NSND Bạch Tuyết hé lộ chuyện ít ai biết về vở ‘Đời cô Lựu’

(PLO)- NSND Bạch Tuyết đã có những nhắc nhở các thí sinh Học viện cải lương về bản lĩnh của diễn viên trên sân khấu cũng như tiết lộ điều ít khán giả biết về vở cải lương Đời cô Lựu.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong tập mới của chương trình Học viện cải lương do NSND Bạch Tuyết làm viện trưởng, các thí sinh được vợ chồng diễn viên Lê Khánh và Tuấn Khải chia sẻ kinh nghiệm về việc nuôi dưỡng, thể hiện cảm xúc khi đứng trên sân khấu.

Đây là yếu tố rất quan trọng để tìm được sự kết nối, chinh phục khán giả dù với bất kỳ loại hình nghệ thuật nào.

nsnd-bach-tuyet3.jpg
Là đôi vợ chồng quen thuộc trên sân khấu và phim ảnh, vì vậy Lê Khánh, Tuấn Khải có nhiều kinh nghiệm trong việc tìm hiểu, nuôi cảm xúc hoá thân…

Theo Lê Khánh, nữ diễn viên có trải nghiệm và được truyền tình yêu về bộ môn nghệ thuật cải lương từ mẹ.

Lê Khánh cho biết, để thể hiện cảm xúc tốt nhất thì nghệ sĩ phải nhập tâm vào nhân vật một cách chân thật, tập trung nhất, không bị chi phối bởi những yếu tố xung quanh. Để có được những điều này cần đọc kịch bản kỹ, trao đổi cẩn trọng với ê-kíp.

Tuy nhiên, trên thực tế, nghệ sĩ, diễn viên đôi khi cũng gặp sự cố trên sân khấu. Điều này có thể làm ảnh hưởng đến cảm xúc, sự nhập vai vì vậy Lê Khánh cho rằng việc nhanh trí, ứng biến rất quan trọng.

Lê Khánh nhớ lại sự cố mình từng gặp khi đang diễn thì bóng đèn nổ, bốc cháy, một đốm lửa rơi xuống đầu mình.

Nữ diễn viên liền nói với bạn diễn: “Má ơi, chắc có một điềm gì đó xảy ra trong cuộc đời con quá”.

"Khán giả nghe xong cười rần rần nhưng tôi thì rất lo lắng. Cũng có tình huống bạn diễn không xuất hiện, tôi phải tự diễn, kể chuyện cho khán giả, hình dung được gì sẽ phải nói ngay, liên tục" – Lê Khánh nói.

NSND Bạch Tuyết
Nói về việc đối diện với những sự cố trên sân khấu, NSND Bạch Tuyết cũng cho rằng nghệ sĩ phải có bản lĩnh trên sân khấu, làm chủ tình hình.

Tại đây, NSND Bạch Tuyết cũng nhắc lại một tình huống trong vở cải lương Đời cô Lựu khi NSND Bạch Tuyết và NSND Thanh Hải cùng sáng tạo ra một bài mới.

“Đó là cảnh Lựu gặp lại con, trong nỗi niềm xen lẫn giữa tình thâm, máu mủ, thương chồng con, thương cả phận mình trong cảnh bẽ bàng, tất cả như dồn nén trong niềm đau, uất nghẹn của 18 năm, vì vậy nó không thể chỉ dừng lại ở âm điệu buồn, tự sự.

Đến cả Phụng hoàng cũng chưa đủ mức độ diễn tả. Và người nghệ sĩ biểu diễn cùng nhạc sĩ đã tạo ra một điệu thức trên nền hơi cán nhưng ca theo dây kép: “Nhưng ai có ngờ… đâu…”.

Dứt bài ca này cũng là cách tạo ra bước “gối đầu” cho NSND Minh Vương sau đó vào vọng cổ” – NSND Bạch Tuyết giải thích.

Không chỉ vậy, NSND Bạch Tuyết cũng nhắc lại việc nghệ sĩ phải đọc kỹ kịch bản, thấu hiểu nhân vật với có thể phân tích đúng, sâu sắc.

nsnd-bach-tuyet.jpg
Tại chương trình, Lê Khánh, Tuấn Khải cũng thể hiện lại một phần trong vở Giáng Hương, cả bản kịch nói và cải lương (với tiếng đệm đàn của NSND Thanh Hải).

Theo Lê Khánh, cải lương bao gồm, ca, diễn… nên đòi hỏi nghệ sĩ có nhiều kỹ năng. Chị cho rằng ca cải lương rất khó, đặc biệt phải bám chắc dây đờn, nhịp.

Tuấn Khải cho biết học về nghề diễn xuất, cải lương từ vợ. Mỗi đêm, hai vợ chồng anh thường mở nghe cải lương nên dần thấm.

Trước câu hỏi đùa của NSND Bạch Tuyết rằng có nịnh vợ hay không, Tuấn Khải cười lắc đầu nhưng thú nhận anh được truyền tình yêu nghệ thuật từ bà xã.

Trước đề nghị của NSND Bạch Tuyết, Lê Khánh thể hiện một đoạn trong bài tân cổ giao duyên Lá trầu xanh.

Ban đầu, Lê Khánh dự tính hát chay, nên khi biết có tiếng đờn của NSND Thanh Hải diễn viên khá bất ngờ. Dẫu vậy Lê Khánh cũng hoàn thành khá tốt câu vọng cổ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm