Đó là cuộc chạy tiếp sức kéo dài nhiều năm trời của không ít người, gồm luật sư, nhà báo với “tổng công trình sư” là ông Nguyễn Thận, nguyên Chủ tịch UBND xã Tân Minh, Hàm Tân, Bình Thuận. Nhờ có họ mà sau gần 18 năm mang trên vai hai bản án oan khuất, năm nay “người tù thế kỷ” Huỳnh Văn Nén mới được đón tết đoàn tụ cùng gia đình.
Dấu hiệu lạ từ bộ hồ sơ đẹp
Hơn 15 năm trước, khi ông Nén vừa bị kết án tù chung thân do bị cáo buộc giết chết bà Bông, từ thuyết phục của ông Thận chúng tôi bắt đầu tham gia “cuộc chạy tiếp sức” này.
Hồ sơ ban đầu chúng tôi nhận được chỉ là xấp đơn kêu oan của chín người trong vụ án “Vườn điều” và lá đơn của ông Huỳnh Văn Truyện khẳng định con trai mình bị kết án oan. Tôi cùng nhà báo-nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển đến gặp ông Võ Duy Quang, lúc đó là chánh án TAND tỉnh Bình Thuận. Khi nghe chúng tôi muốn có bản sao cáo trạng và bản án số 96-HSST ngày 31-8-2000 kết án Huỳnh Văn Nén, ông Quang đã vui vẻ cung cấp. Những tài liệu này rất quan trọng, bởi ngay cả gia đình ông Nén lúc đó cũng không có. Theo ông Thận, đây được xem là sự đột phá khởi đầu cho hành trình giải oan cho ông Nén.
Ban đầu, chỉ đọc lướt qua, chúng tôi thấy hồ sơ quá “đẹp”. Ông Nén được mô tả giống như một gã vô lại, suốt ngày say sưa, quậy phá và việc giết chết bà Bông để cướp vàng kiếm tiền mua rượu là tất yếu. Thế nhưng đọc kỹ hồ sơ, chúng tôi phát hiện chi tiết quan trọng là hiện trường có tới hai dấu chân kích thước hoàn toàn khác nhau, trong khi cơ quan tố tụng khẳng định chỉ một mình ông Nén là thủ phạm.
Hồ sơ cũng thể hiện từ 18 giờ đến 22 giờ ngày 23-4-1998, trước khi gây án ông Nén có uống rượu với mấy người bạn. Tan cuộc nhậu, nảy sinh ý định trộm cắp nên ông Nén đi bộ đến nhà bà Bông và gây án. Ở Tân Minh lúc đó gần như ai cũng biết ông Nén tuy nghiện rượu nhưng chỉ uống cỡ một xị là quắc cần câu, ngủ quên trời đất. Với thể trạng ốm nhách, tất cả bạn nhậu của ông Nén đều thề độc rằng ông Nén không thể nào đủ sức uống liền tù tì bốn giờ đồng hồ mà đứng dậy nổi chứ nói gì tới chuyện gây án.
Những mâu thuẫn từ hồ sơ vụ án này sau đó đã được các báo Pháp Luật TP.HCM, Thanh Niên, Tiền Phong, Lao Động, Đại Đoàn Kết…lần lượt phản ánh. Tuy nhiên, các cơ quan tố tụng tỉnh Bình Thuận vẫn khẳng định đã kết án đúng người, đúng tội!
Ông Huỳnh Văn Nén bật khóc khi vừa bước ra khỏi trại giam, ngày 22-10-2015. Ảnh: P.NAM
Lần tìm sự thật từ lá đơn tố cáo
Ngày 29-9-2000, ông Nguyễn Thận, Chủ tịch UBND xã Tân Minh, thông báo cho chúng tôi biết, đồng thời ký công văn khẩn gửi các cơ quan tố tụng ở Bình Thuận và trung ương báo cáo việc anh Nguyễn Phúc Thành, phạm nhân đang thi hành án tại Trại giam Sông Cái (Ninh Thuận) có đơn khẳng định ông Nén không phải là thủ phạm. Hung thủ giết chết bà Bông là hai người bạn của anh, tên là Nguyễn Thọ và Hồ Thanh Việt, cùng ngụ Tân Minh.
Hơn một tuần sau, ngày 9-10-2000, mẹ anh Thành (người nhận đơn của con trai và chuyển cho ông Thận) bị điều tra viên gọi đến làm việc. Điều tra viên này răn đe đây là lá đơn vu cáo, bởi hai người bị tố cáo là hung thủ thời điểm trên không có mặt tại địa phương.
Để đi trước điều tra viên một bước, chúng tôi quyết định vào Trại giam Sông Cái dù biết trước xin được lệnh trích xuất anh Thành ra làm việc không hề đơn giản. Rất may, từng nút thắt trong vụ án ông Nén luôn được tháo gỡ bằng sự giúp đỡ âm thầm của rất nhiều người. Việc khó nhất là trích xuất anh Thành chúng tôi đã nhờ tới một người anh và được người này nhận lời giúp đỡ. Ngày 18-10-2000, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển (Pháp Luật TP.HCM) cùng anh Hồ Việt Khuê (Tiền Phong) đến Trại giam Sông Cái và dễ dàng gặp được anh Thành để nghe xác nhận lại lá đơn tố cáo. Trung tá Phạm Văn Phóng, giám thị trại, cũng cho biết lá đơn tố giác của anh Thành đã được ông fax ra Cục V26 Bộ Công an để báo cáo.
Có trong tay những bằng chứng cực kỳ quan trọng này, nhạc sĩ Sao Biển đã “mai mối” cho ông Thận và thân nhân những người bị truy tố trong vụ án “Vườn điều” gặp luật sư Kim Anh. Tôi vẫn nhớ trong cuộc gặp mặt, luật sư Kim Anh nhận định đây là hai vụ án oan. Tuy nhiên, trước mắt cần tập trung minh oan vụ “Vườn điều”, sau đó mới đến lượt ông Nén.
Ngày 14-6-2001, với những lập luận sắc bén của luật sư Kim Anh và đặc biệt là lời khai của ông Nén tại tòa (rằng khi vụ án “Vườn điều” xảy ra mình đang làm thuê cho ông Chín Chè ở Xuân Hòa, Xuân Lộc, Đồng Nai), Tòa Phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM đã phải tuyên hoãn phiên tòa để yêu cầu làm rõ tình tiết quan trọng này.
Ngay sáng hôm sau, tôi cùng các nhà báo Sao Biển, Hồ Việt Khuê, Nguyễn Đình Quân (Tiền Phong) và Cao Thuyên (Nông Thôn Ngày Nay) thuê ô tô từ Phan Thiết trực chỉ Xuân Lộc. Sau khi gặp ông Chín Chè để xác minh tình trạng ngoại phạm của ông Nén, chúng tôi còn làm việc với Công an xã Xuân Hòa để nắm lại những biến động hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng ở ấp 3. Sau đó tôi và anh Đặng Ngọc Khoa (Thanh Niên) tiếp tục trở lại gặp ông Chín Chè và các con trai ông một lần nữa. Thông tin “bom tấn” này lập tức được công bố trên mặt báo. Sau này tại phiên tòa phúc thẩm lần hai, ông Chín Chè và các con khai rõ việc ông Nén đang làm mướn tại nhà mình khiến ai cũng phải ngã ngửa.
* * *
Vì lý do sức khỏe, sau đó luật sư Kim Anh rút khỏi vụ án và các luật sư Phạm Hồng Hải, Trần Vũ Hải, Bùi Đức Trường vào cuộc bào chữa (cũng hoàn toàn miễn phí). Sự phối hợp nhịp nhàng và những lập luận sắc sảo của các luật sư khiến tất cả các phiên tòa của vụ án “Vườn điều” đều “nóng” và thu hút rất đông người dự khán.
Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến vai trò của luật sư Hồng Hà, người bào chữa đầu tiên trong vụ án “Vườn điều” hay nhà báo Trần Mỹ (Văn Nghệ Trẻ), Nguyễn Chính (Đại Đoàn Kết), Trung Phương, Lê Thanh Phong (Lao Động), Lương Duy Cường (Người Lao Động), Lê Hiền (TTXVN)… Đó là những “vận động viên” cùng chạy tiếp sức với nhau theo từng giai đoạn, từng phân khúc góp phần minh oan cho các bị cáo trong hai vụ án oan thế kỷ.
Ông Huỳnh Văn Nén cho biết trong gần 18 năm thụ án, ông đã bốn lần chuyển trại. Ðó là Trại giam Z30A Bộ Công an (Ðồng Nai), Trại T17 Bộ Công an (TP.HCM), Trại tạm giam Công an tỉnh Bình Thuận và Nhà tạm giữ Công an TP Phan Thiết. “Trong bốn trại thì tôi ăn tết ba lần tại trại Bình Thuận; hai lần đón xuân ở T17 và hơn chục năm đón tết ở Z30A. Tết ở trại Bình Thuận thường có thịt kho măng, canh; trại T17 có đùi gà hay Z30A có đồ xào, thịt kho trứng…Ðồ ăn ngon thấy ham lắm, nhưng tết là lúc nhớ vợ, nhớ con nhứt. Cứ nghĩ vợ con tết nhất không có đồ ăn ngon là tôi nuốt không vô”, ông Nén kể. |