó, mèo chạy rông. Hơn 70% chó, mèo đúng tuổi là được người dân tự nguyện đưa đi tiêm phòng dại và ký sinh trùng. Người dân dẫn chó đi dạo hoặc dẫn nó đi vệ sinh buổi sáng sớm, không cho xả uế ra đường vì như thế sẽ bẩn đường phố, chó chạy rông nhiều thì có thể gây nguy hiểm cho du khách. Hội An ở phố cổ chỉ đi bộ và xe đạp, để mất đi một chút cảm giác an toàn do chó chạy rông, là mòn bớt hình ảnh hiền hòa, an toàn của phố cổ.
Người dân không có thói quen ăn thịt, giết mổ chó, mèo thì thị trường cũng giảm sức tiêu thụ. Thêm vào đó là sự vận động, nhắc nhau. Hội An sẽ nói không với thịt chó, mèo và Hội An sẽ làm được.
Tài sản mang theo. Ảnh: VŨ CÔNG ĐIỂN
Muốn vận động dân, hãy nghĩ đến quyền lợi của dân
Nhưng rộng ra, ông Sự hỏi: Không kinh doanh thịt chó, mèo có khó như cấm pháo không? Pháo có thị trường lớn, nhiều người sản xuất kinh doanh pháo, mà làm được, thì chó mèo cũng vậy!
Tôi nói nhưng cấm pháo là luật, là bắt buộc, còn không ăn thịt chó, mèo là vận động, không thể cưỡng chế.
Ông Sự nói cái chính không phải là cưỡng chế.
Trước đây Hội An có làng gạch ngói Thanh Hà, người dân sống bao đời bằng nghề làm gạch. Họ lấy đất ven sông làm sạt lở bờ sông, nung gạch gây khói bụi và ô nhiễm. Chính quyền đã vừa quyết liệt, vừa tỉ tê vận động, vừa tìm cách hỗ trợ. Giờ cả làng Thanh Hà đều đã chuyển nghề và họ sống ổn định, ngon lành.
Ông Nguyễn Sự nói cái gốc của cưỡng chế là đánh vào quyền lợi nên họ sợ. Vậy thì mình vận động cũng phải lấy quyền lợi của xã hội và quyền lợi của chính người kinh doanh thịt chó, mèo làm gốc. Giúp họ chuyển nghề, hỗ trợ họ kiếm thu nhập bằng nghề khác hay chuyển qua kinh doanh cái khác, sống ổn thì họ sẽ bỏ kinh doanh thịt chó, thịt mèo. Địa phương cũng phải thấy nếu một quán nhậu thịt chó, thịt mèo mọc lên thì ấn tượng về Hội An hiền hòa bị ảnh hưởng.
Ông Sự còn nói rất nhiều về cái tình của người Hội An với vật nuôi. Ở tuổi U-70, từng suốt đời phục vụ Hội An và xin nghỉ hưu sớm khi đang là bí thư Thành ủy TP này để tiếp tục “sống trọn với Hội An”, ông là người Hội An đặc sệt nhất.
Ông nói với người dân Hội An, quan niệm con vật cũng cần được đối xử tốt, mà giờ những người soạn luật hay gọi là “phúc lợi của động vật”, rất được người dân thấm nhuần trong nếp sống, nếp nghĩ xưa nay. Không có thịt chó, mèo thì cuộc sống đâu vì vậy mà bớt thú vị. Chưa kể không ăn thịt chó, mèo là giảm nguy cơ nhiễm bệnh do ký sinh, bệnh dại. Rồi lợi ích về hình ảnh TP quê hương, rồi vận động và giúp một số không nhiều người kinh doanh thịt chó, mèo chuyển nghề, tìm thu nhập khác, thì làm được. “Chớ răng không?”. Ông trả lời bằng một câu hỏi nhưng là để khẳng định.
Sự đổi thay nào, dù cảnh quan, quan niệm sống, lối nghĩ và cách làm, đều cần những người đi trước. Một đô thị du lịch như Hội An sẽ làm được câu chuyện nói không với thịt chó, thịt mèo. Mà Hội An làm được thì các vùng lân cận và nơi khác, tỉnh khác cũng sẽ làm được.
Người miền Trung đương đầu với thiên tai, Quảng Nam thì ngoài Hội An còn có “đặc sản” lũ lụt. Khi chạy lũ người ta sẽ mang theo cái gì quý nhất. Tôi nhớ bức ảnh nổi tiếng Tài sản mang theo của nhiếp ảnh gia Vũ Công Điền, Phân xã TTXVN, trong cơn lũ thế kỷ 1999. Bà mẹ ở Cẩm Kim - Hội An chạy lụt trên chiếc thuyền thúng và tài sản mang theo của bà là con chó bầu bạn.
Cù Lao Chàm nói không với túi nylon Chương trình giảm và tiến đến không sử dụng túi nylon được chính quyền xã Tân Hiệp, TP Hội An phát động từ năm 2009, khi đảo Cù Lao Chàm được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Qua nhiều năm, mô hình này vẫn được duy trì thực hiện rất hiệu quả; mang dấu ấn riêng và gây tiếng vang lớn với thương hiệu hòn đảo duy nhất của cả nước không sử dụng túi nylon. Sau khi chương trình đi vào nề nếp, xã đảo đã cấp cho tất cả hộ dân mỗi hộ một thùng rác có hướng dẫn phân loại cụ thể để xử lý rác hiệu quả, tiết kiệm, góp phần bảo vệ môi trường. |