Tại cuộc họp báo thường kỳ quý IV của Bộ Tư pháp sáng 31-12-2015, Phó Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước Trần Việt Hưng cho biết ngày 29-12 -2015 Cục đã nhận được đơn đề nghị nhận tạm ứng bồi thường 1 tỉ đồng của ông Huỳnh Văn Nén.
Tuy nhiên, ông Hưng cho biết pháp luật hiện hành không quy định về việc trước khi thụ lý hồ sơ yêu cầu bồi thường, cơ quan nhà nước tạm ứng kinh phí cho người bị oan. Việc tạm ứng chỉ được thực hiện khi người bị oan nộp đầy đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan chịu trách nhiệm bồi thường và người bị oan đã thỏa thuận xong về số tiền thiệt hại, cơ quan chịu trách nhiệm bồi thường ra quyết định giải quyết bồi thường và số tiền nằm trong mức kinh phí cho phép thường xuyên của cơ quan phải bồi thường. Sau đó cơ quan này sẽ lập hồ sơ đề nghị Bộ Tài chính hoàn trả tiền đã cấp.
Ông Huỳnh Văn Nén (giữa) bên người thân trong ngày được trả tự do. Ảnh: PHƯƠNG NAM
“Liên quan đến vụ việc ông Huỳnh Văn Nén, chúng tôi đang đề xuất xử lý theo hướng đề nghị cơ quan tố tụng chủ động giải quyết bồi thường đối với những thiệt hại đã được xác định trong luật. Ví dụ như số tiền bồi thường đối với thời gian bị giam giữ, với cách tính một ngày tù bằng ba ngày lương tối thiểu” - ông Hưng cho biết.
Với những thiệt hại phải chứng minh thêm như chi phí khiếu nại, tố cáo, chi phí chứng minh mình bị oan…, người thiệt hại tiếp tục thu thập chứng cứ, khi đủ thì lập hồ sơ gửi cơ quan có trách nhiệm giải quyết bồi thường.
Đối với vụ án “Vườn điều” mà ông Nén bị oan, theo ông Hưng, năm 2006 cơ quan tố tụng đã tổ chức xin lỗi chín người bị oan nhưng thời điểm đó ông Nén vẫn ở trong tù. Vừa qua TAND tỉnh Bình Thuận tổ chức xin lỗi ông Nén thì có xin lỗi ông cả về vụ án “Vườn điều”.
Ông Hưng cho biết hiện TAND Tối cao cũng đang vướng mắc trong việc hướng dẫn do không có điều khoản chuyển tiếp nào hướng dẫn việc trước khi có Nghị quyết 388 và Nghị định 47 xảy ra trường hợp oan như vụ ông Nén.
“Điều 66 của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước về điều khoản chuyển tiếp chỉ quy định các trường hợp yêu cầu bồi thường đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thụ lý nhưng chưa giải quyết hoặc đang giải quyết theo Nghị quyết số 388 hoặc Nghị định số 47 (trước ngày luật này có hiệu lực thi hành) thì tiếp tục áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật đó để giải quyết.
Các trường hợp được bồi thường theo Nghị quyết số 388 và Nghị định số 47, đến thời điểm luật này có hiệu lực mà còn thời hiệu theo quy định của các văn bản này nhưng chưa yêu cầu Nhà nước bồi thường hoặc đã yêu cầu nhưng chưa được thụ lý,thì áp dụng các quy định của luật này để giải quyếtˮ - ông Hưng nói.
Nếu cấp sai sẽ thu hồi thẻ luật sư của ông Cao Văn Hùng Về việc nguyên điều tra viên Cao Văn Hùng (một trong những người làm oan ông Nén) được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư nhưng có thông tin khai man lý lịch, Cục Bổ trợ tư pháp - Bộ Tư pháp cho hay đã nhận được phản ánh và đang phối hợp cùng các cơ quan liên quan xác minh. Nếu trường hợp ông Hùng rơi vào một trong các trường hợp phải thu hồi thẻ luật sư thì Cục sẽ phối hợp với cơ quan liên quan thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Nguyễn Thị Mai khẳng định quá trình thẩm tra hồ sơ trước khi cấp thẻ luật sư cho ông Hùng, Cục không nhận được thư tố cáo hay thông tin bất lợi nào về ông Hùng. |