NSƯT Hữu Châu chia sẻ cách sử dụng ngôn ngữ hình thể cho sinh viên

(PLO)- “Kiểm soát ngôn ngữ hình thể rất quan trọng, chỉ cần một động tác, hành động nhỏ cũng cho thấy khác nhau về vị trí, xuất thân, thời cuộc, số phận của nhân vật” - NSƯT Hữu Châu chia sẻ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 11-12, tại trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn ĐHQG TP.HCM, hơn 400 sinh viên tham gia giao lưu và trao đổi với NSƯT Hữu Châu về chủ đề ngôn ngữ hình thể: Từ Sân khấu đến chuyện nghề.

TS Lê Hồng Phước, phó trưởng khoa ngữ văn Pháp, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM góp vui với tiết mục “Dạ cổ hoài lang”. Ảnh: VÕ THƠ

TS Lê Hồng Phước, phó trưởng khoa ngữ văn Pháp, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM góp vui với tiết mục “Dạ cổ hoài lang”. Ảnh: VÕ THƠ

NSƯT Hữu Châu cho biết bên cạnh lời nói thì hình thể chính là một phương tiện, một dạng ngôn ngữ hữu hiệu để truyền tải thông điệp.

“Chỉ cần một cái liếc nhẹ, cái nhếch mép cũng đã chỉ rõ được thái độ, tâm lý của nhân vật. Do vậy việc tìm hiểu và học cách kiểm soát ngôn ngữ hình thể là việc quan trọng, không chỉ cho diễn viên trên sân khấu mà còn áp dụng hiệu quả cho mọi người trong cuộc sống.” - NSƯT Hữu Châu chia sẻ.

NSƯT Hữu Châu chia sẻ cách truyền đạt ngôn ngữ hình thể cho các bạn sinh viên. Ảnh: VÕ THƠ
NSƯT Hữu Châu chia sẻ cách truyền đạt ngôn ngữ hình thể cho các bạn sinh viên. Ảnh: VÕ THƠ

Để điều khiển được hình thể trước hết phải làm chủ được các bộ phận trên cơ thể. Không chỉ dùng mỗi tai mới nghe mà đòi hỏi các bộ phần cũng phải nghe và hành động đồng nhất, kiểm soát trong chừng mực thì khi đó mới có thể truyền tải được thông điệp đến đối phương.

Ngôn ngữ hình thể là hành động nhưng chúng có sự khác nhau trong mỗi hoàn cảnh và luôn đi cùng với trạng thái tâm lý.

NSƯT Hữu Châu lấy ví dụ, nếu cái tát là người mẹ tát con thì gọi là hành động tâm lý, giận cỡ nào trong tát vẫn có tình thương, có vị trí của nhân vật này đối với nhân vật kia. Nếu là người đi đường đụng xe dẫn đến đánh nhau thì đó là cái tát của sự hung giận thuộc về bản năng.

Buổi trò chuyện thu hút hơn 400 sinh viên trong và ngoài trường đến tham gia. Ảnh: VÕ THƠ
Buổi trò chuyện thu hút hơn 400 sinh viên trong và ngoài trường đến tham gia. Ảnh: VÕ THƠ

NSƯT Hữu Châu nhắc nhở đối với các bạn sinh viên rằng muốn theo nghề diễn viên thì đừng ham nói nhiều vì nói hết thì không còn cái để diễn, phải để ngôn ngữ hình thể nói lên ý mình muốn diễn đạt.

“Diễn viên giỏi là phải biết đẻ ra hành động, mà hành động đó là lấy từ cuộc sống mà ra. Hành động ở ngoài đời đem lên sân khấu phải chắt lọc, lấy những cái điển hình không thể bê nguyên si, không được phép thô tục, dù nghèo, bệnh tật cũng sạch sẽ, phải đẹp.”- NSƯT Hữu Châu chia sẻ.

Ông cũng lưu ý không nên quá lạm dụng ngôn ngữ hình thể. Sử dụng ngôn ngữ hình thể phải có chừng mực, hợp hoàn cảnh như vậy sẽ tăng thêm tính chân thực và gần gũi. “Chỉ cần một động tác, hành động nhỏ cũng cho thấy khác nhau về vị trí, xuất thân, thời cuộc, số phận của nhân vật.”- Ông lưu ý.

Trước thắc mắc của sinh viên về việc học ngôn ngữ hình thể như thế nào là phù hợp, NSƯT Hữu Châu cho rằng không cần vào trường sân khấu hay học ở trường lớp nào mới có thể học được ngôn ngữ hình thể.

“Chỉ cần chúng ta chú ý một chút, học cách quan sát những người xung quanh, từ thầy cô, bạn bè, những diễn viên mình yêu thích… ai mà bản thân thấy thích hợp nhất thì học theo người đó, biến những cái hay của họ thành cái riêng của mình.

Nhiều sinh viên trăn trở về cách sử dụng ngôn ngữ hình thể phù hợp trong từng hoàn cảnh. Ảnh: VÕ THƠ
Nhiều sinh viên trăn trở về cách sử dụng ngôn ngữ hình thể phù hợp trong từng hoàn cảnh. Ảnh: VÕ THƠ

Đối với các sinh viên có đam mê theo đuổi nghệ thuật sân khấu nhưng còn nhiều băn khoăn, NSƯT Hữu Châu khuyên các bạn trước hết cần phải trau dồi kiến thức, kỹ năng lẫn kỹ thuật diễn xuất.

Ngôn ngữ hình thể trên sân khấu phải tự nhiên như ngoài đời càng tốt nhưng tự nhiên trong sự quy định của kịch bản. Điều cốt lõi vẫn là sự chân thành cộng những kinh nghiệm đã tích lũy thì dù ở trong hoàn cảnh nào cũng sẽ gặt hái được kết quả tốt đẹp và được mọi người yêu thương.

“Một ngôn ngữ hình thể quan trọng mà ai trong chúng ta cũng cần phải nuôi dưỡng đó là nụ cười. Nụ cười là khởi đầu của những điều tốt đẹp, lan tỏa những năng lượng tích cực đến những người xung quanh. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào, chúng ta cũng luôn giữ nụ cười trên môi vì đó là ngôn ngữ hình thể đẹp nhất” - NSƯT Hữu Châu nhắn nhủ.

Thông qua buổi trò chuyện, NSƯT Hữu Châu mong rằng các thế hệ trẻ yêu nghề, đam mê diễn xuất sẽ luôn giữ được nét đẹp của nghề, dẫn dắt, truyền lửa cho những thế hệ đàn em một tình yêu, kiến thức về sân khấu để có thể mang đến những tác phẩm tinh thần chất lượng cho khán giả.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm