Ngày 22-3, NSƯT Thành Lộc đã có buổi giao lưu với các diễn viên trẻ trong chương trình giao lưu - truyền nghề do ban lý luận phê bình CLB Phóng viên sân khấu (thuộc Hội Sân khấu TP.HCM) tổ chức tại sân khấu Sen Việt (5B Võ Văn Tần, quận 3) với chủ đề "Nuôi dưỡng niềm đam mê nghệ thuật".
NSƯT Thành Lộc tại buổi giao lưu với các diễn viên trẻ. Ảnh: VĂN HÀ
Tại buổi giao lưu, bằng tài năng và kinh nghiệm dày dặn của mình trong lĩnh sân khấu của mình NSƯT Thành Lộc đã đem đến cho các bạn học viên những câu chuyện, kinh nghiệm nghề nghiệp bổ ích.
Thích trở thành diễn viên vì muốn "phô trương" bản thân
Nam nghệ sĩ đã có dịp tiết lộ lý do mình theo đuổi diễn xuất thay vì trở thành một đạo diễn dù bản thân đã dựng được loạt vở diễn đình đám như Bí mật vườn Lệ chi…
Theo đó, nam nghệ sĩ cho biết trước khi thi vào trường Sân khấu thì anh dược tiếp cận với múa ba lê.
Năm 1977, sau khi cùng đoàn đại biểu thiếu nhi miền Nam đi dự festival Liên hoan thiếu nhi thế giới lần thứ I tại Matxcơva trở về thì trường múa Việt Nam tại Hà Nội có ý định giữ anh lại để đào tạo diễn viên ba lê. Nếu đồng ý thì anh sẽ ở lại Hà Nội học 11 năm.
Anh đã xin phép về Sài Gòn để hỏi ý kiến ba má. Tuy nhiên anh đã hỏi không hỏi mà quyết định hỏi thầy thầy dạy múa của mình là NSND Thái Ly – thời điểm đó ông là Hiệu trưởng của trường múa TP.HCM về việc có nên theo con đường vũ công chuyên nghiệp hay không?
NSƯT Thành Lộc trao đổi với các diễn viên trẻ. Ảnh: VĂN HÀ.
Thầy của nam nghệ sĩ đã khuyên anh nên theo duổi diễn xuất hơn là múa ba lê bởi anh bị hạn chế về chiều cao và nếu thiếu chiều cao thì không thể đóng được những vai chính.
Thầy biết tôi là gia đình có truyền thống diễn xuất. Ngay cả trong lúc thầy dạy thì cũng thấy tôi có năng khiếu diễn xuất nên thầy khuyên: "Con nên đi học diễn xuất, nếu con là một diễn viên mà con biết múa như thế này thì thầy tin con sẽ là một diễn viên xuất sắc nhưng nếu con là một vũ công thì con sẽ là một vũ công trung bình"- NSƯT Thành Lộc nhớ lại.
Nhờ lời khuyên của thầy, Thành Lộc đã quyết định thi vào trường sân khấu bởi thời điểm đó anh đang có hai sự chọn lựa là diễn viên múa ba lê hay là diễn viên sân khấu.
"Giống như việc thích trở thành vũ công múa bale để được đứng múa thì tôi thích trở thành diễn viên để được đứng ở ngoài trung tâm sân khấu, thích ánh đèn rọi vào mình chứ không thích đứng ở trong cánh gà.
Tôi thích được phô trương mình ra hơn chứ không thích nghề đạo diễn hoàn toàn không thích. Nhưng tôi tin là tôi có cái đầu đạo diễn chỉ là mình không thích làm đạo diễn thôi”- NSƯT Thành Lộc trải lòng .
"Ông Tư trong 'Dạ cổ hoài lang' tôi khắc họa từ ba mình"
Ngoài ra trong buổi gặp gỡ, nghệ sĩ Thành Lộc cũng tiết lộ về vai ông Tư - vai diễn của anh trong vở Dạ cổ hoài lang, chính là lấy hình ảnh của ba mình- NSND Thành Tôn.
Thành Lộc kể ba anh là một nghệ nhân hát bội nên có suy nghĩ khá cổ điển. Khi đất nước thống nhất, anh khoảng 14 tuổi nên tiếp cận nhiều luồng tư tưởng hiện đại, suy nghĩ cách tân thậm chí là đối lập với những suy nghĩ bảo thủ.
"Vì còn trẻ, ‘ngựa non háu đá’ nên trong lúc tranh luận giữa cái mới và cái cũ, tôi nhiều lúc lỡ lời làm tổn thương đến ba mà không biết. Sau khi ba qua đời, từng lời nói, hành động của nhân vật ông Tư y như ba tôi nhập vào. Khi diễn cảnh cô cháu gái làm tổn thương ngoại mình, tôi nhớ ba lắm…" - Thành Lộc nghẹn ngào.
Nghệ sĩ Thành Lộc (vai ông Tư), nghệ sĩ Hữu Châu (vai ông Năm) trong vở Dạ cổ hoài lang. Ảnh: TL
Bên cạnh nỗi nhớ về người cha kính yêu, Thành Lộc còn nói về quá trình hoá thân vào nhân vật bởi khi đó anh còn trẻ nên khả năng tập trung còn yếu do đó cách anh vào vai rất cực.
Là một người vui nhộn, thường chọc ghẹo người khác đến mức thầy Văn Thành thường gọi anh là "con quỷ". Nhưng khi chuẩn bị cho vai ông Tư - một vai diễn buồn, Thành Lộc không dám ngủ trưa để tâm lý nặng xuống, mắt cay xè để… tối có thể khóc. Thậm chí anh cho biết bản thân phải lấy tâm lý từ… sáng sớm.
Tối nào diễn xong anh cũng không dám về nhà, cứ chạy vòng vòng rồi tấp vào quán kêu một ly vang đỏ, im lặng uống một mình tới chừng nào thoát được vai, xả được hết nỗi buồn mới chạy về nhà.
NSƯT Thành Lộc cùng các diễn viên trẻ chụp hình lưu niệm tại buổi giao lưu. Ảnh: VĂN HÀ
Có thể nói vai ông Tư là vai mà Thành Lộc diễn nhiều nhất trong cuộc đời với gần 700 suất diễn. Một ngày diễn ba suất, thậm chí vở còn diễn cả trong những ngày Tết. Anh cho biết lần đầu tiên ngày Tết khán giả mua vé vô rạp để khóc hu hu. Sau vở Dạ cổ hoài lang, Thành Lộc bị tăng độ mắt vì khóc nhiều.
NSƯT Thành Lộc cũng cho rằng "Dạ cổ hoài lang" là vở khiến mình khóc và buồn nhiều nhất những cũng đem lại cho mình nhiều niềm vui. Đặc biệt, sau khi biểu diễn tại Hà Nội và diễn cho Quốc hội, thành công của vở góp phần là cú hích để anh được phong Nghệ sĩ ưu tú.