NSƯT Diệu Hiền 73 tuổi vẫn hát truyền lửa cho người trẻ

NSƯT Diệu Hiền hát lại bài “Trụ Vương thiêu mình” ở tuổi 73

Các con phải nhớ: “Ta ca như thế nào để cho người ta muốn nghe mình ca, chứ đừng có ca cho rồi”; khi mình đã cực khổ, trau dồi cái nghề này, mình o bế từng câu từng lời thì phải được khán giả nhớ; đừng như cô kia, anh kia ca rồi mà không có một chút gì lưu luyến lại trong tim người nghe”. 

Đó là những lời dặn dò chân tình của NSƯT Diệu Hiền gửi đến nhiều nghệ sĩ trẻ và cả người mộ điệu trong đêm biểu diễn tri ân mà mọi người dành cho mình.

Buổi tri ân diễn ra ấm cúng tại trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP.HCM). Tại đây, NSƯT Diệu Hiền đã trải lòng về cuộc đời mình, về những vai diễn đã làm nên tên tuổi một thời của Đệ nhất đào võ cải lương.

NSƯT Diệu Hiền chia sẻ tại buổi tri ân.

NSƯT Diệu Hiền tên thật là Lâm Thị Hiền, sinh năm 1945 tại Bạc Liêu, sớm phải chịu cảnh mồ côi cha, sống với mẹ và cha dượng. Cô kể vì mê hát mà năm 14 tuổi phải trốn nhà đi theo gánh hát cũng như quyết sống chết theo nghiệp cầm ca.

Giống như các nghệ sĩ khác, cô chính thức bước lên sân khấu với vai trò một diễn viên múa minh họa, làm nền cho những cô đào, anh kép đang hóa thân vào vai ông hoàng, bà chúa trong vở tuồng.

Nghệ sĩ Tú Quyên vai Triệu Thị Trinh tiễn Lê Minh (Long Hồ đảm nhận) trong vở “Nhụy Kiều tướng quân” - tác phẩm từng làm nên tên tuổi NSƯT Diệu Hiền.

Không ngừng quyết tâm và phấn đấu, Diệu Hiền dần được giao cho những vai diễn lớn hơn và được khán giả nhớ tới qua các vai đào chính trong một số tuồng cải lương như: Nhụy Kiều tướng quân, Nữ tướng Cờ Đào, Lâm Sanh- Xuân Nương, Bóng hồng sa mạc... Và được người hâm mộ ưu ái phong tặng danh hiệu "Đệ nhất đào võ cải lương" thời bấy giờ.

Nghệ sĩ Diệu Thanh – con gái của NSƯT Diệu Hiền diễn lại vai Bùi Thị Xuân (vai diễn để đời của NSƯT Diệu Hiền).

Tại buổi tri ân, NSƯT Diệu Hiền tâm sự dù sức khỏe đã yếu nhiều nhưng cứ được đứng trên sân khấu là máu hát vẫn còn, ở tuổi 73 giọng ca của Đệ nhất đào võ cải lương ngày nào thể hiện lại bài “Trụ Vương thiêu mình” vẫn làm cho người mộ điệu phải trầm trồ thán phục.

Dứt bài, NSƯT Diệu Hiền quay sang dặn dò các nghệ sĩ trẻ: “Khi các con ra hát, hát một câu vọng cổ mà người ta không vỗ tay, tối đó về ngủ phải nghiên cứu lại tại sao mình ca mà người ta không vỗ tay, rồi tập lại, luyến láy lại, mai mốt mình ca cách khác nữa coi người ta có vỗ tay không, người ta có thích không".

Tác phẩm "Thương cha một tấm lòng son" được các bạn trẻ dàn dựng tặng NSƯT Diệu Hiền trong buổi tri ân.

Hôm nay cô còn nhớ chút ít, cô còn đứng đây chứ không biết hôm nào cô sẽ ngủ luôn, nên duy nhất các con phải nhớ câu này: Ta ca như thế nào để cho người ta muốn nghe mình ca, chứ đừng có ca cho rồi; bởi lẽ khi mình đã cực khổ, trau dồi cái nghề này, mình o bế từng câu từng lời thì phải được khán giả nhớ; đừng như cô kia, anh kia ca rồi mà không có một chút gì lưu luyến lại trong tim người nghe; đừng để mồ hôi, nước mắt của mình đổ ra vô nghĩa, rất là buồn.

Các con nhớ làm nghề là phải học hỏi không ngừng, học những người đi trước, mỗi người một chút, và không ngừng sáng tạo, cô tin tưởng các con sẽ thành công”.- NSƯT Diệu Hiền nhấn mạnh.

Nghệ sĩ và người mộ điệu chụp ảnh lưu niệm cùng NSƯT Diệu Hiền.

Cũng trong buổi tri ân, Nghệ sĩ Diệu Thanh – con gái của NSƯT Diệu Hiền cùng các nghệ sĩ trẻ và người mộ điệu như Minh Hòa, Tú Quyên, Long Hồ, Nhựt Quang... đã dựng lại các vở tuồng đã từng làm nên tên tuổi của NSƯT Diệu Hiền như một Triệu Thị Trinh tiễn Lê Minh trong “Nhụy Kiều tướng quân” hay cô đào võ Bùi Thị Xuân trong vở tuồng “Nữ tướng cờ đào”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm