Nhằm “cứu xét” cho một số trường hợp xây dựng không phép, sai phép, Nghị định 121/2013 quy định khi công trình thỏa một số điều kiện thì chủ đầu tư được nộp phạt cho phần vi phạm xây dựng (bằng 40%-50% giá trị phần vi phạm, tùy công trình là nhà ở riêng lẻ hay dự án).
Thế nhưng trên thực tế, quy định này đang có các cách hiểu khác nhau từ điều kiện, đối tượng đến mốc thời gian vi phạm. Nếu không thống nhất sẽ dẫn đến sự bất hợp lý, nơi thì siết chặt nhưng nơi khác lại dễ dãi.
Rối tung đối tượng được áp dụng
Mới đây, tại xã Đa Phước, huyện Bình Chánh rộ lên vụ xử lý 22 căn nhà xây dựng sai phép, không phép. Theo báo cáo của UBND huyện Bình Chánh (văn bản này sau đó bị TP yêu cầu thu hồi, hủy bỏ do ký sai thẩm quyền, xem thêm trên Pháp Luật TP.HCM ngày 10 và 11-5), các công trình này đều có giấy phép xây dựng (GPXD) nhưng một số căn xây vượt mật độ.
Huyện cho rằng các công trình trên thỏa điều kiện được tồn tại và chỉ phải nộp tiền phạt 40% giá trị phần vi phạm xây dựng theo quy định tại khoản 9 Điều 13 Nghị định 121/2013 và hướng dẫn tại Thông tư 02/2014 của Bộ Xây dựng. Cụ thể, phần vượt mật độ “nằm trong khuôn viên thuộc quyền sử dụng hợp pháp của chủ sử dụng, không vi phạm chỉ giới xây dựng, không có tranh chấp”.
Đề xuất của Bình Chánh đã bị UBND TP bác với lý do huyện áp dụng không đúng quy định về đối tượng. Theo TP, Thông tư 02 nêu rõ đối tượng được tồn tại và nộp tiền phạt phải là những trường hợp “đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định cưỡng chế tháo dỡ theo Nghị định 23/2009 nhưng chưa thực hiện”. Các trường hợp tại xã Đa Phước chưa bị ban hành quyết định cưỡng chế tháo dỡ nên không thuộc trường hợp được tồn tại phần vi phạm xây dựng và nộp tiền.
Khu chung cư tại phường Bình Trưng Tây, quận 2 do Công ty Cổ phần Xây dựng Giao thông Thương mại Bảo Sơn làm chủ đầu tư cũng gặp lấn cấn về việc này. Chủ đầu tư chưa xin điều chỉnh GPXD nhưng đã xây tăng 112 căn hộ so với GPXD.
Theo Sở Xây dựng, chỉ được áp dụng Nghị định 121 (nộp 50% giá trị xây dựng phần sai phép - PV) với trường hợp “khi người có thẩm quyền phát hiện hành vi vi phạm hành chính thì hành vi này đã kết thúc, công trình xây dựng đã được hoàn thành đưa vào sử dụng”. Trong khi với dự án này, thời điểm Thanh tra Sở Xây dựng phát hiện vi phạm thì công trình chưa hoàn thành nên Sở Xây dựng cho rằng không có cơ sở để áp dụng quy định này. Tuy nhiên, Sở Xây dựng vẫn kiến nghị TP cho công trình được điều chỉnh GPXD, không cưỡng chế phá bỏ để hạn chế thiệt hại của doanh nghiệp - PV.
Về trường hợp này, phía Sở Tư pháp nhận định đủ cơ sở pháp lý để áp dụng khoản 9 Điều 13 Nghị định 121. Bởi lẽ Thông tư 02 được ban hành sau thời điểm có quyết định xử phạt công trình nên không xét điều kiện “phải hoàn thành và đưa vào sử dụng”. Do đó, Sở Tư pháp đề xuất TP cho phép Công ty Bảo Sơn giữ lại phần sai phép, điều chỉnh GPXD nhưng chủ đầu tư phải nộp số lợi bất hợp pháp có được bằng 50% giá trị phần xây dựng sai phép.
Dự án khu chung cư tại phường Bình Trưng Tây, quận 2 được đề nghị áp dụng Nghị định 121 là cho tồn tại và nộp tiền phạt cho phần vi phạm. Ảnh: H.GIANG
Đủ cách hiểu về thời điểm vi phạm
Ngoài cách hiểu khác nhau về đối tượng, việc áp dụng quy định nộp tiền cho phần vi phạm xây dựng còn nổi lên vấn đề khác đáng quan tâm. Đó là thời điểm vi phạm xây dựng nào thì công trình mới được áp dụng quy định nộp tiền phạt cho phần vi phạm. Hiện nay các cơ quan đang có cách hiểu và áp dụng khác nhau.
Qua xem xét báo cáo của huyện Bình Chánh với 22 căn nói trên, những căn được cấp phép xây dựng năm 2012 hay 2014 (tức trước hoặc sau khi Nghị định 121 và Thông tư 02 có hiệu lực) đều được đề nghị “cho tồn tại và chủ đầu tư nộp 40% giá trị xây dựng phần sai phép”. Tương tự, các sở/ngành khi đề xuất biện pháp cho tồn tại và nộp tiền phạt với các dự án xây dựng sai phép cũng không thấy có lưu ý đến mốc thời gian vi phạm.
Lấy ví dụ dự án khu chung cư của Công ty Bảo Sơn tại phường Bình Trưng Tây, quận 2 nói trên. Thời điểm có quyết định xử phạt vi phạm hành chính do công trình vi phạm xây dựng đều sau ngày Nghị định 121 lẫn Thông tư 02 có hiệu lực pháp luật nhưng công trình vẫn được đề nghị áp dụng khoản 9 Điều 13 Nghị định 121 là cho tồn tại và nộp phạt cho phần vi phạm.
Trong khi đó, đại diện UBND quận 10 (một trong số ít quận/huyện giải quyết rất nhiều trường hợp nhà ở sai phép được nộp tiền cho phần vi phạm) thì khẳng định chỉ áp dụng cho trường hợp vi phạm trước ngày Nghị định 121 có hiệu lực, tức ngày 30-11-2013. “Quận 10 có hơn 400 trường hợp đủ điều kiện thuộc diện này, đã giải quyết cho hơn 250 căn được nộp tiền phạt để cấp giấy chứng nhận cho người dân. Hiện Phòng Quản lý đô thị đang có kế hoạch giải quyết rốt ráo cho gần 150 trường hợp còn lại là chấm dứt” - ông Nguyễn Tấn Mỹ, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận 10, cho hay.
Ông Mỹ cho biết việc xác định số tiền phải nộp cho các trường hợp này đã hết vướng mắc do có văn bản hướng dẫn của Bộ Xây dựng và Sở Xây dựng. Tuy nhiên, chỉ áp quy định trên cho những trường hợp vi phạm trước 30-11-2013. “Trường hợp vi phạm xây dựng sau ngày này thì không được giải quyết cho tồn tại và nộp tiền mà phải tháo dỡ” - ông cho hay.
Tìm hiểu một số quận/huyện khác, nhiều nơi như Gò Vấp, quận Phú Nhuận, quận 12… chưa có trường hợp nào được tính tiền để nộp thay cho phần vi phạm xây dựng. Các lý do được nêu ra là: chưa có trường hợp nào nộp, do còn lấn cấn về pháp lý, do không thỏa điều kiện… |