Chương trình khảo sát của các đoàn dự kiến kéo dài trong vòng một tuần.
Trước đó, ngày 25-7, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đã ký ban hành Kế hoạch 770 về việc thực hiện việc khảo sát. Theo đó, việc khảo sát nhằm chuẩn bị cho việc thẩm tra các báo cáo năm 2017 của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án và công tác PCTN, báo cáo công tác 2017 của chánh án TAND Tối cao, viện trưởng VKSND Tối cao, thẩm tra dự án Luật PCTN sửa đổi, Ủy ban Tư pháp sẽ khảo sát ở một số tỉnh và một số trại giam thuộc Bộ Công an.
Về công tác PCTN, Ủy ban Tư pháp sẽ khảo sát kết quả xét xử các vụ án tham nhũng của tòa án, việc triển khai, thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, kết quả công tác phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, việc phát hiện tham nhũng thông qua công tác thanh tra, tự kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đánh giá tình hình tham nhũng tại địa phương, hiệu quả của công tác PCTN; những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật làm hạn chế hiệu quả PCTN.
Một nội dung khác của việc khảo sát của Ủy ban Tư pháp là tình hình oan, sai trong tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, trong hoạt động thi hành án và việc chấp hành pháp luật về bồi thường thiệt hại theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Có bốn đoàn khảo sát được thành lập. Một đoàn sẽ khảo sát trực tiếp tại Bắc Giang, Bắc Ninh và Trại giam Ngọc Lý. Một đoàn sẽ khảo sát trực tiếp tại Đắk Lắk, Lâm Đồng và Trại giam Đại Bình. Một đoàn sẽ khảo sát trực tiếp tại Tây Ninh, Long An và Trại giam Thạnh Hòa. Một đoàn sẽ khảo sát trực tiếp tại Bạc Liêu, Bến Tre và Trại giam Châu Bình.