Nỗi lo sông Tranh

Tháng 3-2006, Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN) khởi công xây dựng công trình thủy điện Sông Tranh 2 ở khu vực thượng nguồn hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn với công suất khoảng 190 MW. Những tưởng công trình hơn 4.000 tỉ đồng sẽ đem lại cho vùng đất này sự thay da đổi thịt nhưng người dân nơi đây vẫn luôn sống trong tâm trạng lo âu, thấp thỏm.

Hệ lụy từ thủy điện

Bắc Trà My nằm ở độ cao 300-600 m so với mực nước biển. Người Kinh, Kadong, Kor và Cơ Tu đã đến đây từ rất sớm. Năm 2006, Sông Tranh được chặn dòng để xây dựng nhà máy thủy điện. Hàng ngàn ngôi nhà, ruộng vườn của người dân bị di dời để nhường đất cho thủy điện.

Dự án thủy điện về những tưởng kéo theo bao hy vọng về sự thay đổi ở mảnh đất phía tây Tổ quốc, nhưng gần sáu năm qua, cuộc sống của người dân càng khó khăn vất vả hơn. “Đường sá, hệ thống thông tin liên lạc, y tế… được đầu tư khang trang, hiện đại nhưng thủy điện lấy hết đất sản xuất của dân thì chúng tôi biết làm gì để sống. Không thể cứ trông chờ vào tiền đền bù được” - ông Hồ Văn Khang (xã Trà Tân) cho biết.

Trong khi người dân đang loay hoay ổn định cuộc sống thì đến cuối năm 2011, ở khu vực lòng hồ thủy điện Sông Tranh liên tục xảy ra những vụ động đất từ 3,5-4 độ Richter làm nhiều nhà dân bị rạn nứt. Hàng trăm hộ dân người đồng bào dân tộc ở các khu tái định cư đã đồng loạt bỏ nhà vào rừng núi trú ẩn.

Nỗi lo sông Tranh ảnh 1

Thủy điện Sông Tranh 2 có dung tích gần 730 triệu m3 nước. Ảnh: LP

Các chuyên gia hàng đầu về động đất của Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Địa chất và Viện Vật lý Địa cầu đã được huy động về Bắc Trà My để khảo sát, kiểm tra, xác định nguyên nhân động đất. Theo đó, nguyên nhân các vụ rung chấn là động đất kích thích do đứt gãy, dịch trượt địa tầng tại khu vực lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2. Tuy nhiên, kết luận này cũng không thể trấn an tâm lý của người dân. Lo lắng cho tính mạng của hơn 40.000 hộ dân, chính quyền địa phương đã lên phương án di dời, chạy nạn nếu xảy ra động đất với cường độ mạnh hơn.

Mối đe dọa từ 730 triệu m3 nước

Trong khi các vụ rung chấn vẫn liên tiếp xảy ra thì đến đầu năm 2012 lại xuất hiện các vết nứt trên thân đập thủy điện Sông Tranh 2. Thông tin trên càng khiến người dân Bắc Trà My như “ngồi trên đống lửa”. Nhiều người dân ở các xã nằm dưới vùng đập thủy điện Sông Tranh 2 như xã Trà Tân, Trà Bui, thị trấn Trà My… cũng lo lắng không yên mặc dù ngay sau đó, ban quản lý công trình thủy điện Sông Tranh 2 đã có báo cáo rằng đó chỉ là những khe nhiệt rò rỉ nước và tiến hành các biện pháp để “hàn” vết nứt, khắc phục sự cố.

“Lần trước xảy ra rung chấn, nhà cửa như bị dội bom mà đoàn khảo sát lên chỉ làm sơ sơ rồi cũng không có kết luận cho bà con an tâm. Cách đây mấy hôm, một trận rung chấn mạnh tương đương 500 kg thuốc nổ TNT lại xảy ra khiến chúng tôi cuống cuồng tìm chỗ trốn. Nay công trình thủy điện với hàng triệu mét khối nước trên đầu bị rò rỉ, hư hỏng, không biết đổ sụp xuống khi nào nhưng họ cũng không hề thông báo cho bà con biết để tìm cách đối phó” - ông Nguyễn Văn Đông (xã Trà Tân) bức xúc.

Gần 40 ngày sau khi phát hiện vết nứt, rò rỉ nước ở thân đập thủy điện Sông Tranh 2, những vết nứt ở thân đập không còn chảy xối xả như trước, mực nước trong hồ cũng đã được hạ thấp để công nhân sửa chữa. Đứng trên thân đập cao hơn 90 m, nhìn về phía xa là những cánh rừng bị “cạo” loang lổ, chỉ trơ lại những ngọn đồi hoang. Hàng ngàn hecta rừng nguyên sinh và rừng phòng hộ ở Bắc Trà My đã bị tàn phá để nhường đất cho thủy điện và các khu tái định cư. Một người dân xã Trà Tân cho biết: “Nhìn bề ngoài thì bình yên, an toàn thế đấy. Nhưng chỉ cần một trận động đất như hồi đầu tháng 3 vừa rồi thì không biết công trình này có chịu nổi không”.

Lên sẵn phương án ngừa thảm họa

Động đất và sự cố nứt thân đập công trình thủy điện Sông Tranh 2 đã làm xáo trộn cuộc sống bình yên của người dân. Nhiều người đã tính đến chuyện bán nhà để về miền xuôi sinh sống, tránh thảm họa “bom nước”. “Hết động đất lại đến nứt vỡ thân đập thủy điện, làm sao người dân yên tâm sinh sống, sản xuất. Nếu con đập kia mà vỡ thì biết chạy đâu cho thoát” - ông Nguyễn Văn Đông cho biết.

Đang dự định sửa lại ngôi nhà cũ cho khang trang nhưng khi hay tin sự cố ở thân đập thủy điện Sông Tranh 2, chị Nguyễn Thị Thu (xã Trà Bui) đã cho đám thợ tạm dừng. “Mình sửa sang lại cho mới rồi không biết có ở được không nên tạm thời để vậy đã. Ban đêm chỉ cần một rung chấn nhỏ là cả nhà tôi vùng chạy ra khỏi nhà vì sợ nhà sập. Tôi đang tính chuyển nhà về quê ngoại cho an toàn” - chị Thu tâm sự.

Trước tâm lý hoang mang, lo lắng của người dân, các chuyên gia đã tính đến phương án di dân phòng ngừa thảm họa xảy ra. “Hiện tại chưa ai có thể lường trước được hậu quả xảy ra nếu đập thủy điện Sông Tranh 2 bị vỡ. Ngay từ bây giờ, cần phải nghiên cứu và lên phương án cụ thể cho tình huống xấu nhất. Đập vỡ, không chỉ hơn 40.000 hộ dân của huyện Bắc Trà My không có đường thoát mà hàng chục ngàn hộ dân khu vực hạ lưu ở Tiên Phước, Hiệp Đức, Điện Bàn, Hội An… cũng gánh hậu quả nặng nề” - KS Nguyễn Minh Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi kiêm Chánh văn phòng Ban chỉ huy PCLB tỉnh Quảng Nam, cho biết.

Ông Đặng Phong, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, cho hay: “Không biết liệu có sự liên quan nào giữa động đất và sự cố nứt đập này hay không, bởi không phải ngẫu nhiên mà bây giờ mới xuất hiện các vết nứt. Phải khắc phục kịp thời và có lý giải khoa học thì người dân mới yên tâm. Chứ nếu không, có khi người dân bỏ khu tái định cư đi lánh nạn vì quá hoang mang”.

Dân lo là đúng!

Đó là khẳng định của GS-TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi, tại cuộc họp liên quan đến thủy điện Sông Tranh 2 do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức ngày 28-4 (Tuổi Trẻ ngày 29-4). “Có dân ở dưới đập thì phải nghe ý kiến dân. Bộ trưởng nói an toàn, thứ trưởng nói an toàn, dân nói không an toàn thì phải có ai lập luận cho dân rõ chứ” - GS Hồng nói và đề nghị phải tổ chức đoàn chuyên gia độc lập vào đánh giá chất lượng công trình và khả năng khắc phục sự cố.

Cũng tại cuộc họp trên, ông Nguyễn Tài Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng điện 1 - đơn vị tư vấn thiết kế thủy điện Sông Tranh 2, cho biết hiện nay đập Sông Tranh 2 xảy ra hiện tượng thấm lớn mà chủ yếu thấm qua khe nhiệt nhưng lưu lượng thấm hiện tại không gây ảnh hưởng đến tính ổn định của đập, không thể gây sự đổ vỡ. Tuy vậy, câu hỏi của GS Hồng “đập thủy điện Sông Tranh 2 thọ bao lâu” đã không được trả lời.

TẤN TÀI - LÊ PHI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm