Người ta bảo mỗi người nên đến Trường Sa một lần trong đời. Nhưng khi cùng đoàn công tác số 12 (đi trên tàu quân y HQ 561, khởi hành 12-5-2015, thành phần là các cán bộ, nhân viên Viện Quân y 175, CLB giám đốc các bệnh viện phía Nam...) đặt chân lên Trường Sa, chúng tôi nhận thấy không phải mình đã đến đảo xa mà là đã được trở về nhà.
Thức giấc giữa đại dương
Để đặt chân tới quần đảo Trường Sa, đoàn chúng tôi trải qua hai ngày đêm lênh đênh trên biển, không sóng điện thoại, không Internet. Trước mắt và sau lưng đều là biển bao la, thăm thẳm. Không ai bảo ai, mỗi người trên chuyến tàu đều nôn nao chờ đợi…
Sang ngày thứ ba, nơi cuối chân trời, đảo Trường Sa lớn dần hiện ra. Ban đầu còn nhỏ bé, nhưng chỉ một lát sau đoàn công tác đã được thấy một Trường Sa lớn oai phong, vững chãi với những cây bàng vuông đang mùa trổ bông bất chấp sóng gió biên cương, lẫn trong đó những tán cây phong ba, bão táp đang vươn lên từ cát. Và phía trên cột cờ cao vút, lá cờ đỏ sao vàng tung bay phất phới. Kỳ diệu hơn, giữa tiếng sóng biển dạt dào, chúng tôi lại nghe được tiếng chuông chùa ngân vang, lẫn đâu đó là tiếng những đứa trẻ đùa giỡn trước khi vào lớp học.
Trong 10 ngày ngắn ngủi, đoàn công tác đã đến được Trường Sa Đông, Phan Vinh, Tốc Tan, Thuyền Chài, An Bang, Đá Lát, nhà giàn DK1... Trong chuỗi hành trình đó, xúc động nhất là lễ viếng các chiến sĩ đã hy sinh ở nhà giàn DK1. Khi mặt trời nhô lên, vòng hoa cùng bó hương nghi ngút khói được trang trọng thả xuống, cứ thế lặng lẽ trôi về phía nhà giàn. Lạ kỳ thay, những nhành hoa cúc vàng được các thành viên trong đoàn thả xuống biển cũng tự kết thành bè, cứ thế xuôi về phía nhà giàn. Lẫn trong khói hương giữa đại dương, lẫn trong nước mắt giữa sóng biển, lặng lẽ từng thành viên xếp hàng đến sát mép thuyền, cúi xuống chạm tay vào mặt nước để thả từng cành hoa. Mong các anh yên nghỉ!
Trường Sa luôn vững chãi trước mọi phong ba, bão táp. Ảnh: Q.Liêm
Lớp học trên đảo Trường Sa lớn 1. Ảnh: NB
Bác sĩ trẻ xung phong ra Trường Sa
Những ngày trên biển thật ngắn, những giờ lên đảo còn ngắn hơn. Nơi đảo xa rau quý như vàng, nước ngọt được ví như máu… Nhưng nơi ấy có một thứ luôn tràn đầy, đó là tình người.
Tại bệnh xá trên đảo Trường Sa lớn, chúng tôi gặp bác sĩ trẻ Hoàng Ngọc Cường, quê Nghệ An, người đã tình nguyện ra đảo công tác. “Tốt nghiệp Học viện Quân y, tôi được phân công về Bệnh viện 175, quận Gò Vấp, TP.HCM. Đây cũng là bệnh viện tham gia chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa. Nhưng với ước mong được cống hiến nhiều hơn, tôi đã viết đơn xin ra đảo làm nhiệm vụ”, Cường nói.
Ban đầu Cường cứ tưởng gia đình sẽ ngăn cản, không ngờ mẹ còn động viên “Con phải cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và Tổ quốc đã giao”, thế là Cường lên đường. Ra đảo rồi nhớ đất liền lắm, nhiều khi Cường nghĩ không biết có vượt qua được hay không. Nhưng rồi cảm giác đó nhanh chóng lùi xa sau những ngày Cường cùng ăn, cùng ngủ, cùng chia sẻ vui buồn với cán bộ, chiến sĩ.
“Tết trên đảo cũng đầy đủ bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành… Do không có hoa đào, hoa mai nên các chiến sĩ dùng cây bão táp rồi lấy mù u trang trí lá vào trông cũng đẹp lắm. Thậm chí khi gói bánh tét không đủ lạt, chúng tôi còn dùng băng để buộc”, Cường cười nói.
Ngoài bác sĩ Cường, tại đảo An Bang, chúng tôi đã gặp bác sĩ Hồ Sĩ Hậu đang chăm sóc cho một ngư dân trên biển bị đau ruột thừa cấp. Hậu bảo trước đây công tác tại Bệnh viện Quân khu 4, nghe lời kêu gọi của bệnh viện, anh đã nộp đơn xin ra Trường Sa. Ở đây bác sĩ cũng là chiến sĩ, khi không chữa bệnh thì họ vẫn ôm súng trực đêm như mọi người. Cũng ít ai biết chính những bác sĩ nơi hải đảo vẫn âm thầm trích lương của mình gửi mua vitamin cho các chiến sĩ và ngư dân trên đảo.
Ðảo Tốc Tan. Ảnh: Q.Liêm
Xin chào, Ðá Tây B. Ảnh: Q.Liêm
Tác giả trên đảo An Bang. Ảnh: CTV
Câu chuyện về người lính trở lại với Trường Sa
Trong đoàn công tác, ít ai để ý có một sĩ quan hải quân luôn rời thuyền xuống canô đầu tiên vào các đảo. Đến đảo nào anh cũng chỉ đi xuống bếp và ở đó cho đến lúc ra về. Đó là Trung tá Cao Văn Sơn, chủ nhiệm hậu cần Lữ đoàn Trường Sa.
Năm 1997, chàng lính trẻ Cao Văn Sơn ra đảo An Bang công tác 12 tháng, sau đó chuyển qua đảo Sinh Tồn Đông 12 tháng nữa. Hai năm trên đảo là những ngày tháng đáng nhớ nhất trong đời Sơn. Anh kể đảo An Bang có một doi cát chạy dài, chiều chiều mấy anh em ra đá bóng rèn luyện thể chất, chẳng may anh bị ngã gãy chân phải đi cấp cứu khiến cả đảo âu lo.
... Và phía trên cột cờ cao vút, lá cờ đỏ sao vàng tung bay phất phới. Kỳ diệu hơn, giữa tiếng sóng biển dạt dào, chúng tôi lại nghe được tiếng chuông chùa ngân vang, lẫn đâu đó là tiếng những đứa trẻ đùa giỡn trước khi vào lớp học. |
“Nhớ lắm những ngày mưa, tất cả chiến sĩ đều ào ra cùng nhau tắm. Tắm một cách thỏa thích và sảng khoái, bất chấp lúc đó là ngày hay đêm. Hay khi nghe trưởng đảo bão, năm nay mưa thuận gió hòa nên luống rau xanh tốt, anh em ta thu hoạch để trồng luống mới, mọi người vui lắm bởi hôm đó sẽ có rau xào thịt, rau bóp gỏi, rau luộc, canh rau…”, anh Sơn nói.
Và như nhiều người lính khác, giây phút chia ly người đi kẻ ở khiến anh Sơn không thể nào quên được. Lần đó sóng to gió lớn, canô không thể vào được nên các chiến sĩ phải bơi ra mới lên được tàu. Khi chia tay, người ở lại khóc mà người trở về đất liền cũng khóc.
Sau khi trở về đất liền, anh Sơn còn trở lại Trường Sa nhiều lần nữa, số lần không đếm bằng ngón tay được nên kể chuyện về Trường Sa kể hết ngày này qua ngày khác không hết. Và dù có kể cũng không thể nói hết được về Trường Sa yêu thương với hình ảnh những người lính kiên cường cùng trái tim đầy nhiệt huyết…
Trường học và mùa xuân ở Trường Sa Hiền hòa biển Trường Sa Mùa này nhiều sóng dữ Các em nơi đảo xa Có bình yên giấc ngủ? Tàu chầm chậm ra khơi Chở nặng bao điều ước Trường mọc nơi chân trời Bằng tình yêu đất nước. Trường Sa tiếng biển hát Trường học tiếng trẻ cười Ðêm có trăng đứng gác Ngày gió canh kẻng trời. Ước được làm gió mát Ðùa cánh hải âu xa Một mùa xuân xanh ngát Ðã về với Trường Sa.
Ánh mắt đẹp trong lớp học trên đảo Trường Sa lớn. Ảnh: NB TỪ NGUYÊN THẠCH Thư gửi con Thư bố gửi con từ biển đảo xa xôi Nơi những con sóng ngày đêm thi nhau vỗ Nơi thương nhớ hòa cùng màu nắng gió Nơi biển trời - góc Tổ Quốc trong tim Ngủ ngoan nhé con, giữa đêm tối im lìm Bố và đồng đội giữ bình yên đất nước Cây súng chắc tay, mắt hướng về phía trước Nối nhịp yêu thương, nối cả những giấc mơ Bố gửi đến con đong đầy những vần thơ Mai sau khôn lớn con thêm yêu biển đảo Yêu những gian lao, yêu cả cơn giông bão Nơi ấy là nhà, là hạnh phúc, chờ mong… Bố biết bây giờ con vẫn hoài ngóng trông Ðợi bố ngày về, tay con ôm thật chặt Mình gọi tên nhau, tự hào trong ánh mắt “Chiến sĩ Trường Sa” – ôi sao quá thiết tha!
Chào cờ ở đảo Song Tử Tây. Ảnh: NB VÕ HOÀNG ANH |