Bước ra từ cuộc thi Tài năng Xiếc toàn quốc 2024 diển ra vào tháng 8 này với giải thưởng Đạo diễn xuất sắc, NSƯT Ngô Lê Thắng - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam dành cho PLO những trao đổi đầy tâm tư về việc đào tạo nghề xếc của trường mình.
Ông cho biết đào tạo nghệ thuật xiếc rất cần sự thông cảm, chia sẻ và thấu hiểu của toàn xã hội, ngay cả với những bậc phụ huynh để thuyết phục họ cho con em làm nghề diễn viên xiếc cũng đã là khó khăn.
Theo NSƯT Ngô Lê Thắng, đối tượng tuyển sinh là các em mới 11 tuổi nên trường phải có chế độ bảo mẫu 24/7, thầy giáo quản sinh phải ngủ đêm tại ký túc xá. Nhiều năm nay, trường luôn phải đi tuyển sinh ở nhiều vùng khác nhau.
Tiết mục được đánh giá cao của Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam.
“Có nhiều em hứng thú nhưng còn phải xin ý kiến bậc phụ huynh. Thấu hiểu tâm lý cha mẹ lo sợ nghề xiếc nguy hiểm, quá trình đào tạo khắc nghiệt, trường cũng đã phải tư vấn, thuyết phục, rồi mời họ lên tận trường tham quan, tìm hiểu kỹ lưỡng quy trình đào tạo, cơ sở vật chất và chế độ chính sách của Nhà nước đối với học sinh xiếc”- NSƯT Ngô Lê Thắng chia sẻ.
Mùa tuyển sinh năm nay, trường chọn được 48 học viên nhập học (chỉ tiêu trung bình khoảng 35 học viên). Để có được con số này, khoảng 10.000 thí sinh dự thi đã tham gia vòng sơ tuyển, tiếp đó khoảng 400 em được chọn vào vòng trúng tuyển và phúc tuyển, sàng lọc qua các vòng chung tuyển và phúc tuyển thì số học sinh nhập học là 48 em.
Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam cho biết lâu nay công tác tuyển sinh chỉ thu hút các thí sinh ở vùng sâu, vùng xa thì năm nay, lượng học sinh đến từ nội thành đã tăng cao, trong đó có nhiều em đến từ những gia đình cán bộ, viên chức. Đây là tín hiệu vui, cho thấy cách nhìn của cộng đồng với nghề xiếc đang dần cởi mở hơn.
Thực tế, sau khâu tuyển sinh, những khó khăn và cả bất cập liên quan tới việc đào tạo nghề xiếc cũng đã được nhắc nhiều tại các cuộc tọa đàm, hội thảo chuyên ngành. Đó là việc thí sinh được đào tạo dài (5 năm so với 18 tháng như nhiều trường trung cấp) nhưng lại có tuổi nghề ngắn.
“Một giáo viên bình thường đứng lớp ở một cơ sở giáo dục nghề nghiệp ít nhất cũng phải có 30- 40 em/lớp. Nhưng do yêu cầu đặc thù, ở xiếc đôi khi một thầy dạy một học sinh trong suốt quá trình 5 năm cho một thể loại tiết mục.
Hơn thế, tấm bằng “trung cấp” hiện tại khiến các em ra trường chỉ được xét là diễn viên hạng 4, quá thiệt thòi khi để trở thành diễn viên xiếc phải có năng khiếu, tài năng…”- NSƯT Ngô Lê Thắng nói.
Từ thực tế đó, NSƯT Ngô Lê Thắng bày tỏ hiện nay, các cơ sở đào tạo nghệ thuật rất mong chờ các bộ, ban, ngành cùng vào cuộc với Bộ VH-TT&DL nghiên cứu, quan tâm tới điều kiện của các cơ sở đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực nghệ thuật đặc thù để có các quy định phù hợp, tạo điều kiện cho các cơ sở đảm bảo được điều kiện kiểm định chất lượng giáo dục và phù hợp với quy định hiện hành.
“Cần có đánh giá, rà soát để sửa đổi, bổ sung một số quy định phù hợp với tính đặc thù trong đào tạo các lĩnh vực nghệ thuật”- ông Thắng nêu ý kiến.
Tại Cuộc thi Tài năng xiếc toàn quốc 2024, Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam đã giành được 7 giải thưởng cao, trong đó có 1 giải Nhất, hai giải Nhì cho tiết mục. Trường Xiếc là đơn vị duy nhất ở Việt Nam đào tạo diễn viên biểu diễn nghệ thuật xiếc và tạp kĩ, hơn 90% số lượng diễn viên xiếc hiện nay được đào tạo tại trường.