Nới lỏng để giải phóng bất động sản tồn kho

Nới lỏng để giải phóng bất động sản tồn kho ảnh 1
+ Thống đốc Nguyễn Văn Bình (ảnh): Lĩnh vực BĐS rất rộng, dư nợ trực tiếp cho vay lĩnh vực này chỉ dưới 10% và ổn định trong những năm qua; nhưng dư nợ đảm bảo bằng BĐS thì rất lớn, khoảng 60%. Thời gian qua, ta kiềm chế lạm phát nên phải hạn chế tăng trưởng tín dụng và đã đưa BĐS vào diện phi sản xuất, không khuyến khích. Nhưng nay các mục tiêu cơ bản có chiều hướng đạt được và ổn định từ nay đến cuối năm nên ta cần tính chuyện tháo dần ra cho BĐS, đặc biệt là lĩnh vực nhà để ở, vì nhu cầu nhà ở lớn. Việc nới lỏng tín dụng này sẽ giải phóng được hàng tồn kho BĐS, đáp ứng nhu cầu, tạo chu chuyển vốn trong nền kinh tế, giúp cho nhiều lĩnh vực khác như xi măng, sắt thép, lao động, tạo chu chuyển trong nền kinh tế và tạo điều kiện xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng.

. Với trần lãi suất huy động hạ xuống 12%/năm thì lãi suất cho vay khoảng bao nhiêu?

+ Lãi suất cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh dao động 13%-16%/năm, đối với nông nghiệp khoảng 13%, cho vay khác khoảng 15%-17%, lĩnh vực không khuyến khích ở mức 18%-20%/năm.

. Đến khi nào thì NHNN bỏ trần lãi suất, bởi nếu áp dụng trần lãi suất, các TCTD sẽ tìm cách lách trần?

+ Trần lãi suất là biện pháp hành chính, áp đặt. Áp đặt thì trong cuộc sống bình thường ắt có người muốn lách qua. Ta phải có chế tài đủ mạnh để biện pháp hành chính đó phát huy giá trị. Trước khi công bố hạ lãi suất, NHNN cũng đã họp với 14 TCTD hàng đầu và theo phản ánh hiện tượng vượt trần vẫn còn và rất tinh vi, không dễ phát hiện. Do đó, NHNN khuyến khích các TCTD tự giám sát nhau, NHNN sẽ kiên quyết xử lý. NHNN khẳng định nếu tình hình tiếp tục tốt như thời gian qua thì tính bỏ trần lãi suất là hiện thực.

. NHNN từng tuyên bố quý I sẽ sáp nhập 5- 8 ngân hàng, đến nay đã sang quý II, chuyện sáp nhập ngân hàng đã tính đến đâu?

+ Trong đề án tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, NHNN sẽ tiến hành thanh tra toàn diện, kiểm tra để thấy rõ thực trạng các TCTD, từ đó tạo điều kiện để TCTD chủ động tìm biện pháp khắc phục tự nguyện và phải có đề án và NHNN đánh giá. Nếu bản thân TCTD không tự thân khắc phục nhưng sẵn sàng để ngân hàng khác mua lại, có đề án, NHNN sẽ xem xét đề án của cả hai bên về khả năng khắc phục. Nếu trường hợp không tự lực, không ngoại lực để xử lý thì NHNN sẽ cử một NHNN tiếp quản để làm lành mạnh nó, sau đó có thể kêu gọi các nguồn lực đầu tư vào.

TRÀ PHƯƠNG ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm