Nỗi lo giá xăng dầu tăng cao

(PLO)- Việt Nam hoàn toàn có đủ biện pháp để hạ nhiệt giá xăng dầu trong trường hợp căng thẳng địa chính trị Trung Đông tăng cao gây sức ép lên giá năng lượng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cơn bão Milton tại Mỹ và căng thẳng Trung Đông đang tạo ra các bất ổn lúc này cho thị trường xăng dầu toàn cầu, cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam.

Giá xăng dầu nhích tăng

Giá dầu thô toàn cầu hôm nay 11-10 đã bắt đầu gần chạm mốc 80 USD/thùng. Theo giới phân tích, việc giá xăng dầu tăng trở lại đến từ rất nhiều nguyên nhân.

Đầu tiên, nhu cầu xăng dầu tại Mỹ tăng trở lại sau khi cơn bão Milton tràn qua Florida. Cơn bão này đã khiến khoảng 1/4 các trạm nhiên liệu đã bán hết xăng, và hơn 3,4 triệu hộ gia đình và doanh nghiệp mất điện. Việc bổ sung nguồn cung cho Florida lúc này sẽ hỗ trợ giá xăng dầu.

Ngoài ra, thị trường xăng dầu vẫn còn bất ổn khi căng thẳng khu vực Trung Đông có nhiều diễn biến mới. Đặc biệt, Israel đã tuyên bố sẽ trả đũa Iran vì đã phóng tên lửa vào nước này trước đó.

Tiến sĩ Phil Smith, Đại học RMIT Việt Nam cho biết, xung đột ở khu vực Trung Đông đang làm gián đoạn thêm chuỗi cung ứng. Điều gây ngạc nhiên nhất là sự tắc nghẽn tại biển Đỏ, một tuyến đường biển huyết mạch dẫn đến kênh đào Suez và là hành lang giao thương chính giữa châu Âu và châu Á.

Khủng hoảng biển Đỏ đã cắt giảm mạnh công suất của các tàu container, khiến chi phí vận tải tăng vọt và kéo dài thời gian giao hàng. Những cuộc tấn công của Houthi vào các tàu thuyền ở biển Đỏ đã khiến hầu hết các công ty vận chuyển nguyên liệu thô phải ngừng hoạt động.

Hậu quả là, các tàu buộc phải tránh kênh Suez và đi vòng qua Mũi Hảo Vọng, làm tăng thêm 10-14 ngày cho hành trình từ Rotterdam đến Singapore. Với nguy cơ tắc nghẽn tại eo biển Hormuz, nguồn cung dầu từ khu vực này cũng đang đối mặt với mối đe dọa lớn hơn, có thể dẫn đến việc hầu hết nguồn cung dầu trên thế giới đều bị ngăn lại tại đây. Điều này sẽ tạo áp lực lớn lên giá xăng dầu trong tương lai.

Hiện có một sức ép khác lên thị trường sẽ khiến giá xăng dầu có xu hướng tăng theo thời gian. Đó là việc Trung Quốc, nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới đã có gói kích thích kinh tế mạnh mẽ, việc này sẽ khiến mức độ tiêu thụ xăng dầu nước này tăng trở lại sau giai đoạn suy giảm vì bối cảnh kinh tế yếu.

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã cắt giảm lãi suất sẽ giúp giảm chi phí vay cho người tiêu dùng và doanh nghiệp. Điều này sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nhu cầu về dầu mỏ.

Việt Nam đủ sức đối phó với giá xăng dầu tăng cao?

Việc tăng giá dầu toàn cầu sẽ đặt ra một thách thức đối với Việt Nam vì là một quốc gia phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu dầu. Giá xăng dầu tăng dễ dẫn đến nguy cơ lạm phát và ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ.

Theo chuyên gia tài chính Trần Đình Phương, giá dầu cao không chỉ ảnh hưởng đến giá cả vận tải hàng hóa mà còn lan tỏa đến các mặt hàng khác, như giá lương thực, từ đó tăng áp lực lên lạm phát.

Đối với Việt Nam, một quốc gia phụ thuộc vào nhập khẩu dầu, tình hình càng trở nên khó khăn. Trong bối cảnh này, Ngân hàng Nhà nước sẽ vất vả hơn để kiểm soát lạm phát và duy trì tăng trưởng kinh tế.

Dù có mối lo tiềm ẩn nhưng các tác động từ việc giá xăng dầu tăng cao chưa quá đáng lo lúc này. Hiện, lạm phát đang được kiểm soát tốt sẽ là tấm đệm hấp thụ những rủi ro nếu giá xăng dầu tăng cao. Ngân hàng Nhà nước sẽ có nhiều dư địa hơn để điều chỉnh chính sách tiền tệ để đối phó với các cú sốc mới.

Tổng cục Thống kê vừa cho biết, lạm phát được kiểm soát phù hợp và hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế. Tháng 9, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) so với cùng kỳ năm trước tăng 2,63%, thấp hơn cùng kỳ các năm 2022 và 2023 (3,94% và 3,66%). Bình quân 9 tháng năm 2024, CPI tăng 3,88%, có khả năng đạt mục tiêu Quốc hội đề ra trong năm 2024 là 4%-4,5%.

Giai đoạn này, Việt Nam đang rất vất vả với áp lực tỉ giá, nhưng với chính sách tiền tệ và tài khóa linh hoạt, đã vượt qua được giai đoạn khó khăn này, khi không để tác động giá xăng dầu lên nền kinh tế.

Hiện Fed đã cắt giảm lãi suất, khiến áp lực tỉ giá của Việt Nam cũng đã giảm bớt, việc giá xăng dầu tăng cao cũng dễ dàng xử lý hơn.

Mặc dù, giá xăng RON 95 vừa được điều chỉnh lên 21.060 đồng/lít, đây cũng là mức giá cao nhất trong vòng 1 tháng qua. Tuy nhiên, nếu xét từ đầu năm đến nay, đặc biệt giá xăng chạm mức cao nhất là 25.230 đồng/lít vào ngày 17-4, nhìn chung giá xăng của Việt Nam đang trong xu hướng giảm. Điều này đang hỗ trợ rất nhiều khi giảm đi chi phí cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế.

Hiện Việt Nam đã rút ngắn thời gian điều chỉnh giá xăng dầu từ 10 ngày xuống còn 7 ngày cho phép nhanh chóng ứng phó với những biến động giá dầu toàn cầu. Người tiêu dùng và doanh nghiệp Việt sẽ không phải chịu mức giá cao trong một thời gian dài trước khi có bất kỳ sự can thiệp nào từ Chính phủ diễn ra.

Theo giới phân tích, cơ quan chức năng có nhiều bài toán chống lại các cơn sóng tăng giá xăng dầu. Đó là giảm thuế phí để giảm gánh nặng cho người tiêu dùng và doanh nghiệp hoặc cung cấp các gói hỗ trợ trực tiếp cho nhóm yếu thế trong nền kinh tế.

Những nỗ lực của Chính phủ hiện đang khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo cũng giúp Việt Nam giảm dần phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, qua đó nền kinh tế sẽ chống chịu tốt hơn trước các sức ép từ bên ngoài.

Ở góc độ doanh nghiệp, phải tối ưu chi phí hoạt động bằng cách áp dụng công nghệ mới, tìm kiếm nguyên liệu thay thế có giá thành rẻ hơn để giảm tiêu thụ năng lượng. Khi đó, giá xăng dầu tăng cao cũng không tạo áp lực lên chi phí giá thành sản phẩm và năng lực cạnh tranh trên thị trường. Ngoài ra, doanh nghiệp nên mua bảo hiểm để phòng ngừa những rủi ro bất ngờ do biến động giá xăng dầu gây ra.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm