Ngày 16-3, BV Chợ Rẫy (TP.HCM) tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm ghép thận và tri ân những người đã cho đi một phần cơ thể để đem lại sự sống cho nhiều người khác.
“Nợ ân tình hẹn trả kiếp sau”
“Nợ ân tình hẹn trả kiếp sau” là tựa bài vọng cổ được Nghệ sĩ nhân dân Minh Vương viết để tri ân những người hiến tạng. Là một trong những bệnh nhân suy thận may mắn được ghép thận, người nghệ sĩ 73 tuổi không khỏi xúc động khi đứng trên sân khấu “30 năm ghép thận” của BV Chợ Rẫy.
Câu hát “Cám ơn người thanh niên đã tặng cho tôi mảnh ghép nhiệm màu” như lời tri ân của ông dành tặng chàng trai 34 tuổi đã hiến thận cho ông 11 năm trước.
“Tôi mong năm dài đừng qua mau… để tôi trả nợ ân tình thâm giao. Nếu kiếp này tôi không trả được thì xin hẹn lại kiếp sau tôi sẽ trả nợ ân tình…” - nghệ sĩ Minh Vương cất cao ca từ thay cho niềm biết ơn sâu sắc.
|
Nghệ sĩ nhân dân Minh Vương tỏ lòng biết ơn người hiến thận qua ca từ bài cải lương. Ảnh: THẢO PHƯƠNG |
Là ca ghép thận thứ hai vào 30 năm trước của BV Chợ Rẫy, bà Võ Thị Thượng (65 tuổi, Long An) nhớ lại: “Thời điểm bị suy thận, tôi nghĩ mình đã bị treo án tử. Chạy thận nhân tạo khoảng sáu tháng, cơ thể tôi luôn mệt mỏi, ăn uống khó khăn, nếu chạy thận hoài chắc tôi không chịu nổi”.
Người hiến thận cho bà là cha ruột. Từ sau khi ghép thận, bà Thượng đều đặn uống thuốc chống thải ghép hai lần mỗi ngày, đến nay sức khỏe vẫn tốt. Sau ghép thận năm năm, bà còn được chọn tham gia Thế vận hội Những người ghép tạng ở Úc.
“Tôi cảm thấy may mắn, biết ơn các bác sĩ BV Chợ Rẫy vô cùng. Tôi cảm giác như được sinh ra lần nữa sau khi được ghép thận. Hơn nữa, đây là đợt đầu tiên ghép thận nên tôi cũng được tài trợ chi phí ghép. Tôi hy vọng ngày càng có nhiều người được hồi sinh giống tôi” - bà Thượng xúc động.
Đảm bảo công bằng trong tuyển chọn
TS-BS Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người BV Chợ Rẫy, chia sẻ hiến thận từ người cho còn sống hay khi chẳng may qua đời là hành động nhân đạo. Vì vậy, phải có nguyên tắc thực hiện để đảm bảo an toàn nhất cho người bệnh, đời sống và thận ghép được tồn tại lâu dài.
“Cuộc ghép chỉ thành công khi người bệnh sống được lâu, chức năng của thận được hoạt động lâu dài nhất. Nếu bệnh nhân tử vong sau ghép vài tháng, đây chỉ là thành công của kỹ thuật ghép” - BS Thu nhận định.
Bên cạnh đó, theo BS Thu, vấn đề bảo đảm tính công bằng, minh bạch trong tuyển chọn ghép tạng cũng rất quan trọng.
|
Sau 29 năm ghép thận, bà Võ Thị Thượng vẫn rất khỏe mạnh. Ảnh: THẢO PHƯƠNG |
Đối với người hiến sống, người bệnh sẽ được ghép sớm nếu người nhà cho thận. Tuy nhiên, với trường hợp này, vấn đề pháp lý trong tuyển chọn sẽ gặp một số khó khăn. Cụ thể, người hiến và người được hiến có thể làm giả giấy tờ chứng minh huyết thống để hợp thức hóa chuyện hiến tạng. Do đó, người có trách nhiệm tiếp nhận mô tạng hiến phải phân biệt được đâu là nhân đạo, đâu là mua bán.
Người hiến sống được theo dõi sức khỏe, tình trạng bệnh suốt đời. Nếu người hiến không may suy tạng, phải được ưu tiên (vẫn đăng ký vào danh sách chờ ghép). Vì thế luôn cần nhóm hành chính pháp lý chuyên về vấn đề điều phối quản lý người hiến sống.
Đối với người hiến chết não, ý nguyện hiến tạng được thể hiện qua đơn đăng ký hoặc thông qua người thân trong gia đình. Với trường hợp này, quá trình pháp lý sẽ gặp khó khăn đối với người hiến tại khoa hồi sức. Nhóm điều phối phải bảo đảm được tính pháp lý khi thực hiện thủ tục hiến.
BS Thu mong mỏi xây dựng và phát triển thành công hệ thống điều phối và đào tạo nhân lực tham gia hoạt động hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người một cách chuẩn mực để đem lại nhiều lợi ích cho người bệnh và cả cộng đồng.
Khi đó, người bệnh sẽ cải thiện chất lượng cuộc sống, được chăm sóc sức khỏe với chất lượng tốt, kéo dài đời sống tạng ghép. Người bệnh có thể thăm khám được tại địa phương nên tiết kiệm chi phí điều trị. Người bệnh cần ghép tạng an tâm chờ đợi trên danh sách chờ. Về mặt xã hội, hệ thống này sẽ đảm bảo tính minh bạch, công bằng trong tuyển chọn, từ đó tạo lòng tin trong xã hội, tăng nguồn tạng hiến, tiết kiệm chi phí điều trị bệnh mạn tính, ngăn chặn nạn buôn bán và ghép tạng trái phép.
Hơn 1.100 ca ghép thận sau 30 năm
Trải qua 30 năm kể từ khi bắt đầu chương trình ghép thận (từ tháng 12-1992 đến tháng 12-2022), BV Chợ Rẫy đã thực hiện ghép thận cho 1.126 trường hợp, sáu ca đầu tiên được hỗ trợ bởi chuyên gia. Từ năm 1998, BV Chợ Rẫy tự lực 100% trong thực hiện kỹ thuật ghép thận.
Kỹ thuật ghép thận tại BV đã có nhiều bước tiến, từ ghép thận của người cho chết não (năm 2008) đến ghép từ người hiến tim ngừng đập (năm 2015), ghép đổi chéo người hiến (năm 2017), robot lấy thận từ người hiến sống (tháng 7-2018) và ghép bất tương hợp nhóm máu đầu tiên (tháng 12-2021).
PGS-TS THÁI MINH SÂM, Trưởng khoa Ngoại tiết niệu BV Chợ Rẫy