Tình hình chiến sự
Ngày 4-8, Ukraine cho biết lực lượng nước này đã buộc phải rút lui ở một số khu vực phía đông trước đà tiến công liên tục của Nga, theo hãng tin Reuters.
Theo Ukraine, quân Nga đã tiến hành 2 cuộc tấn công vào thị trấn Pisky (tỉnh Donetsk) nhưng lực lượng Ukraine đã đẩy lui được. Đây là thành lũy quan trọng mà Ukraine luôn củng cố phòng thủ chống lại lực lượng thân Nga trong suốt 8 năm qua.
Tuy nhiên, phía Kiev cũng cho biết dù tái chiếm được 2 ngôi làng quanh TP Sloviansk (tỉnh Donetsk) nhưng đã bị đẩy lùi về TP Avdiivka sau khi buộc phải rút lui khỏi một mỏ than được coi là vị trí phòng thủ then chốt.
|
Lính Ukraine trên chiếc xe tải chở tên lửa của hệ thống tên lửa Bureviy ở tỉnh Kharkiv ngày 4-8. Ảnh: REUTERS |
Cố vấn Tổng thống Ukraine - ông Oleksiy Arestovych cho biết ý đồ của Nga trong vài tuần tới sẽ là gây áp lực quân sự lên Ukraine ở các tỉnh phía đông là Donetsk, Luhansk và Kharkiv.
Theo phía Kiev, việc Nga tấn công dồn dập vào miền đông Ukraine có thể là một nỗ lực nhằm buộc Ukraine phải chuyển quân từ phía nam lên để đánh chặn.
Trong lúc đó ở miền nam, quân Ukraine đang cố gắng phản công để chiếm lại lãnh thổ, còn quân Nga cũng tích cực xây dựng lực lượng và có khả năng là sẽ phản công ở tỉnh Kherson.
Động thái mới từ các bên
. Ngày 4-8, Tổ chức Ân xá Quốc tế cáo buộc Ukraine gây nguy hiểm cho dân thường khi thiết lập căn cứ quân sự, vận hành vũ khí trong các khu dân cư đông đúc ở một số khu vực tiền tuyến ở phía đông và nam Ukraine từ tháng 4 đến tháng 7, theo Reuters.
Tổng thư ký của tổ chức này - bà Agnès Callamard nói rằng Ukraine đã vi phạm luật chiến tranh khi hoạt động trong các khu vực đông dân cư, đồng thời kêu gọi chính quyền Kiev bố trí lực lượng xa khu dân cư hoặc sơ tán người dân trước.
. Đáp lại, Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky cáo buộc Tổ chức Ân xá Quốc tế tiếp tay cho chiến dịch quân sự của Nga và nói rằng tổ chức này đang đổ trách nhiệm lên nạn nhân của chiến sự.
|
Lính cứu hỏa làm việc tại một khu vực bị phá hủy do giao tranh ở tỉnh Kharkiv hôm 2-8. Ảnh: REUTERS |
Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine - ông Dmytro Kuleba cũng tỏ ra rất bức xúc khi đọc báo cáo này. Ông cho rằng báo cáo này của Tổ chức Ân xá không phải là tìm kiếm và truyền đạt sự thật cho thế giới, đồng thời kêu gọi tổ chức này ngưng tạo ra một điều sai trái.
. Ngày 4-8, Nhà Trắng nói rằng theo thông tin tình báo mới nhất, Nga đang nỗ lực tạo bằng chứng giả, đổ lỗi cho Ukraine chịu trách nhiệm về cuộc pháo kích vào nhà tù ở làng Olenivka (tỉnh Donetsk) hôm 29-7 khiến 53 người chết và hàng chục người bị thương, theo hãng tin AP.
Theo một quan chức cấp cao phương Tây giấu tên, các chuyên gia về chất nổ đã xem xét các bức ảnh về nhà tù sau vụ pháo kích và khẳng định vụ việc khó có thể do cuộc tấn công bằng chất nổ từ bên ngoài mà có nhiều khả năng là cháy từ bên trong.
Trước đó, Nga cáo buộc Ukraine dùng tên lửa tầm xa cơ động cao HIMARS của Mỹ pháo kích vào nhà tù.
. Ngày 4-8, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cho biết chiến sự Nga-Ukraine là thời gian nguy hiểm nhất đối với châu Âu kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai, đồng thời khẳng định Nga không được phép giành chiến thắng.
Ông nói rằng để ngăn Moscow chiến thắng, các nước NATO có thể phải hỗ trợ Ukraine bằng vũ khí và các hỗ trợ khác trong thời gian dài sắp tới.
Trước lo ngại rằng tham vọng của Nga sẽ vượt ra ngoài Ukraine, ông Stoltenberg nói rằng nếu Moscow làm điều gì đó tương tự với 1 nước NATO như đã làm ở Ukraine, Moldova, Gruzia, thì tất cả các nước NATO sẽ vào cuộc ngay lập tức.
. Đáp lại bình luận của Tổng thư ký NATO, phát ngôn viên Điện Kremlin - ông Dmitry Peskov nói rằng mối đe dọa đối với trật tự châu Âu và thế giới bắt đầu từ cuộc chính biến Mandai năm 2014 ở Kiev mà sự kiện này là do NATO lên kế hoạch đằng sau, theo đài RT.
Theo ông Peskov, căng thẳng ở châu Âu bắt nguồn từ các chính sách hiếu chiến của NATO và do NATO triển khai vũ khí quân sự đến sát biên giới Nga. Ông nói rằng chính điều này gây ra mối đe dọa cho Nga và buộc Nga phải hành động.