NSND Kim Cương: 'Không có vai diễn tồi chỉ có những người nghệ sĩ tồi không biết diễn'

(PLO)- NSND Kim Cương đã có những chia sẻ về vai trò của diễn viên làm nghệ thuật sân khấu, cũng như khẳng định việc đóng vai chính-vai phụ không làm nên thành công của một diễn viên.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 12-5, NSND Kim Cương đã có buổi trò chuyện với các diễn viên trẻ trong chương trình giao lưu - truyền nghề do ban lý luận phê bình CLB Phóng viên sân khấu (thuộc Hội Sân khấu TP.HCM) tổ chức tại Sân khấu Sen Việt (5B Võ Văn Tần, quận 3).

NSND Kim Cương tại buổi giao lưu, truyền lửa cho các diễn viên trẻ. Ảnh: VĂN HÀ.

NSND Kim Cương tại buổi giao lưu, truyền lửa cho các diễn viên trẻ. Ảnh: VĂN HÀ.

Nghệ sĩ hành nghề bằng tâm hồn, thân xác

NSND Kim Cương cho biết các diễn viên trẻ đã bước vào bộ môn nghệ thuật sân khấu sẽ rất chông gai và khó khăn. Bởi người thợ mộc họ muốn hành nghề họ chỉ cần có dụng cụ hay một bác sĩ muốn hành nghề cần thì ngoài học thức chỉ cần thuốc men, kim tiêm… nhưng một người làm nghệ thuật hành nghề là bằng chính thân xác của mình.

NSND Kim Cương nhớ lại: “Hồi đó đoàn kịch Kim Cương mang tiếng khó lắm. Trước khi lên sân khấu, tôi từng nói với các diễn viên mỗi đêm hát là một trận đánh, chúng ta thắng hay thua chứ không có quyền đổi lỗi. Thành ra mỗi tác phẩm mỗi đêm diễn là xương máu, tâm huyết của chúng ta đặt vào vở tuồng”.

Đồng thời nữ nghệ sĩ cũng cho rằng, diễn viên mà để cảm xúc, suy nghĩ ra khỏi vai tuồng sẽ rớt ngay và làm khán giả mất hứng thú với vở diễn.

NSND Kim Cương kể: “Hồi đó có một cái tuồng, hai người yêu nhau xa nhau mấy chục năm trời. Thì bất ngờ người đàn ông đi tu, nhân vật nữ vào chùa lạy phật cô ấy nhìn lên thì bất ngờ người yêu đứng trước mặt.

Bình thường diễn rất hay nhưng hôm đó bước lên sân khấu tôi trật tay làm rơi đèn cầy xuống bàn. Tôi sợ cháy cái khăn bàn, nên vội đưa tay lấy đèn, lúc đó tôi làm mất tình cảm của khán giả và ngay đối với bản thân mình”.

Nghệ thuật sân khấu là một loại hình lao động, khi đó tâm hồn tâm hồn của người diễn và khán giả phải hoà nhịp với nhau.

Các bạn diễn viên trẻ giao lưu với NSND Kim Cương. Ảnh: VĂN HÀ.

Các bạn diễn viên trẻ giao lưu với NSND Kim Cương. Ảnh: VĂN HÀ.

"Bởi vậy tôi rất phục mấy em bây giờ một đứa có thể chạy 5-3 show chưa kịp làm mặt đã có thể trình diễn thật sự là phi thường. Tôi thì không thể làm được điều đó.

Với tôi để chuẩn bị cho một vở diễn phải 'dọn mình' không phải ngay từ lúc lên rạp hát mà phải dọn mình ngay trong 'rạp cuộc đời'"- nữ nghệ sĩ trải lòng.

Nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận văn hoá

NSND Kim Cương cũng khẳng định vai trò của người theo đuổi nghệ thuật sân khấu cũng là một người làm văn hoá.

Nữ nghệ sĩ cho biết, với một người làm nghệ thuật thì kỷ luật là một điều rất quan trọng. Tuy nhiên, hiện tại có khá nhiều nghệ sĩ trẻ vô kỷ luật về thời gian khiến cho nhiều nghệ sĩ gạo cội bức xúc.

Nữ nghệ sĩ khẳng định: "Mình phải tôn trọng khán giả, bậc tiền bối thì mình mới nhận được sự tôn trọng từ họ".

NSND Kim Cương chụp hình lưu niệm với các diễn viên trẻ. Ảnh: VĂN HÀ.

NSND Kim Cương chụp hình lưu niệm với các diễn viên trẻ. Ảnh: VĂN HÀ.

Đồng thời, NSND Kim Cương cũng mong muốn các nghệ sĩ hãy tôn kính nghề sân khấu. Bởi theo Khổng Tử nói: “Người thầy thuốc dở chết một mạng người. Người lãnh đạo dở chết một nước, người làm văn hoá dở chết một thế hệ”.

Nói về điều này, NSND Kim Cương kể lại câu chuyện của mình: “Phim đầu tiên của tôi là Lòng nhân đạo. Tôi vào vai một cô y tá tâm tính rất tốt gặp một ông bác sĩ bên Pháp về phách lối, xem người nghèo không ra gì nhưng ông ấy cảm cô y tá và cả tấm lòng nhân hậu của cô y tá đó. Sau đó người đàn ông thay đổi và giúp đỡ mọi người rất nhiều.

Sau khi phim kết thúc, 7-8 năm sau tôi nằm bệnh viện Nhi Đồng 2 cũ có một cô y tá giúp đỡ tích cực hỗ trợ. Sau khi ra viện tôi đã mua quà tặng cảm ơn vì đã lo lắng cho tôi trong thời gian dài thế nhưng cô ấy cảm ơn và tiết lộ mình chọn nghề y tá nhờ xem được phim tôi đóng vì thấy được lòng của cô y tá cao thượng và đẹp quá cho nên cô ấy quyết định học nghề y tá”.

Qua đó nữ nghệ sĩ khẳng định sự ảnh hưởng của một người làm văn hoá thiêng liêng rất nhiều.

“Vai chính chưa chắc đã thành công”

Đối với nghề sân khấu, có một vấn đề từ xưa đến nay các nghệ sĩ luôn suy nghĩ là vai chính - vai phụ. Vai chính chỉ có một còn lại là những vai phụ nên việc ganh ghét, tranh đấu rất nhiều.

Nghệ sĩ Kim Cương bên mẹ - cố nghệ sĩ Bảy Nam cũng là nghệ sĩ thường đảm nhận những vai phụ trong các vở kịch. Ảnh: NSCC.

Nghệ sĩ Kim Cương bên mẹ - cố nghệ sĩ Bảy Nam cũng là nghệ sĩ thường đảm nhận những vai phụ trong các vở kịch. Ảnh: NSCC.

Bao nhiêu năm hoạt động và rút ra kinh nghiệm NSND Kim Cương chỉ thấy rằng “Không có vai diễn tồi chỉ có những người nghệ sĩ tồi không biết diễn".

“Như má tôi - NSND Bảy Nam dù hơn 70 tuổi nhưng chưa bao giờ đóng vai chính. Những vai diễn của má tôi chỉ là một vai nhỏ như Bà tư bán cháo lòng, Bà già điên… Những vai diễn ấy dù rất nhỏ trong vở kịch nhưng đi đến đâu khán giả cũng nhắc bà Bảy Nam”- NSND Kim Cương cho hay.

Trước đó cũng có nghệ sĩ Năm Định ông cũng vào những vai nhỏ trong các vở tuồng. Trong một vở ông chỉ đóng vai câm không nói lời nào và xuất hiện không đầy 10 phút nhưng ông đã nghiên cứu rất nhiều từ cử chỉ hành động, ra dấu như thế nào? Qua đó, có thể thấy từ một vai diễn nhỏ thôi nhưng khi để hết tâm trí của mình vào đó thì cũng sẽ được để ý và yêu mến.

Nhiều diễn viên trẻ bày tỏ niềm vui khi được giao lưu với NSND Kim Cương. Ảnh: VĂN HÀ.

Nhiều diễn viên trẻ bày tỏ niềm vui khi được giao lưu với NSND Kim Cương. Ảnh: VĂN HÀ.

“Như NSND Ngọc Giàu khi vào vai 'Bà hai cán vá' và chỉ ra hát trong vài phút nhưng khi nhắc đến ai cũng nhớ cả. Thành ra các em nên nghiên cứu cho thật kĩ thật sâu vai diễn của mình. Và chưa chắc vai chính đã nắm được khán giả”- NSND Kim bày tỏ.

NSND Kim Cương và diễn viên Hồng Trang (trái) tại buổi giao lưu. Ảnh: VĂN HÀ.

NSND Kim Cương và diễn viên Hồng Trang (trái) tại buổi giao lưu. Ảnh: VĂN HÀ.

Tham gia buổi nói chuyện, nghệ sĩ Hồng Trang hiện là trưởng nhóm Kịch Đời chia sẻ, nhóm kịch của cô có hai nguyên tắc khi diễn không được "xì cười" khi bạn diễn gặp sự cố, phải tôn trọng khán giả và bạn diễn; thứ hai là không được diễn "mảng miếng ngoài vở", tự ý thêm vào câu thoại những từ ngữ không có trong kịch bản.

Nói về việc này NSND Kim Cương cho rằng đó là điều tối kỵ đối với nghề, bà kể rằng: "Mẹ của bà - cố NSND Bảy Nam luôn xem một suất diễn như tình yêu chung thủy, diễn cương, diễn ẩu, lố lăng là bà cho rằng người diễn viên đã phạm tội ngoại tình".

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm