1. Huỳnh Văn Nén - vụ án oan thế kỷ
Cuối năm 2015, TAND tỉnh Bình Thuận chính thức xin lỗi ông Nén sau khi ông ngồi tù oan hơn 17 năm trong hai vụ án liên tiếp (vụ án Vườn điều và vụ sát hại bà Nguyễn Thị Bông). Trong suốt quãng thời gian đó, nhiều tờ báo đã vào cuộc, nhiều thế hệ nhà báo, luật sư đã đồng hành cùng gia đình ông Nén một cách kiên trì và vô tư. Quá trình đồng hành với “người tù thế kỷ” ấy, riêng báo Pháp Luật TP.HCM đã trải qua đến ba đời tổng biên tập. Người đầu tiên viết bài là nhà báo Vũ Đức Sao Biển đã về hưu, còn tiếp nối cho tới nay là nhà báo Phương Nam. Có những phóng viên tham gia viết bài khi vụ án xảy ra còn chưa vào tiểu học.
Đời ông Nén là một câu chuyện dài, đau đớn, nhưng lấp lánh tình người. Trong đó, người hàng xóm của ông Nén - ông Nguyễn Thận (nguyên Chủ tịch UBND xã Tân Minh, Hàm Tân, Bình Thuận) là “người đồng hành” lớn nhất trong hành trình giải oan cho ông.
2. Trương Bá Nhàn và chín năm ròng rã kêu oan
Ngày 11-8-2015, khi VKSND TP.HCM tổ chức xin lỗi, ông Trương Bá Nhàn mới chính thức kết thúc hành trình cơ khổ với 1.346 ngày bị ngồi tù và chín năm ròng rã kêu oan, cuối cùng, ấy. Ông tên là NHÀN nhưng cuộc đời ông lại bất hạnh, luôn phải VẤT VẢ đi đòi lẽ sống công bằng.
Vào năm 2001, một phụ nữ được phát hiện nằm chết trên nền nhà, đồ đạc ngổn ngang. Khám nghiệm hiện trường, công an thu giữ được dấu vân tay ở hộc tủ. Kết quả giám định cho thấy dấu vân tay này trùng khớp với dấu vân tay của ông Nhàn (người con bạn dì của chồng nạn nhân). Ngay khi bị bắt giam về hai tội giết người và cướp tài sản, ông Nhàn đã liên tục kêu oan. Vì sự thật là trước ngày xảy ra vụ án, ông Nhàn có đến nhà nạn nhân chơi và được nhờ kê lại cái tủ nên còn lưu dấu vân tay ở đó. Số vàng thu ở nhà ông là do mẹ vợ ông bán đất và gửi giữ. Trên miếng vàng còn chữ ký của người mua đất...
Từ đó Pháp Luật TP.HCM đã vào cuộc. Gần chục phóng viên nhiều thế hệ đã tham gia viết bài bảo vệ công bằng cho ông Nhàn. Năm 2006 ông được đình chỉ điều tra nhưng các cơ quan liên quan vẫn chưa chịu thừa nhận làm oan và công khai xin lỗi ông. Báo lại tiếp tục lên tiếng, chỉ ra đích danh cơ quan phải bồi thường oan cho ông và cuối cùng cơ quan này đã nhận lỗi.
3. Bà Hà Ngọc Bích: “Cuộc sống của tôi được tái sinh”
Đầu năm 2012, bà Hà Ngọc Bích, chủ trang trại cá sấu ở huyện Tân Phú, Đồng Nai bỗng dính vào vòng lao lý với tội hủy hoại tài sản mà khung hình phạt cao nhất đến 15 năm tù.
Đầu đuôi câu chuyện bắt đầu từ việc bà bán trang trại của mình. Khi người mua vi phạm hợp đồng, bà đã yêu cầu ngưng việc chuyển nhượng để kiện ra tòa nhờ phân xử. Lúc đó, thấy căn nhà xuống cấp, bà Bích làm đơn xin và xã cho phép sửa chữa, nhưng vừa dỡ bỏ căn nhà thì công an ập tới bắt. Tòa huyện đã từng đưa vụ án ra xét xử lưu động, nhưng không kết tội được bèn trả hồ sơ.
Báo Pháp Luật TP.HCM đã giới thiệu ý kiến của nhiều chuyên gia phân tích pháp lý khẳng định bà Bích bị oan. Cuối năm 2013, vụ án được đình chỉ điều tra nhưng phải đấu tranh dùng dằng mãi đến ngày 13-8-2015, bà mới được VKSND huyện Tân Phú tổ chức xin lỗi công khai. “Hơn ba năm sống trong tủi nhục mang thân phận bị can, nhờ Pháp Luật TP.HCM mà mãi tới hôm nay tôi mới được tái sinh...”, bà Bích nói.
4. Anh thợ sửa xe Trần Hoàng Minh thoát án trộm “trời ơi”
Cách đây hơn hai năm, người thợ sửa xe gắn máy Trần Hoàng Minh (huyện Cần Giờ, TP.HCM) bỗng nhiên bị cáo buộc trộm máy tính xách tay 6,8 triệu đồng. Dù anh kêu oan và đưa ra chứng cứ ngoại phạm là khi xảy ra vụ trộm anh đang sửa xe cho khách, nhưng vô ích. Tập hồ sơ buộc tội anh vẫn được người ta làm tròn trịa và chuyển đến tòa. Rất may tòa đã trả hồ sơ điều tra bổ sung, sau đó VKSND huyện này mới chịu đình chỉ.
Những tưởng thần công lý đã mỉm cười, nhưng anh Minh lại choáng váng khi biết lý do đình chỉ là: Hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội. Thực chất đây là một cách để né bồi thường oan. Và sau khi Pháp Luật TP.HCM vào cuộc, VKSND Tối cao cùng VKSND TP.HCM đã chỉ đạo huyện phải xem xét lại.
Không thể làm khác, cuối năm 2015 VKSND huyện đã phải “đính chính” quyết định đình chỉ với lý do không chứng minh được anh Minh phạm tội. Anh Minh chính thức vô tội còn viện trưởng VKSND huyện thì phải thốt lên rằng: “Đây là bài học đau xót cho chúng tôi!”.
5. Nước mắt ngày tự do của ông Ðồng Khắc Luật
Ngày 3-7-2015, ông Đồng Khắc Luật (huyện Bù Gia Mập, Bình Phước) vỡ òa niềm vui khi được TAND tỉnh này tuyên trắng án, trả tự do ngay tại tòa sau hơn tám năm bị truy tố và bốn lần hầu tòa. Đây là kết quả đấu tranh không biết mệt mỏi của Pháp Luật TP.HCM để giúp ông thoát khỏi vòng lao lý.
Số là năm 2002 ông ly hôn, chia tài sản với vợ, ông được quyền quản lý, sử dụng đất nhưng phải “thối lại” gần 33 triệu đồng. Thế rồi do không có tiền trả nên ông bị cơ quan thi hành án cưỡng chế bán đất, nhưng lại tiến hành trái pháp luật. Khi người chủ mới tổ chức làm vườn, xịt thuốc, thu hoạch hoa màu… thì ông Luật ngăn cản, dọa đánh. Lập tức ông bị truy tố về tội cưỡng đoạt tài sản, nhận mức án một năm tù giam.
Án bị hủy. Xét xử lần hai tòa huyện tuyên vô tội, nhưng VKS huyện lại kháng nghị có tội. Xử phúc thẩm, tòa tỉnh cho rằng: Do quá trình thi hành án trái pháp luật chứ không phải ông Luật phạm tội, ông vẫn có quyền bảo vệ đất của mình. Nhận định ấy cũng trùng khớp với quan điểm của Pháp Luật TP.HCM trong nhiều bài viết trước đó.
6. Ông Lá và phút giải oan sau 20 năm
Năm 2015, vụ oan khuất của ông Phan Văn Lá (Châu Thành, Long An) được một nữ phóng viên trẻ của Pháp Luật TP.HCM tình cờ phát hiện và kịp thời phản ánh.
Năm 1991, ông Lá cùng hai em trai (13 và 15 tuổi) bị khởi tố, bắt tạm giam về tội hủy hoại tài sản XHCN. Sau hai tháng tạm giam, hai người em được đình chỉ còn ông bị phạt bốn năm tù. Năm 1992, bản án này bị hủy để xét xử lại, ông Lá được tại ngoại điều tra và cũng kể từ đó không ai đoái hoài gì tới ông nữa. Ông Lá kêu oan khắp nơi. Sau những bài viết của báo, công an huyện phải đình chỉ điều tra, tiếp đó thừa nhận làm oan đối với ông.
Ngày các cơ quan tổ chức xin lỗi, ông Lá đang cắt rau muống ngoài ruộng, nhận được thông báo bèn vội vàng xăn quần chạy đến cho kịp giờ khắc xin lỗi ngắn ngủi (ngày 23-9-2015). Ông bảo, suốt hơn 20 năm đi tìm công lý ông tưởng như đã mất hết niềm tin vào mọi thứ trên đời, nhưng bây giờ niềm tin ấy đã trở lại.
7. Anh lái sà lan Ðặng Ngọc Thanh và nước mắt người vợ
Đặng Ngọc Thanh từng là một thuyền trưởng lái sà lan giỏi với mức lương mỗi tháng 17 triệu đồng. Một lần về nhà dự đám giỗ, anh đã giao lại sà lan cho ông chủ và người này lại giao lại cho một người khác không có bằng lái điều khiển. Kết quả, chiếc sà lan đã đụng chìm một chiếc ghe chạy cùng chiều khiến ba mẹ con trong một gia đình tử vong. Người tài công bị xử tù, nhưng anh Thanh cũng bị truy tố về tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông
đường thủy.
Giữa năm 2014, tòa huyện tuyên anh bảy năm tù, cũng là lúc Pháp Luật TP.HCM phát hiện tình tiết đáng nghi trong vụ án là kiểm sát viên không khách quan khi thực hiện nhiệm vụ. Án sau đó bị hủy, kiểm sát viên bị kiểm điểm.
Tiếp đó, ngày 13-10-2015, Công an huyện đã phải đình chỉ điều tra vì hành vi của anh Thanh không cấu thành tội phạm. Người phải chịu tội danh của anh Thanh là người chủ sà lan – sau đó đã bị đề nghị khởi tố.
Nhờ những bài viết độc quyền trên Pháp Luật TP.HCM mà sau bảy tháng bị tạm giam, anh Thanh đã có thể trở về với công việc lái tàu của mình… Ngày cầm quyết định đình chỉ điều tra bị can trên tay, vợ chồng anh chở nhau hàng trăm cây số đến tòa soạn nghẹn ngào cảm ơn. Cô phóng viên viết bài cũng rưng rưng nhớ lại chỉ vì câu nói “Chồng chị bị oan!” của người vợ mà cô đã quyết tâm đi tìm sự thật.
8. Tết này, lòng bà Búp như nở hoa
Năm qua, cũng nhờ sự kiên trì phản ánh và phân tích của Pháp Luật TP.HCM mà bà Trần Thị Búp (huyện Bù Gia Mập, Bình Phước) đã được đình chỉ điều tra, do không phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Bi kịch ập đến với bà Búp vào chiều 24 tết Ất Mùi (2015) khi bà bị bắt vì lý do tự cấn tiền để trừ bớt nợ. Theo pháp luật đây là quan hệ dân sự, không phải hành vi cấu thành tội phạm. Nhưng sau khi hai bên không thống nhất được nợ nần thì bà Búp bị tố cáo ra công an. Bất thường hơn là trong quá trình bà Búp bị tạm giam, một cán bộ điều tra đã nhiều lần gợi ý để bà trả nợ.
Xâu chuỗi lại các sự kiện ấy, chúng tôi đã liên tục có những bài phân tích, chỉ rõ bản chất sự việc là bà Búp bị truy tố oan, điều tra viên đã sốt sắng bất thường trong vai một người đòi nợ giùm... Sau đó, cơ quan tố tụng tỉnh Bình Phước phải rút hồ sơ lên để nghiên cứu và đã ra quyết định đình chỉ vụ án vào cuối 2015. Bộ Công an cũng có văn bản chỉ đạo giám đốc Công an tỉnh phải làm rõ, xử lý nghiêm các cán bộ liên quan đến việc làm oan bà Búp.
Vậy là tết này, ngày tròn một năm ngày bị bắt tạm giam, chắc hẳn bà Búp sẽ vui lắm vì ít ra bà cũng may mắn hơn nhiều người bị oan khác khi không phải ngồi tù quá lâu.
9. Ông Hồng và cú tông oan ban đêm
Cả cuộc đời ông Đào Văn Hồng (Đức Linh, Bình Thuận) chắc sẽ không bao giờ quên vụ tai nạn tối 22-3-2011, bởi nó đã suýt khiến ông phải ngồi tù oan uổng. Hôm đó, xe máy của ông đụng phải một chiếc xe máy đi ngược chiều. Sau khi điều tra, cơ quan tố tụng xác định ông Hồng là người gây tai nạn nên đã khởi tố vụ án. Nhưng khi nghiên cứu lại hồ sơ, TAND huyện cho rằng người gây tai nạn không phải là ông Hồng mà là người đối diện, nên trả hồ sơ. Tuy nhiên, VKS không chịu mà vẫn giữ nguyên cáo trạng.
Từ mâu thuẫn về quan điểm buộc tội này, phóng viên Pháp Luật TP.HCM đã có bài phản ánh ngay trước phiên xử sơ thẩm (mà tòa huyện đã tuyên bố ông Hồng không phạm tội). Nhưng sau đó bản án này bị hủy để điều tra lại. Thế rồi do hết thời hạn điều tra nên ngày 6-6 ông Hồng được đình chỉ bị can. Cuối cùng, tới ngày 22-10-2015, VKSND huyện tự nhận trách nhiệm và đã tổ chức xin lỗi công khai ông Hồng.
10. Giải oan cho ông Trần văn Ðề
Ngày 20-4-2015, VKSND huyện Chơn Thành, Bình Phước đã đình chỉ điều tra vì hành vi của ông Trần Văn Đề không cấu thành tội không chấp hành án. Đây là kết quả sau vệt bài “Khởi tố, bắt người không cần thiết” mà Pháp Luật TP.HCM đã đăng tải với quan điểm xuyên suốt là ông Đề đã bị khởi tố oan.
Một lãnh đạo Ban Nội chính Tỉnh ủy Bình Phước nói: “Vụ án ông Trần Văn Đề được đình chỉ là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng sau khi báo Pháp Luật TP.HCM có nhiều bài phân tích pháp lý. Đã có 19 văn bản từ Ban Nội chính Trung ương, VKSND Tối cao, Thường trực Tỉnh ủy, Ban Nội chính Tỉnh ủy và VKS tỉnh chỉ đạo theo hướng đình chỉ vụ án nhưng VKS huyện vẫn không làm. Mãi đến tháng 4-2015, VKS huyện mới nhận sai và đình chỉ vụ án”.