Tại buổi làm việc với ông Nén, cơ quan này còn mời thêm hai nhân chứng là ông Nguyễn Thận, người mà trong suốt 17 năm ròng rã đi kêu oan cho ông Nén; cụ Huỳnh Văn Truyện, cha ruột ông Nén và các luật sư Nguyễn Quynh, Phạm Công Út đang hỗ trợ pháp lý cho ông Nén.
Ông Huỳnh Văn Nén, cụ Huỳnh Văn Truyện và ông Nguyễn Thận và các luật sư tại cơ quan VKSND Tối cao phía Nam.
“Ngoài những nội dung đơn tố cáo đã đề cập, ông Nén còn liệt kê ra danh sách 14 người đã tham gia điều tra, truy tố và xét xử ông Nén trong suốt quá trình tố tụng của cả hai vụ án vườn điều (giết bà Dương Thị Mỹ) và vụ án giết bà Lê Thị Bông xảy ra ở xã Tân Minh, huyện Hàm Tân, Bình Thuận” - ông Nguyễn Thận cho biết.
Trong đơn cũng nêu cụ thể những chức danh người tiến hành tố tụng có liên quan cần phải xem xét gồm các điều tra viên, thủ trưởng cơ quan điều tra ký kết luận điều tra, kiểm sát viên, lãnh đạo VKS ký cáo trạng, thẩm phán xét xử cấp sơ thẩm. Trong đó, ông Nén và gia đình nêu đích danh hai điều tra viên (Cao Văn Hùng, Đinh Kỳ Đáp) là những người đã điều tra vụ án vườn điều và vụ án bà Lê Thị Bông. Ông Nén đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự những người này.
Ông Thận và luật sư Phạm Công Út trao đổi với nhau trước buổi là việc với VKSND Tối cao phía Nam.
Gia đình ông Nén đề nghị xem xét những người tiến hành tố tụng trên về các hành vi: Lạm quyền trong khi thi hành công vụ, truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội, ra bản án trái pháp luật, dùng nhục hình, bức cung, làm sai lệch hồ sơ vụ án.
Theo một nguồn tin của Pháp Luật TP.HCM cho biết sau khi VKSND Tối cao phía Nam thụ lý đơn tố cáo của ông Nén, Cục Điều tra đã phân công cán bộ tiếp nhận thông tin và xác minh vụ việc để làm rõ những nội dung tố cáo của ông Nén.
Theo đơn của ông Nén và những người của gia đình vợ ông, sau khi được minh oan trong vụ án vườn điều, họ đã có đơn yêu cầu các cơ quan pháp luật ở trung ương và tỉnh Bình Thuận xử lý theo pháp luật những cán bộ đã gây oan sai nhưng đến nay chưa thấy giải quyết.