Ông tên là Đặng Văn Mười, ngụ xã Hàm Đức, Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận). Ông Mười cho biết đang tiếp tục gửi đơn khiếu nại quyết định đình chỉ điều tra đối với ông vì cho rằng cơ quan tố tụng đã cố tình né trách nhiệm bồi thường oan.
Bị kết án vẫn được nhận huy chương
Theo hồ sơ mà ông Mười cung cấp, năm 1972, khi ông 12 tuổi theo giấy khai sinh của chế độ cũ (thực tế là 16 tuổi), lúc đi chăn bò, ông đã được một nhóm du kích mật móc nối mang truyền đơn về xóm rải nhiều lần rồi bị địch bắt giam, bị đánh đập. Sau năm tháng 20 ngày bị giam giữ tại nhà lao Phan Thiết, ông được thả ra.
Năm 2001, ông Mười lập hồ sơ xin hưởng chế độ ưu đãi người tham gia hoạt động kháng chiến bị tù đày và được trợ cấp một lần 1 triệu đồng. Sau đó, ông Mười xin giám định thương tật để được hưởng chế độ thương binh hơn 400.000 đồng/tháng.
Năm 2009, sau khi ông Mười đã nhận được hơn 18 triệu đồng tiền trợ cấp, nghi ngờ ông Mười man khai, Công an huyện Hàm Thuận Bắc đã ra quyết định khởi tố ông về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tháng 11-2010, ông Mười bị TAND huyện Hàm Thuận Bắc phạt chín tháng tù. Bản án này ghi như sau: “Thời gian này (1972 khi ông Mười bị bắt giam -PV), Đặng Văn Mười có tham gia cơ sở du kích mật hay không chưa đủ căn cứ kết luận bởi hai người trực tiếp giao nhiệm vụ cho bị cáo đều đã chết…”.
Bản án sơ thẩm bị TAND tỉnh hủy, trả hồ sơ để điều tra lại. Tháng 10-2011, Cơ quan CSĐT Công an huyện Hàm Thuận Bắc ra quyết định đình chỉ điều tra bị can theo khoản 1 Điều 25 BLHS vì “hành vi của Đặng Văn Mười không còn nguy hiểm cho xã hội nữa”.
Điều đáng nói là trong thời gian ông Mười khiếu nại việc bị truy tố, kết án oan, tháng 9-2013, ông đã được công nhận là người hoạt động kháng chiến, được địa phương trao tặng huy chương Kháng chiến hạng Nhì do Chủ tịch nước ký.
Ông Đặng Văn Mười, người đang khiếu nại kêu oan. Ảnh: P.NAM
Hồ sơ mang bí số BB/4275/BT
Ngồi đối diện với tôi, người đàn ông già trước tuổi, ốm quắt queo này bức xúc cho biết việc bản án của TAND huyện Hàm Thuận Bắc cho rằng chưa đủ căn cứ kết luận ông có tham gia hoạt động cách mạng hay không là xúc phạm, phủ nhận toàn bộ công sức mà ông bất chấp nguy hiểm đóng góp trước đây.
Theo hồ sơ lưu trữ hiện chúng tôi đang có thì ngày 18-7-1972, ông Mười đã bị Đội Thám sát đặc biệt tỉnh Bình Thuận của chế độ cũ bắt và lập hồ sơ mang bí số BB/4275/BT. Cùng ngày, đại tá tỉnh trưởng Bình Thuận ký quyết định câu lưu ông Mười, chuyển giao đến Ty Cảnh sát quốc gia tỉnh Bình Thuận để thẩm vấn. Tại trang 29 của “bản cung tư sơ khởi can nhân” ghi ông Mười giữ chức vụ tổ viên thanh thiếu niên tiền phương cộng sản xã Thuận Hòa đã rải truyền đơn và là tổ viên báo động. Tại trang 37 của báo cáo đúc kết thẩm vấn cũng nêu rõ: “Đương sự tuổi thật 16 tuổi nhưng mẹ ghẻ làm giấy khai sanh lại để giảm số tuổi xuống. Đương sự từng đi họp với cán bộ cộng sản và nhận công tác cũng như chia tổ hoạt động rải truyền đơn…”. Phần cuối hồ sơ ghi ý kiến của thẩm vấn viên: “Đương sự thường hội họp nghe cộng sản tuyên truyền đã được huấn luyện gài mìn, đã rải truyền đơn. Đề nghị có biện pháp ngăn chặn”. Ngày 8-1-1973, ông Mười được trả tự do sau năm tháng 20 ngày bị giam giữ tại nhà lao Phan Thiết.
Như vậy, việc ông Mười tổ chức rải truyền đơn và bị bắt giam năm 1972 là hoàn toàn có thật với đầy đủ hồ sơ, chứng cứ.
Theo ông Mười, một lý do mà các cơ quan tố tụng huyện Hàm Thuận Bắc quy kết ông lừa đảo là trong hồ sơ giam giữ của ông không thể hiện có bị thương tích thực thể. “Ai mà ghi nhận việc tra tấn, đánh đập trong hồ sơ? Hơn nữa lúc đó tôi là người chưa thành niên thì việc tra khảo, đánh đập lại càng phải được giấu kín chứ” - ông Mười ngửa mặt chua chát.
Chỉ cho tôi xem những vết thương trên đầu, vai, bụng…, ông Mười nói ban đầu CQĐT cho rằng những vết thương này là do ông… té xe bò. Sau một thời gian dài xác minh, tìm kiếm nhân chứng không có, CQĐT đã truy ông theo hướng khác. Cụ thể, vì ông sinh năm 1956 nhưng khai sinh là năm 1960 như hồ sơ mang bí số BB/4275/BT đã nêu, CQĐT bèn gửi quyết định trưng cầu giám định tới Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) để xác định tuổi của ông. Tuy nhiên, Viện Khoa học hình sự đã có văn bản từ chối giám định, cho biết đối với lứa tuổi đã trưởng thành như ông Mười thì độ chính xác của kết quả giám định dao động lên đến 5-10 năm.
“Năm 2010, sau khi TAND huyện Hàm Thuận Bắc kết án tôi, mấy buổi sáng liền đài truyền thanh huyện cứ đọc ra rả bản án khiến hai đứa con tôi phải nghỉ học vì quá xấu hổ. Chưa hết, khi không có chứng cứ để kết luận tôi khai man vết thương, lúc nào làm việc với tôi, các điều tra viên, kiểm sát viên cũng nói “ông đi chăn bò chứ hoạt động cách mạng gì”, “vô tù ham ăn giành ăn bị đánh bể đầu chứ ai mà tra tấn”... Lúc đó, tôi chỉ biết lặng im mà khóc vì uất ức. Chẳng lẽ chỉ vì lúc đó tôi là một đứa chăn bò nên họ không tin?” - ông Mười chua chát kể lại.
Ông Mười khẳng định vẫn khiếu nại Báo cáo trả lời chất vấn trong kỳ họp HĐND tỉnh Bình Thuận cuối năm 2015, VKSND tỉnh Bình Thuận cho biết năm 2012, VKSND huyện Hàm Thuận Bắc đã ra quyết định bác đơn khiếu nại, kêu oan của ông Mười và nêu rõ là quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng. Tuy nhiên, ông Mười vẫn làm đơn khiếu nại gửi đi nhiều nơi. Sau đó, VKS tỉnh thấy việc đình chỉ vụ án, bị can cũng như giải quyết khiếu nại của công an, VKSND huyện Hàm Thuận Bắc là có căn cứ, đúng pháp luật nên có văn bản trả lời và ông Mười không còn khiếu nại nữa. Tuy nhiên, theo ông Mười, ông đã khiếu nại liên tục và hiện vẫn đang tiếp tục khiếu nại kêu oan bởi bản án kết tội ông dù đã bị hủy vẫn là nỗi oan thấu trời, là vết nhơ của gia đình, dòng họ. ___________________________________ Hành vi phạm tội, lúc nào mà không nguy hiểm? Vụ của ông Mười chỉ là một trong hàng chục vụ người dân khiếu nại kêu oan, cho rằng cơ quan tố tụng lạm dụng khoản 1 Điều 25 BLHS để né trách nhiệm bồi thường mà Pháp Luật TP.HCM từng phản ánh. Tất cả vụ án này đều có chung một công thức là cơ quan tố tụng nóng vội xử lý hình sự, đến khi không thể chứng minh được tội trạng của nghi can thì viện dẫn khoản 1 Điều 25 BLHS để miễn trách nhiệm hình sự và đình chỉ điều tra. Theo quy định, trường hợp miễn trách nhiệm hình sự không phải là oan và người được miễn trách nhiệm hình sự không được bồi thường, công khai xin lỗi. Khoản 1 Điều 25 BLHS quy định: “Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự, nếu khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa”. Cả về khoa học pháp lý hình sự lẫn thực tiễn xét xử, điều khoản trên luôn được hiểu là do có sự thay đổi về quy định của pháp luật nên hành vi phạm tội hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. Ví dụ: BLHS 1985 quy định trộm từ 500.000 đồng trở lên là phạm tội, BLHS 1999 quy định trộm từ 2 triệu đồng trở lên mới phạm tội. Khi BLHS 1999 có hiệu lực thì hành vi trộm cắp dưới 2 triệu đồng (mà không có các yếu tố cấu thành tội phạm khác) sẽ không còn bị coi là tội phạm. Như vậy, trường hợp trên hoàn toàn khác với trường hợp chính sách pháp luật không có gì thay đổi (như vụ của ông Mười) nhưng vì không thể kết tội được nên lấy lý do là hành vi không còn nguy hiểm cho xã hội nữa để đình chỉ điều tra. Việc các cơ quan tố tụng lạm dụng khoản 1 Điều 25 BLHS để “đối phó” với người mà mình không thể kết tội được đã gây nhiều bức xúc trong dư luận. Thậm chí đã có những đại biểu Quốc hội nêu vấn đề này ra chất vấn lãnh đạo các cơ quan tố tụng trung ương tại kỳ họp Quốc hội. Tuy nhiên, rất hiếm hoi mới có vụ người dân được thừa nhận là oan như hai vụ dưới đây: Vụ thứ nhất, tháng 11-2012, Công an huyện Châu Thành (Tiền Giang) đình chỉ điều tra với lý do hành vi phạm tội của anh Nguyễn Minh Sang không còn nguy hiểm cho xã hội nữa (khoản 1 Điều 25 BLHS). Sau khi Pháp Luật TP.HCM có bài phân tích lý do đình chỉ điều tra không đúng, VKSND Tối cao đã yêu cầu VKSND tỉnh Tiền Giang xem xét lại. Sau đó, Công an huyện Châu Thành đã ra quyết định “đính chính” lý do đình chỉ điều tra là hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm theo điểm b khoản 2 Điều 164 BLTTHS. Tháng 7-2014, TAND huyện Châu Thành đã tuyên chính mình phải bồi thường cho anh Sang hơn 95 triệu đồng và xin lỗi công khai vì từng kết án oan anh chín tháng tù về tội trộm cắp tài sản. Vụ thứ hai, tháng 6-2014, VKSND huyện Bắc Bình (Bình Thuận) đã ra quyết định đình chỉ điều tra đối với anh Mai Văn Hà với lý do “do chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa” (khoản 1 Điều 25 BLHS). Anh Hà khiếu nại nhưng bị VKS tỉnh bác đơn. Sau khi Pháp Luật TP.HCM phản ánh và Ban Pháp chế HĐND tỉnh Bình Thuận, Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị Bình Thuận có ý kiến, tháng 11-2015, anh Hà đã nhận được quyết định đình chỉ điều tra theo điểm b khoản 2 Điều 164 BLTTHS (đã hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm). Hiện anh Hà đang yêu cầu VKSND huyện Bắc Bình xin lỗi, bồi thường. |