Trước kia tôi có cho người anh họ mượn 85 triệu đồng để mua lưới đánh cá. Khi cho mượn tiền không ghi giấy tờ nhưng có người bạn đi biển cùng anh tôi chứng kiến. Sau này, nhiều lần tôi đòi tiền nhưng anh ấy không chịu trả buộc lòng tôi phải kiện ra tòa. Nay người này đã đi biển nhưng anh ấy có viết cho tôi mấy chữ làm chứng vụ cho mượn tiền. Tôi nộp cho tòa giấy này làm chứng cứ được không?
Trần Thị Kiều (kieubinhthuan_labaybay@gmail.com)
Luật sư NGUYỄN MINH LUẬN, Trưởng văn phòng luật sư Sài Gòn Công Lý (TP.HCM), trả lời: Theo quy định tại Điều 81, 82, 83 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011), quy định chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được đương sự và cá nhân, cơ quan, tổ chức khác giao nộp cho toà án hoặc do toà án thu thập được theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định mà toà án dùng làm căn cứ để xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp hay không cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ việc dân sự.
Chứng cứ được thu thập từ các nguồn sau đây:
1. Các tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được;
2. Các vật chứng;
3. Lời khai của đương sự;
4. Lời khai của người làm chứng;
5. Kết luận giám định;
6. Biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ;
7. Tập quán;
8. Kết quả định giá tài sản;
9. Các nguồn khác mà pháp luật có quy định.
Trong quá trình toà án giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền và nghĩa vụ giao nộp chứng cứ cho toà án; nếu đương sự không nộp hoặc nộp không đầy đủ thì phải chịu hậu quả của việc không nộp hoặc nộp không đầy đủ đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Việc đương sự giao nộp chứng cứ cho toà án phải được lập biên bản về việc giao nhận chứng cứ… Biên bản phải lập thành hai bản, một bản lưu vào hồ sơ vụ việc dân sự và một bản giao cho đương sự nộp chứng cứ giữ.
Như vậy, căn cứ vào quy định nêu trên thì bạn nên giao nộp cho tòa án giấy xác nhận việc mượn tiền mà người làm chứng đã viết trước khi đi biển để tòa án xem xét trong quá trình xét xử vụ án.