Bao nhiêu cử tri Mỹ đã đi bầu?

(PLO)- Dù chưa đến ngày bầu cử nhưng hàng chục triệu cử tri Mỹ đã đi bầu, xác lập nhiều kỷ lục về việc bỏ phiếu sớm.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bầu cử Mỹ gần 2 tuần nữa mới diễn ra (ngày 5-11). Tuy nhiên tính đến ngày 22-10, hơn 19 triệu cử tri Mỹ đã đi bỏ phiếu sớm, cả theo hình thức trực tiếp tới điểm bỏ phiếu hoặc bỏ phiếu qua thư, theo dữ liệu từ Phòng thí nghiệm bầu cử của ĐH Florida (Mỹ).

Nhiều tiểu bang lập kỷ lục bỏ phiếu sớm

Trong hơn 19 triệu cử tri bỏ phiếu sớm, có hơn 5,9 triệu người ở bảy bang dao động. Tại các tiểu bang mà cử tri đăng ký theo đảng, khoảng 45% số phiếu bầu sớm là của cử tri đảng Dân chủ, trong khi 34% là của cử tri Cộng hòa, còn các bang chiến trường không được đưa vào danh sách phân chia theo đảng. Theo The New York Times, những dấu hiệu ban đầu cho thấy đảng viên Cộng hòa có xu hướng tích cực bầu cử sớm so với những năm gần đây.

Nhiều tiểu bang đã lập kỷ lục về số cử tri đi bỏ phiếu sớm trong ngày đầu tiên. Hôm 17-10, hơn 353.000 lá phiếu đã được ghi nhận ở bang chiến trường North Carolina - tiểu bang đang vật lộn khắc phục hậu quả bão Helene - phá vỡ kỷ lục trước đó vào năm 2020 là khoảng 348.000 phiếu. Còn ở bang Louisiana, ngày 18-10, gần 177.000 cử tri đã bỏ phiếu tại bang “đỏ” này - bang có xu hướng nghiêng về đảng Cộng hòa, tăng 1,3% so với kỷ lục trước đó vào năm 2020.

Bầu cử Mỹ: Đông đảo cử tri bỏ phiếu sớm
Cử tri ở TP Miami, bang Florida (Mỹ) đi bỏ phiếu sớm vào hôm 21-10. Ảnh: GETTY IMAGES

Đáng chú ý nhất là ở bang chiến trường Georgia - tiểu bang lập kỷ lục hàng ngày về số lượng cử tri bỏ phiếu sớm theo hình thức trực tiếp kể từ khi các điểm bỏ phiếu mở cửa vào ngày 15-10. Tính đến ngày 21-10, hơn 1,5 triệu cử tri đã bỏ phiếu sớm tại bang này và sau tám ngày bỏ phiếu sớm thì con số này đã vượt qua số cử tri đi bầu sớm trong cùng khoảng thời gian vào năm 2020 là 500.000 phiếu.

Cho đến nay, những người đi bỏ phiếu sớm chủ yếu là những cử tri lớn tuổi khi gần một nửa số phiếu bầu sớm là của những người trên 65 tuổi và chỉ có 5% cử tri từ 18 đến 25 tuổi bỏ phiếu sớm, theo dữ liệu từ Phòng thí nghiệm bầu cử của ĐH Florida.

Còn theo ông Michael McDonald - GS chính trị thuộc ĐH Florida, tại các tiểu bang chiến trường, có nhiều phụ nữ bỏ phiếu sớm hơn nam giới. Số phụ nữ đi bầu tại Georgia là 55%, con số này ở North Carolina là 52% và ở Michigan là 56%.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, việc xác định lợi thế đảng phái hoặc dự đoán tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu nói chung là điều rất khó khăn.

Nỗ lực thuyết phục những cử tri chưa quyết định

Chiến dịch tranh cử của Phó Tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump đã bỏ ra nhiều tháng nghiên cứu tỉ mỉ, tìm ra những cử tri chưa quyết định sẽ bầu cho ai và áp dụng chiến thuật phù hợp để nhắm tới đối tượng này.

Một phân tích về cuộc thăm dò ý kiến ​​tại các tiểu bang chiến trường của The New York Times và Siena College cho thấy có 3,7%, hay khoảng 1,2 triệu cử tri, vẫn chưa quyết định.

Đội ngũ của ông Trump nhận thấy tại các bang chiến trường có 5 % cử tri chưa quyết định, bằng một nửa so với tháng 8. Đây là những người trẻ tuổi hơn, da màu, thu nhập thấp và có xu hướng dùng mạng xã hội và các dịch vụ phát trực tuyến (livestream). Hướng tới đối tượng này, ông Trump đã liên tục xuất hiện trên các nền tảng đó, bao gồm trên podcast dành cho nam giới trẻ tuổi.

Các cử tri mà ông Trump nhắm đến cho biết họ lo ngại nhất về vấn đề nhập cư và lạm phát, đặc biệt giá cả hàng tạp hóa và nhà ở. Đó là lý do tại sao ông Trump luôn tấn công bà Harris về những vấn đề này trong các bài phát biểu vận động tranh cử. Còn bà Harris đáp trả lại bằng cách đưa ra những kế hoạch kinh tế để giải quyết trực tiếp vấn đề tăng giá hàng hóa và chi phí nhà ở.

bau-cu-my-bo-phieu-som.png
Cử tri đi bỏ phiếu sớm ở Black Mountain, bang North Carolina (Mỹ) hôm 17-10. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Nhóm của bà Harris cũng nhắm tới những đối tượng tương tự - nhóm cử tri trẻ tuổi hơn, bao gồm những người da màu và gốc La-tinh. Sắp tới, ngày 29-10, bà Harris sẽ công bố chính sách tập trung vào việc cải thiện vị thế kinh tế của nam giới gốc La-tinh.

Kế hoạch này sẽ bao gồm việc tăng gấp đôi số lượng người học nghề, hạ thấp yêu cầu về trình độ học vấn đối với một số công việc liên bang, mở rộng các khoản vay cho doanh nghiệp nhỏ và tăng số lượng người mua nhà lần đầu là người La-tinh. Tuần trước, bà Harris đã công bố kế hoạch hỗ trợ tài chính cho nam giới da màu mang tên “Chương trình nghị sự cơ hội cho nam giới da màu” nhằm thu hút đối tượng này trong cuộc bầu cử.

Cạnh đó, chiến dịch của bà Harris tin rằng họ vẫn có thể giành được sự ủng hộ của một số cử tri da trắng có trình độ đại học, đặc biệt phụ nữ. Những người trước đây đã bỏ phiếu cho đảng Cộng hòa nhưng lại không thích ông Trump, đặc biệt trong vấn đề phá thai.

Ngoài ra, bà Harris cũng đang tốc lực để giành lại sự ủng hộ của cử tri Ả Rập và Hồi giáo khi đã tung ra các quảng cáo trên Facebook nhắm vào người Hồi giáo, tạo các kênh WhatsApp và phân phối các tờ thông tin có những phát ngôn mạnh mẽ nhất của bà Harris về cuộc chiến ở Gaza.

Về dư địa giành phiếu, ông Jim Messina - Chủ tịch của một siêu ủy ban hành động chính trị (super PAC) của đảng Dân chủ, cho rằng những cử tri còn lại mà chưa quyết định sẽ bỏ phiếu cho ai thuộc hai nhóm lớn: nhóm một là những người trẻ tuổi và người da màu và nhóm còn lại là những phụ nữ ngoại ô. Theo ông, bà Harris hiện đang có lợi thế ở các vùng ngoại ô và đó là cơ hội giành phiếu của bà, còn ông Trump thì không có lợi thế này.

Ông Trump, bà Harris cạnh tranh sít sao

Trong bối cảnh ngày bầu cử Mỹ đang đến gần, Phó Tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump vẫn đang cạnh tranh sít sao nhau ở 7 bang chiến trường.

Cuộc khảo sát do tờ Washington Post cùng trường Chính sách công (Schar School) của ĐH George Mason (Mỹ) thực hiện và công bố hôm 21-10 đã hỏi một số cử tri ở 7 bang chiến trường về việc ai sẽ là người chiến thắng trong cuộc bầu cử.

Kết quả là trong 7 bang chiến trường, bà Harris nhỉnh hơn ông Trump ở bốn bang là Georgia, Michigan, Pennsylvania và Wisconsin, còn ông Trump giành được nhiều sự ủng hộ hơn ở các bang Arizona và North Carolina. Riêng ở Nevada, hai ứng cử viên này có tỉ lệ ủng hộ bằng nhau.

Cuộc thăm dò được tiến hành từ ngày 29-9 đến 15-10 với 5.016 cử tri tham gia khảo sát ở 7 bang chiến trường và có biên độ sai số là 1,7%.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm