Ngày 4-8, ông Hồ Quang Bửu (Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, Quảng Nam) cho biết nông dân huyện này vừa bán hơn 1 tạ sâm Ngọc Linh thu về trên 8,3 tỉ đồng chỉ trong ba ngày (từ ngày 1 đến 3-8).
Nhiều nông dân miền núi Nam Trà My của Quảng Nam trở thành tỉ phú nhờ sâm Ngọc Linh. Ảnh: NTM
“Hiện nay, tỉnh Quảng Nam đã quy hoạch trên 15.000 ha để trồng sâm. Phong trào trồng sâm trong nhân dân phát triển mạnh mẽ, số hộ trồng sâm tăng lên đến 1.500 hộ với diện tích trồng là 1.600 ha tại 7/10 xã được quy hoạch", ông Bửu nói.
Theo ông Bửu, giá cả cây sâm Ngọc Linh không ngừng tăng lên; các nhà khoa học, các doanh nghiệp đã tập trung vào việc đầu tư nghiên cứu áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng sâm, sản xuất sản phẩm từ sâm.
Đặc biệt, trồng sâm đi đôi với công tác bảo vệ và phát triển rừng, vì cây sâm chỉ sống dưới tán rừng nguyên sinh.
Chủ tịch huyện miền núi heo hút Nam Trà My Hồ Quang Bửu tiết lộ, chỉ trong 3 ngày đã có trên 10.000 người dân, du khách tới huyện này để tham quan và mua sâm Ngọc Linh.
“Khoảng 110 kg sâm được bán đứt, nông dân huyện tôi thu về trên 8 tỉ đồng”, ông Bửu nói.
Được biết, trong ba ngày qua, huyện này tổ chức luôn Hội thi sâm Ngọc Linh với 32 hộ dân trồng sâm với 354 cây tham gia. Trong đó, sâm loại 1 năm tuổi là 150 cây; sâm loại từ 5-10 năm tuổi là 115 cây và sâm loại trên 10 năm tuổi là 89 cây.
Huyện này còn tổ chức rước cả biểu tượng cây sâm Ngọc Linh từ địa điểm trồng sâm là thôn 2 (xã Trà Linh) đi qua các xã Trà Linh, Trà Nam, Trà Don và khu trung tâm hành chính huyện.
Ông Bửu cho hay mặc dù là huyện miền núi nhưng nông dân của huyện quản lý sở hữu tiền tỉ đếm không xuể. Những tỉ phú này đều là người nông dân trồng sâm Ngọc Linh.
(PLO)- Không có chuyện sâm giả xuất hiện tại hội chợ sâm Ngọc Linh, còn phía ngoài phiên chợ thì không chắc chắn được vì người dân bán mua không báo cáo.