Ông Bộ đặt vấn đề: “Chúng ta đi thanh tra, kiểm tra ở đâu cũng quân hùng tướng mạnh, có ô tô, còi hú nhưng có hiệu quả bằng một bài báo, một phóng viên không? Ta phải so sánh như thế về tính hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN)”.
Lấy ví dụ trong báo cáo giám sát các công trình giao thông đầu tư theo hình thức BOT của Ủy ban Kinh tế công bố vừa qua, ông Bộ nói Báo cáo này không chỉ ra trách nhiệm của Bộ ngành nào cả. Như vậy là mất thế trận lòng dân. "Nguy hiểm ở chỗ giờ có cán bộ nào bị phát hiện tham nhũng là dân mừng vui. Giờ phải nhìn rõ vào sự thật, nói thẳng sự thật, không né tránh thì mới chống được tham nhũng”- ông Bộ nói.
Ủy viên thường trực Uỷ ban Quốc phòng an ninh Nguyễn Mai Bộ cho ý kiến về báo cáo phòng, chống tham nhũng. Ảnh: T.Phú
Góp ý kiến, Phó Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực cũng đề nghị nên công khai các kết luận thanh tra, đấu thầu để người dân, cộng đồng tham gia vào giám sát việc PCTN.
“Việc công khai kết luận thanh tra rất cần thiết để đấu tranh PCTN. Nhưng nhiều ý kiến lại e ngai công khai kết luận thanh tra sẽ làm tình hình phức tạp. Không công khai sao người dân, cộng đồng giám sát được? Cái này luật đã quy định rồi, cần phải cần phải có chỉ đạo mạnh hơn trong thời gian tới”, ông Thực nói.
Báo cáo PCTN năm 2017 của Thanh tra Chính phủ cho hay qua kiểm tra tại 3.622 cơ quan tổ chức đơn vị, đã phát hiện 22 đơn vị có vi phạm về tham nhũng như còn tình trạng lạm dụng quy định về bí mật nhà nước để không công khai những nội dung cần phải công khai, minh bạch hoặc thu hẹp đối tượng, hình thức công khai, gây khó khăn cho việc tiếp cận thông tin của người dân và doanh nghiệp.
Về minh bạch tài sản, thu nhập, số người đã kê khai tài sản, thu nhập năm 2016 là hơn 1,1 triệu người, tỷ lệ kê khai và công khai đều trên 99,8%. Trong đó có 77 người được xác minh tài sản, thu nhập, bao gồm Bộ NN&PTNT, Quốc phòng, Công Thương, Thành phố Hà Nội, Yên Bái, Đồng Nai.
Phiên họp của Ủy ban Tư pháp cho ý kiến về Báo cáo phòng, chống tham nhũng năm 2017 của Chính phủ. Ảnh: T.Phú
Thanh tra Chính phủ chỉ rõ qua việc xác minh tài sản, thu nhập của cơ quan có thẩm quyền thì đã phát hiện và xử lý 3 trường hợp vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập, trong đó có cả cán bộ cấp cao. Trường hợp cụ thể đó là những ai thì không được chỉ rõ.
Báo cáo cũng cho biết năm 2017, có 25 trường hợp người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng bị xử lý kỷ luật, trong đó nhiều nhất là tỉnh Kiên Giang với 9 người, hay An Giang 4 người, Hậu Giang 3 người, Bộ Tài chính 2 người…
Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng có tác dụng đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong PCTN. Tuy nhiên, theo Thanh tra Chính phủ, trong quá trình triển khai vẫn còn lúng túng việc xác định mức độ trách nhiệm của người đứng đầu, hoặc trong trường hợp sai phạm liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều cơ quan, đơn vị, bộ phận.
Qua thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, ngành thanh tra đã phát hiện 76 vụ, 141 đối tượng có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham nhũng.
Các vụ án, vụ việc tham nhũng năm 2017 gây thiệt hại trên 1.351 tỷ đồng. Đã thu hồi, kê biên 158,8 tỷ đồng, 314 nghìn USD, 4 căn nhà, 1 căn hộ chung cư. Tổng Cục thi hành án dân sự đã thụ lý mới 128 vụ việc thuộc nhóm tội tham nhũng, tương đương với số tiền hơn 5.110 tỷ đồng; đã giải quyết xong 86 vụ việc, tương đương với số tiền hơn 1 nghìn tỷ đồng.