Chiều tối 17-5 trên trang cá nhân NSƯT Thành Lộc đã đăng tải bài viết chia sẻ về câu chuyện rời IDÉCAF gây chú ý trong suốt thời gian qua cũng như bác bỏ thông tin bản thân bỏ nghề, bỏ sân khấu.
|
NSƯT Thành Lộc trong suất diễn cuối vở "12 bà mụ". Ảnh: VĂN HÀ |
"Chia tay IDÉCAF nhưng vẫn diễn Ngày xửa ngày xưa"
Trên trang cá nhân, NSƯT Thành Lộc cho biết cái tên Thái Dương là do anh đặt cho công ty và logo của công ty cũng do anh nhờ bạn của mình, cố hoạ sĩ Nhã Bình vẽ nhưng không lấy thù lao vì là bạn của nam nghệ sĩ.
Bên cạnh đó, NSƯT Thành Lộc cũng cho hay: "Giữa tháng 5-2022 Lộc từ nhiệm vai trò phó giám đốc chỉ đạo nghệ thuật của sân khấu IDÉCAF (thuộc công ty Thái Dương) sau 26 năm cùng làm việc, tức là bước ra khỏi ban giám đốc công ty Thái Dương, chỉ tiếp tục cộng tác với tư cách là diễn viên và đạo diễn của các vở đang diễn trong dàn kịch mục hiện hành.
Và năm nay 2023, chuyện chia tay với công ty Thái Dương là chuyện có thiệt 100%. Trước mắt là từ giã sân khấu kịch người lớn (sân khấu kịch idecaf 28 Lê Thánh Tôn, quận 1)".
Đồng thời, anh cũng khẳng định: "Chuyện bỏ nghề, bỏ sân khấu là chuyện 100% thất thiệt".
Dù vậy, NSƯT Thành Lộc cũng chia sẻ anh vẫn giúp cho Thái Dương trình diễn trong chuỗi hoạt động sân khấu thiếu nhi Ngày xửa ngày xưa trong suốt mùa hè 2023 này là chuyện có thiệt 100% .
"Học trò còn nghỉ hè thì Lộc còn diễn, học trò nhập học thì thôi" – nam nghệ sĩ bộc bạch.
|
NSƯT Thành Lộc trong tạo hình Ác tiên Mắc Ma của chương trình Ngày xửa ngày xưa 34, với vở "Nàng công chúa và chiếc áo tầm gai". Ảnh: Sân khấu kịch IDÉCAF |
Trong bài viết của mình, NSƯT Thành Lộc cũng chia sẻ về góp ý của một nhà văn kiêm tác giả kịch bản rằng: "Lộc không thể bỏ chỗ này" vì có nhiều lợi thế thế nhưng nam nghệ sĩ cho rằng: "anh nói trật lất về Lộc rồi nha anh! Lộc không lăn tăn lựa chọn gì hết mà Lộc quyết định bỏ một cái rụp, cho nó ra sau lưng và đi tới".
Cuối bài viết, NSƯT Thành Lộc cũng mong các bạn bè nhà báo có kết bạn với mình không khai thác thêm về câu chuyện này vì anh sẽ không nói gì thêm.
“Khi đồng sáng lập ra công ty này Lộc đã không khoe thì việc Lộc bỏ đi cũng không có bổn phận phải báo cáo hay kể lể với bất kỳ ai” – NSƯT Thành Lộc bày tỏ.
Lời chia tay văn minh và sự tiếc nuối cho "mối tình đẹp"
Vào đầu tháng 5, thông tin NSƯT Thành Lộc rời sân khấu IDÉCAF chia sẻ trên các diễn đàn MXH.
Trước những nghi vấn, nam nghệ sĩ không chia sẻ điều gì với báo chí cũng như những câu chuyện bên lề.
Ngay sau đó, loạt vở kịch có sự tham gia NSƯT Thành Lộc liên tục "kín rạp".
Sau mỗi vở diễn, màn chào kết sân khấu cũng lâu hơn. Nam nghệ sĩ cũng có những chia sẻ dòng trạng thái cũng như đăng poster cùng câu “Kết thúc” qua các vở như A lô, lộ hàng, Mơ giấc tình tình, Ngôi nhà không có đàn ông, 12 bà mụ và cuối cùng là Mưu bà Tú.
|
NSƯT Thành Lộc trong vở A lô, lộ hàng tối 10-5. Ảnh: VĂN HÀ |
Câu chuyện NSƯT Thành Lộc rời IDÉCAF liên tục được chia sẻ trong suốt thời gian qua. Bên dưới mỗi bài viết trên các diễn đàn, nhiều khán giả đều bày tỏ sự đổ vỡ, đứt quãng của nam nghệ sĩ cũng như sân khấu IDECAF.
Bởi với mỗi thế hệ của người dân Sài Gòn cũng như khán giả yêu mến sân khấu kịch thì NSƯT Thành Lộc là "đứa con cưng" của làng kịch nghệ miền Nam.
Còn ông bầu Huỳnh Anh Tuấn là một người "mát tay" với những nổ lực gìn giữ sân khấu cũng như người thực hiện mô hình sân khấu xã hội hóa đầu tiên tại Sài Gòn vào giai đoạn đó.
|
Cái ôm của NSƯT Hữu Châu với Thành Lộc trong suất cuối của "12 bà mụ". Ảnh: VĂN HÀ |
Và khi đồng sáng lập nên IDÉCAF, NSƯT Thành Lộc và ông bầu Huỳnh Anh Tuấn cũng như những nghệ sĩ khác đã đem đến một làn gió mới và thu hút được đông đảo khán giả cho đến hiện tại.
Nhìn lại 26 năm vừa qua, có thể nói, “mối tình đẹp” ấy sẽ luôn được lưu giữ trong mỗi khán giả yêu mến sân khấu kịch.