Tất nhiên, các ý kiến không đòi trả đũa khắc nghiệt như câu ngạn ngữ mà mong muốn những người xử oan phải chịu trách nhiệm tương xứng với hành vi và hậu quả đã gây ra.
Ông Nén được xem là “người tù thế kỷ” khi bị các cơ quan tố tụng Bình Thuận kết án oan cả hai vụ án giết người. Trong đó, một vụ ông bị kết án năm năm, một vụ ông bị kết án chung thân. Ông phải thụ án hơn 17 năm thì mới được trả tự do và được minh oan. Hiện tại, ngoài việc đòi bồi thường, ông Nén còn yêu cầu khởi tố 14 cá nhân ở các cơ quan tố tụng đã gây ra nỗi oan cho ông về các tội dùng nhục hình, bức cung, truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội, ra bản án trái pháp luật…
Đến giờ thì đã rõ nỗi oan của ông Nén bắt đầu từ hành vi trái pháp luật của một số cá nhân trong giai đoạn điều tra, khi họ thực hiện việc ép cung, nhục hình đối với ông, làm cho ông buộc phải khai nhận hành vi phạm tội mà mình không thực hiện. Rồi từ chỗ không thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ luật định, VKS, tòa án đã không phát hiện được các sai sót liên quan nên vẫn ra cáo trạng truy tố, phân công người giữ quyền công tố và xử tội oan cho ông.
Theo BLTTHS, HĐXX phải trực tiếp xác định những tình tiết của vụ án; xem xét, kiểm tra tài liệu, chứng cứ đã thu thập; tiến hành hoạt động tố tụng khác để kiểm tra chứng cứ… Vậy HĐXX vụ án ông Nén có thực hiện mọi biện pháp có thể để làm sáng tỏ sự thật của vụ án? Họ có đưa tất cả chứng cứ, tài liệu, đồ vật để xem xét tại phiên tòa? Bản án đã tuyên có căn cứ vào tất cả chứng cứ đã được thẩm tra tại phiên tòa hay không?... Nếu họ không làm hết phận sự mà chỉ đơn thuần dựa vào hồ sơ buộc tội cùng lời nhận tội để kết án oan thì lỗi này họ khó chối bỏ. Họ phải chịu trách nhiệm tương ứng với mức độ lỗi của họ trước pháp luật chứ không thể chỉ là bị phê bình trong cơ quan tòa. Đây là cách thức mà Cơ quan điều tra VKSND Tối cao đã áp dụng để khởi tố nguyên Thẩm phán TAND Tối cao Phạm Tuấn Chiêm (chủ tọa phiên tòa phúc thẩm xử oan ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang) về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Lý lẽ là vậy nhưng đối với trường hợp cụ thể của ông Nén thì lại có sự băn khoăn về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự các cá nhân về một số tội tương ứng. Và khi thời hiệu này đã hết thì thời hiệu xử lý kỷ luật càng không còn.
Có không ít mối ngờ vụ này đã có sự kéo dài thời gian ra quyết định đình chỉ điều tra ông Nén sau khi có quyết định tái thẩm của Tòa Hình sự TAND Tối cao. Mục đích của việc kéo dài này là để chờ hết thời hiệu truy cứu hình sự những người làm oan, để hết thảy được thoát trách nhiệm. Nếu đúng vậy thì Cục Điều tra VKSND Tối cao cần điều tra, xem xét thấu đáo điều này khi xử lý nhằm đảm bảo lẽ công bằng cho người bị oan.