Nồng độ cồn của nữ sinh tử vong ở Ninh Thuận 'được xem là không có gì'

(PLO)- UBND tỉnh Ninh Thuận yêu cầu khẩn trương điều tra, xác minh kết quả kiểm tra nồng độ cồn của nữ sinh lớp 12 mà báo Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh.

Ngày 1-8, nguồn tin Pháp Luật TP.HCM xác nhận ông Phan Tấn Cảnh (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận) vừa ký văn bản yêu cầu công an tỉnh, các sở khẩn trương điều tra, xác minh kết quả kiểm tra nồng độ cồn và giải quyết đơn khiếu nại của gia đình cháu Hồ Hoàng Anh.

Công văn của UBND tỉnh Ninh Thuận dẫn bài báo “Gia đình nữ sinh tử vong yêu cầu giám định lại nồng độ cồn” đăng trên báo Pháp Luật TP.HCM ngày 27-7. Bài báo phản ánh việc ông Hồ Hoàng Hùng đã gửi đơn khiếu nại đến lãnh đạo tỉnh, các cơ quan chức năng tỉnh về vụ tai nạn làm con gái ông là cháu Hồ Hoàng Anh tử vong.

Yêu cầu xác minh kết quả kiểm tra nồng độ cồn

Theo ông Hùng, con gái ông đã tử vong sau khi va chạm với ô tô do ông Hoàng Văn Minh điều khiển trên đường 16/4, TP Phan Rang - Tháp Chàm vào sáng 28-6. Ngày 13-7, gia đình ông nhận được thông báo của Cơ quan CSĐT Công an TP Phan Rang - Tháp Chàm cho biết kết quả kiểm tra nồng độ cồn của cháu Hồ Hoàng Anh là 0,79 mg/100 ml máu. Đồng thời, UBND tỉnh đã nhận được đơn khiếu nại của ông Hùng về việc làm sai lệch hồ sơ.

Cơ quan điều tra thực nghiệm lại hiện trường vụ tai nạn làm nữ sinh tử vong. Ảnh: ĐK

Thực hiện đầy đủ

các quy trình điều tra

Theo Thượng tá Hà Công Sơn (Phó Trưởng Công an TP Phan Rang - Tháp Chàm), vụ tai nạn giao thông liên quan đến nữ sinh Hồ Hoàng Anh đã được cơ quan điều tra thực hiện đầy đủ các quy trình điều tra một cách chặt chẽ.

Ban đầu, lực lượng CSGT tiếp cận hiện trường, đề nghị BV đa khoa tỉnh Ninh Thuận lấy mẫu xét nghiệm nồng độ cồn của nạn nhân và tài xế theo quy định.

Sau khi xác định ông Hoàng Văn Minh lái ô tô liên quan đến vụ tai nạn là cán bộ của một đơn vị quân đội, Công an TP Phan Rang - Tháp Chàm đã liên hệ ngay với cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng để thụ lý theo thẩm quyền.

Cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng đã đề nghị Công an TP Phan Rang - Tháp Chàm hỗ trợ công tác điều tra ban đầu. Cơ quan điều tra tiến hành thực nghiệm lại hiện trường, khám các phương tiện, trích xuất camera có sự tham gia của VKS và các bên liên quan.

UBND tỉnh Ninh Thuận giao công an tỉnh chủ trì, phối hợp cùng Sở Y tế, các cơ quan chức năng có liên quan khẩn trương tiến hành các biện pháp nghiệp vụ nghiêm túc, điều tra, xác minh chặt chẽ, kỹ lưỡng, chính xác đối với kết quả kiểm tra nồng độ cồn của cháu Hồ Hoàng Anh. Cùng với đó là xem xét các nội dung được ông Hùng nêu cụ thể trong đơn để xử lý vụ việc đảm bảo khách quan, chính xác, đúng quy định của pháp luật; báo cáo kết quả cho UBND tỉnh trước ngày 10-8.

Trả lời Pháp Luật TP.HCM, Thượng tá Hà Công Sơn (Phó Trưởng Công an TP Phan Rang - Tháp Chàm) cho hay sau khi nhận kết quả xét nghiệm nồng độ cồn của BV đa khoa tỉnh Ninh Thuận, Công an TP Phan Rang - Tháp Chàm đã mời gia đình nạn nhân đến thông báo kết quả và thông tin về việc cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng thụ lý vụ việc.

Công an TP Phan Rang - Tháp Chàm chỉ thông báo kết quả xét nghiệm của nạn nhân cho gia đình nạn nhân. Còn kết quả xét nghiệm của người điều khiển ô tô thì thông báo cho ông Hoàng Văn Minh. “Chúng tôi có đề nghị gia đình nếu có kiến nghị về kết quả xét nghiệm thì kiến nghị để cơ quan điều tra có cơ sở làm văn bản với bệnh viện” - Thượng tá Sơn nói.

Sau khi nhận được khiếu nại của gia đình, Công an TP Phan Rang - Tháp Chàm đã có văn bản đề nghị BV đa khoa tỉnh Ninh Thuận rà soát quy trình xét nghiệm nồng độ cồn đối với nạn nhân. Cơ quan công an cũng tiến hành xác minh thông tin về nạn nhân trước thời điểm xảy ra vụ tai nạn.

“Hiện nay, chúng tôi đang xác minh kết quả nồng độ cồn đúng hay sai. Chúng tôi sẽ xử lý theo đúng quy định nếu xảy ra sai sót, không dung túng người vi phạm” - Thượng tá Sơn nói.

Nồng độ cồn nội sinh do thức ăn lên men

Cùng ngày, ông Bùi Văn Kỳ (Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Ninh Thuận) cho biết BV đa khoa tỉnh Ninh Thuận vừa có báo cáo liên quan đến kết quả xét nghiệm đối với nữ sinh này.

Vị trí xảy ra vụ tai nạn. (Ảnh cắt từ clip)

Theo ông Kỳ, BV đa khoa tỉnh được Công an TP Phan Rang - Tháp Chàm yêu cầu lấy mẫu kiểm tra nồng độ cồn của nạn nhân khi đưa vào cấp cứu do tai nạn giao thông theo quy định của pháp luật. Trường hợp nữ sinh Hồ Hoàng Anh phải lấy mẫu máu. “Bệnh nhân đã tử vong thì sẽ do Trung tâm Pháp y lấy mẫu. Trường hợp nữ sinh này đang cấp cứu nên bệnh viện đã lấy mẫu” - ông Kỳ thông tin.

Giải thích về nồng độ cồn trong máu của nữ sinh lớp 12, ông Kỳ nói theo hướng dẫn của Bộ Y tế, có những người tham gia giao thông không uống rượu bia nhưng trong người vẫn có nồng độ cồn, đó là cồn sinh học. Phó giám đốc Sở Y tế dẫn Quyết định 320 của Bộ Y tế quy định xét nghiệm có kết quả nồng độ cồn trong máu dưới 0,5023 mg/ml thì được coi là không có nồng độ cồn.

Theo ông Kỳ, các thức ăn như trái cây, sữa chua hay đồ uống nước ngọt có ga cũng có thể sinh ra nồng độ cồn nội sinh. Ông quy đổi kết quả nồng độ cồn của nữ sinh trên là 0,79 mg/100 ml máu tương đương với 0,0079 mg/ml, coi như bình thường.

Sở Y tế sẽ có văn bản báo cáo UBND tỉnh Ninh Thuận các quy chuẩn xét nghiệm. Ông Kỳ cho rằng BV đa khoa tỉnh Ninh Thuận đã làm đúng quy trình, kiểm soát kỹ. “Không có việc bệnh viện tráo mẫu xét nghiệm, hôm đó chỉ có hai mẫu xét nghiệm” - ông Kỳ nói.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Chương (Phó Giám đốc Trung tâm Pháp y tỉnh Ninh Thuận) cho biết đơn vị chỉ trưng cầu giám định bên ngoài đối với nạn nhân theo nguyện vọng của gia đình.

“Chúng tôi tham gia giám định khi có quyết định trưng cầu của cơ quan công an. Vụ việc nữ sinh Hoàng Anh, cơ quan công an không yêu cầu làm nồng độ cồn. Nếu chúng tôi làm sẽ có mẫu đối chứng” - ông Chương nói.

Cần xác định rõ nguyên nhân xảy ra tai nạn

Nêu quan điểm về vụ việc, ThS - luật sư (LS) Nguyễn Đức Thắng Ý (Đoàn LS TP.HCM) cho biết: Về nồng độ cồn trong máu của nữ sinh (nếu có) tại thời điểm xảy ra tai nạn, trước hết, cần xác định kết quả nồng độ cồn trong máu có vượt quá 0,5023 mg/ml hay không.

Quyết định 320 của Bộ Y tế quy định xét nghiệm có kết quả nồng độ cồn trong máu dưới 0,5023 mg/ml thì được coi là không có nồng độ cồn. Nếu quy đổi kết quả nồng độ cồn của nữ sinh này là 0,79 mg/100 ml máu tương đương với 0,0079 mg/ml thì xem như bình thường.

Giả sử trong trường hợp nữ sinh này điều khiển mô tô, xe máy trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25 mg/1 lít khí thở thì cũng chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ với mức phạt 2-3 triệu đồng theo quy định tại điểm c khoản 6 Điều 6 Nghị định 100/2019.

Theo ThS-LS Ý, trong vụ này, khi xảy ra tai nạn, các cơ quan chức năng phải xác định ai là người thực hiện hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ dẫn đến gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản cho người khác.

Hậu quả trong vụ tai nạn này làm nữ sinh tử vong, không thể lấy kết quả nồng độ cồn trong máu của nữ sinh để xác định mối quan hệ nhân quả với hậu quả tai nạn xảy ra. Nói cách khác, cần phải xác định rõ nguyên nhân xảy ra tai nạn và ai là người vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ dẫn đến hậu quả nêu trên.

“Nếu cơ quan chức năng xác định người lái ô tô có hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ dẫn đến làm chết người thì phải xác định nữ sinh này có lỗi hay không. Trong trường hợp nữ sinh đi đúng, việc gây tai nạn hoàn toàn do tài xế ô tô gây ra nhưng trong người nạn nhân có nồng độ cồn trong máu thì phải xác định nồng độ cồn này có vượt quá mức pháp luật quy định hay không. Tùy từng trường hợp để xác định bị hại có lỗi hay không để làm căn cứ giải quyết vụ việc.

Trong trường hợp vụ việc được khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử, nếu bị hại được xác định có một phần lỗi thì đó chỉ là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho người phạm tội” - ThS-LS Ý nhận định.

MINH CHUNG ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới