Nỗi lo tin giả trong cuộc bầu cử kịch tính hàng đầu lịch sử Mỹ

(PLO)- Làn sóng tin giả liên quan bầu cử tổng thống Mỹ "chưa bao giờ tệ như bây giờ" và có thể gây tác động lớn tới quan điểm và niềm tin của cử tri.

Khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày càng đến gần và trở nên kịch tính hơn thì trên mạng xã hội và một số kênh tin tức liên tục xuất hiện thông tin sai sự thật. Chẳng hạn như những thông tin sai lệch về nỗ lực của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden trong đối phó hai cơn bão Helene và Milton quét qua nước Mỹ vừa qua.

The New York Times gọi thông tin sai lệch như trên là sự bôi nhọ, dối trá, là thủ đoạn bẩn thỉu và vốn là một trong những đặc điểm thường xuất hiện trong quá trình tranh cử tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, hai tuần trước cuộc bỏ phiếu năm nay, dòng chảy của những sự thật nửa vời, thông tin dối trá và bịa đặt, cả từ trong và ngoài nước Mỹ đã xảy ra theo cách chưa từng có trước đây.

Một địa điểm chiếu cuộc tranh luận giữa Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tháng 9. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Tác động lớn

Các nền tảng mạng xã hội là những nơi góp phần truyền tải những thông tin sai sự thật. Trí tuệ nhân tạo (AI) cũng là chất xúc tác, khiến nội dung giả mạo trở nên phổ biến chỉ với một vài cú nhấp chuột.

Thông tin sai sự thật có tác động lớn. Chúng có thể làm giảm lòng tin của cử tri đối với hai ứng viên tranh cử tổng thống Mỹ. Rộng hơn nữa, những thông tin này có thể làm xói mòn nền tảng các quy tắc bầu cử, làm suy yếu niềm tin của người dân về việc các cuộc bầu cử của Mỹ diễn ra tự do và công bằng, bất kể người chiến thắng là ai.

"Họ [những người tung tin sai sự thật] có những chiến thuật và cách tiếp cận khác nhau để gây ảnh hưởng đến các hoạt động, nhưng mục tiêu của họ là như nhau. Rất đơn giản, họ đang tìm cách làm suy yếu lòng tin của người Mỹ vào thể chế của chúng ta và cuộc bầu cử nói riêng, gieo rắc sự bất hòa giữa các đảng phái" – bà Jen Easterly, Giám đốc Cơ quan An ninh mạng và Cơ sở hạ tầng Mỹ, cho biết.

Bà Easterly và nhiều quan chức khác cảnh báo những thông tin như vậy sẽ tiếp tục được lan truyền ngay cả sau khi cuộc bầu cử kết thúc. Và quá trình truyền tải những thông tin sai lệch này được nhiều yếu tố cấu thành.

Ông Trump trong cuộc vận động tranh cử hôm 24-10. Ảnh: REUTERS

Nhiều quan chức và chuyên gia cho rằng những nỗ lực nhằm làm mất uy tín của cuộc bầu cử năm nay có thể gây ra tác hại thậm chí lớn hơn những gì đã xảy ra trong cuộc bầu cử năm 2020.

"Bây giờ, động lực gây thông tin sai về cuộc bầu cử được thực hiện một cách có tổ chức hơn nhiều, có chiến lược hơn nhiều và được tài trợ tốt hơn nhiều" – ông Michael Waldman, công tác tại Trường Luật ĐH New York (Mỹ), cho biết.

“Chưa bao giờ tệ như bây giờ”

Trước đây, trong bối cảnh thông tin giả liên quan đại dịch COVID-19 và bầu cử năm 2020 xuất hiện nhiều, ông Jack Dorsey – chủ sở hữu trước đây của Twitter – cùng với ông Mark Zuckerberg – người đứng đầu Meta (sở hữu của Facebook và Instagram) đã thực thi các chính sách của riêng họ chống lại nội dung cố ý sai sự thật hoặc có hại. Trong cuộc bầu cử năm nay, phía Meta cho biết họ vẫn tiếp tục kiểm duyệt nội dung sai sự thật liên quan bầu cử.

Tuy nhiên, theo The New York Times, mạng xã hội X dường như đang đi ngược lại xu hướng này. Tờ báo này đánh giá thông tin sai lệch trên X ngày nay dường như ngày càng nhiều. X hiện giải tán các bộ phận có nhiệm vụ gỡ các nội dung sai sự thật hoặc mang tính thù hận. X thời gian qua cho phép một số người dùng từng bị cấm quay lại sử dụng nền tảng này.

Ông Trump và ông Elon Musk trong một buổi vận động tranh cử. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Để giảm thiểu tin giả liên quan bầu cử, các cơ quan chính phủ Mỹ đã vào cuộc. Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và Cơ quan An ninh mạng và Cơ sở hạ tầng Mỹ đã ban hành các bản thông báo về việc thông tin sai sự thật liên quan cuộc bầu cử.

Một trong những đơn vị tiên phong trong việc kiểm tra thông tin chính trị sai sự thật tại Mỹ là PolitiFact – đơn vị được nhà báo Bill Adair thành lập vào năm 2007. PolitiFact sử dụng thang đo của họ để đo lường các tuyên bố mà các chính trị gia đưa ra, từ đó kết luận phát ngôn của các chính trị gia có đúng hay không.

Tuy nhiên, chính ông Adair cũng thừa nhận nỗ lực của PolitiFact khó có thể ngăn chặn những thông tin sai sự thật hiện nay.

“[Thông tin sai sự thật] chưa bao giờ tệ như bây giờ” – ông Adair nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới